Dân Việt

Doanh nghiệp “3 tại chỗ” xin giảm tiền điện, Bộ Công Thương nói cần cân đối khả năng tài chính của EVN (Bài cuối)

Thanh Phong 13/08/2021 06:00 GMT+7
Trong bối cảnh doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các chi phí đều tăng vọt, trong đó có tiền điện thì doanh nghiệp điện vẫn báo lãi lớn. Và trả lời Dân Việt, Bộ Công Thương vẫn cho rằng việc hỗ trợ tiền điện cho DN "3 tại chỗ" còn phải cân đối tài chính của EVN.

LTS: Cuộc khảo sát tại doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" tại 19 tỉnh thành phía Nam của Dân Việt cho thấy chi phí cho tiền điện tăng mạnh. Có doanh nghiệp, chi phí tiền điện mỗi tháng tăng thêm 100 - 120 triệu đồng (trong khi bình thường là 300 - 400 triệu đồng/tháng), có doanh nghiệp tiền điện lên tới 1 tỷ đồng/tháng lúc bình thường, giờ thực hiện "3 tại chỗ" tiền điện tăng thêm khoảng 30 - 40%... Những con số biết nói này cho thấy trong bối cảnh doanh nghiệp 3 tại chỗ đang chịu nhiều áp lực để duy trì hoạt động thì việc giảm chi phí tiền điện là một việc làm có ý nghĩa trong lúc này.

Tiền điện của doanh nghiệp "3 tại chỗ" tăng vọt, Bộ Công Thương nói cần cân đối tài chính của EVN

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cơ quan này nhận được nhiều kiến nghị của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục triển khai giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện.

Theo đó, để có thể đưa ra phương án về việc hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện, Bộ Công Thương cần đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến đời sống của người dân, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như xem xét hỗ trợ cho các cơ sở tuyến đầu chống dịch.

Bên cạnh đó, việc giảm giá điện, tiền điện cần dựa trên cơ sở khả năng cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận và Bộ Công Thương đã hướng dẫn EVN giảm giá điện, giảm tiền điện trong 4 đợt, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện khoảng hơn 16.000 tỷ đồng.

Giảm giá điện cho doanh nghiệp “3 tại chỗ”, cần cân đối khả năng tài chính của EVN - Ảnh 1.

Quyết định giảm giá điện sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, ngành chức năng cần xem xét khả năng tài chính của EVN. (Ảnh: EVN)


"Cụ thể, về giảm giá điện đợt 4, tính đến thời điểm ngày 30/7, cả nước có 21 tỉnh, thành phố và một số quận, huyện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Do ảnh hưởng của việc giãn cách nên đời sống của đại bộ phận người dân trong vùng giãn cách gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn giảm tiền điện đợt 4 cho các đối tượng sau:

Đối với các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận huyện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại thời điểm ngày 30 tháng 7 năm 2021, giảm tiền điện tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9 năm 2021. Đối với các cơ sở cách ly y tế người nghi nhiễm COVID-19 có thu một phần chi phí, hỗ trợ giảm 100% tiền điện từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12 năm 2021", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc chống dịch và duy trì sản xuất trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta là chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần.

Doanh nghiệp phía Bắc "dễ" thực hiện "3 tại chỗ" hơn phía Nam

Nhận định về việc triển khai "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) đã chứng minh được hiệu quả tại Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam khi dịch bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, giải pháp này không dễ thực hiện, đòi hỏi hàng loạt điều kiện khắt khe. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng cũng có nơi lại chưa thực hiện tốt, còn bị động, lúng túng.

Theo đó, Bộ Công Thương nhận định, các doanh nghiệp phía Bắc có hệ thống nhà xưởng mới và rộng rãi hơn, mật độ lao động không quá cao nên có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện "3 tại chỗ". Ngược lại, nhiều doanh nghiệp phía Nam có số lượng lao động tập trung rất lớn (có thể lên tới hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn lao động), quy mô cơ sở vật chất thiếu thốn, dẫn đến không đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc triển khai phương án "3 tại chỗ".

Giảm giá điện cho doanh nghiệp “3 tại chỗ”, cần cân đối khả năng tài chính của EVN - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện "3 tại chỗ" trong dài hạn. (Ảnh: Dân trí)

"Khác với các doanh nghiệp phía Bắc, phần lớn các doanh nghiệp phía Nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn. Việc áp dụng "3 tại chỗ" có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề về tâm lý đối với người lao động khi họ buộc phải cách ly với gia đình quá lâu, từ đó dẫn đến giảm năng suất lao động và các vấn đề khác về an sinh xã hội.

Do mức độ tập trung công nghiệp cao, các hoạt động logistics, lưu thông, cung ứng hàng hóa và lao động tại khu vực phía Nam bị đứt gãy sớm và nghiêm trọng hơn nhiều so với khu vực phía Bắc, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn cho việc bố trí sản xuất đồng thời với việc bố trí ăn ở cho người lao động theo phương án "3 tại chỗ", đại diện Bộ Công Thương phân tích.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, chi phí để tổ chức sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" tăng cao. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp có số lượng lao động lớn không có đủ năng lực tài chính để thực hiện.

"Một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… hiện đang buộc phải chịu lỗ để thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết. Tuy nhiên do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể triển khai giải pháp này trong dài hạn", Bộ Công Thương cho hay.

Bên cạnh đó, quy định và hướng dẫn của các địa phương về các biện pháp phòng dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất. Việc này đã gây lúng túng cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thực thi các chủ trương của Chính phủ về việc duy trì sản xuất trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đặc biệt, khi các ca lây nhiễm tăng mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, thì tại các nhà máy với quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng "3 tại chỗ" gặp rất nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới. Cùng với đó là hệ quả là một số địa phương đã áp dụng các biện pháp mạnh để phòng dịch triệt để, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp không có ca bệnh.

Ví dụ, có tỉnh đã quyết định đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp không có thời hạn cụ thể khi một doanh nghiệp trong khu phát hiện ca F0, trong khi các doanh nghiệp khác vẫn đang hoạt động ổn định và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.

Thực tế, ngoài các giải pháp hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp trên cả nước, Chính phủ, các cấp, các ngành đã liên tục có các chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc, vấn đề đặt ra khi thực hiện "3 tại chỗ" tại nhà máy. Đơn cử như các giải pháp thay đổi đối tượng ưu tiên tiêm vaccine cho phù hợp; hay các giải pháp quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch Covid-19…

Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên trì thực hiện mục tiêu kép, nhưng kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa mục tiêu chống dịch và mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội; tùy từng nơi, từng lúc để ưu tiên hơn một trong hai mục tiêu này hoặc cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cân đối tài chính của EVN để giảm tiền điện cho DN "3 tại chỗ" có khó không?

Đây là câu hỏi mà Dân Việt chưa có câu trả lời, nhưng theo khảo sát 10 doanh nghiệp điện trên thị trường chứng khoán cho thấy lãi ròng của tăng mạnh so với cùng kỳ do giá bán điện bình quân cao hơn. Bên cạnh đó, giá điện luỹ tiến 6 bậc thang đang áp dụng hiện nay đã được phân tích nhiều bất cập và bản thân Bộ Công Thương và EVN cũng đang lấy ý kiến phương án thay thế. 

Cùng với đó, phương án giảm giá điện hỗ trợ khách hàng trong thời điểm dịch Covid-19 của EVN hiện vẫn còn nhiều thiếu sót khi không đưa đối tượng là doanh nghiệp sản xuất vào, đặc biệt là doanh nghiệp "3 tại chỗ". Đây là đối tượng tiêu thụ điện lớn, tiền điện mỗi tháng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Có doanh nghiệp mỗi năm nộp gần 70 tỷ tiền điện cho EVN. 

Điều đó nói lên vấn đề gì? Nếu lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá điện để hỗ trợ duy trì sản xuất và từ đó doanh nghiệp hỗ trợ lại công nhân, thì số tiền chi ra chắc chắn là nhiều hơn con số 16.000 tỷ đồng và tác động tới doanh thu cũng như lợi nhuận của EVN sẽ lớn hơn. Đây có lẽ là điều mà EVN không muốn chứ không phải chưa tính đến?

Nhưng trong bối cảnh cả nước chống dịch Covid-19, thay vì có lãi ròng lớn, EVN nên thể hiện trách nhiệm xã hội của mình một cách thực chất hơn với vai trò là ông lớn độc quyền trong ngành điện.