Trước đây, gia đình ông Hồng chủ yếu trồng mì (sắn) trên diện tích khoảng 1ha đất vườn. Dù vất vả quanh năm nhưng vườn mì vẫn không đủ giúp ông trang trải cuộc sống gia đình. Sau khi được tham quan một số vườn cây trái trong và ngoài tỉnh do các cấp Hội Nông dân tổ chức, ông Hồng quyết định cải tạo 2 sào đất cát pha để trồng thử nghiệm trồng giống cây táo ngọt (táo má hồng).
Những năm đầu trồng giống táo má hồng, ông Hồng gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm trồng. Trái táo má hồng bị rụng nhiều do sâu bệnh và thiếu nước tưới.
Không nản chí, ông Hồng chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Đồng thời, ông Hồng tự mày mò, nghiên cứu kiến thức kỹ thuật trồng táo má hồng từ mạng Internet, sách báo. Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, dần dần ông cũng khắc phục được những hạn chế nêu trên. Nhờ đó, vườn táo đạt năng suất cao hơn, chất lượng trái tốt hơn.
Ông Hồng cũng là nông dân đầu tiên ở thị trấn Long Hải tự mày mò ghép cây táo má hồng với gốc cây dại.
Chỉ tay vào cây táo cao quá đầu người, cành trĩu quả, ông Hồng chia sẻ: Các cây táo má hồng ghép có gốc ghép là cây hoang dại nên khả năng chịu được với môi trường khắc nghiệt. Khi đưa vào trồng trong vườn được chăm sóc nên cây phát triển tốt, cho trái nhiều nhưng lại ít bị nhiễm bệnh. Cây sau khi ghép được trồng theo từng hàng thẳng. Hàng cách hàng và cây cách cây 5 mét. Hàng năm sử dụng phân hữu cơ hai lần và phân vô cơ 4 lần để bón cho cây.
Ông Hồng chia sẻ: Cây táo má hồng ghép trồng trên vùng đất cát cho trái giòn và ngọt hơn các loại táo trồng trên đất thịt, đất sét ở các tỉnh miền Tây.
"Muốn cây cho trái táo má hồng to, da căng, mỏng và thu hoạch đúng thời vụ, trước khi vào mùa mưa khoảng 1 tháng, người trồng cần chủ động nguồn nước tưới và bón phân hữu cơ, nếu thiếu nước trong thời kỳ phát triển thì trái táo sẽ bị héo và rụng"- ông Hồng chia sẻ kinh nghiệm trồng táo má hồng.
Đến nay, gia đình ông Hồng đã mở rộng diện tích trồng táo má hồng lên 0,5ha, trồng 200 cây táo má hồng.
Theo ông Hồng, táo má hồng trái tròn, có vị ngọt. Khi chín táo có màu vàng chanh. Táo có năng suất tăng dần theo từng năm. Những năm đầu mỗi cây táo cho trái từ 10 -15 kg/cây. Bước qua năm thứ năm trở về sau, mỗi năm, một cây cho năng suất từ 70-80 kg.
Mùa vụ thu hoạch từ tháng 5 (đầu mùa mưa) cho đến tháng 12. Hết vụ thu hoạch phải cưa bỏ các cành, chừa mắt gốc, chăm sóc trong khoảng 5-6 tháng thì táo ra trái cho vụ tiếp theo. Thời gian từ khi ra hoa đến trái bằng hạt tiêu khoảng 35-40 ngày và thời gian từ trái bằng hạt tiêu đến khi táo thu hoạch khoảng 65-70 ngày. Khi vào vụ tất cả các cành táo đều có hoa và trái.
Trên cây táo luôn có trái non và trái chín nên việc thu hoạch trái phải thu hàng ngày và theo phương pháp cuốn chiếu.
Với 200 gốc cây táo cho quả, mỗi năm ông Hồng thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Khi thu hoạch có thương lái đến tại vườn thu mua với giá bình quân 20.000 đồng/kg. 5 năm trở lại đây, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Hồng thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng từ vườn táo.
Với tổngdiện tích 1ha đất trồng cây ăn trái, ngoài 0,5ha trồng táo, vườn nhà ông Hồng còn có ổi, mận, xoài, nhãn và cây hoa lan kiểng, mỗi năm cũng cho thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng.
"Nếu cứ trồng mì, trồng bắp, cuộc sống của gia đình tôi chắc không thể nào khá được như hiện nay, bởi mỗi năm chỉ thu chưa tới 15 triệu đồng/ha. Tôi đang phát triển thêm các loại cây ăn trái khác như ổi sẻ ruột đỏ, mận An Phước", ông Hồng vui vẻ nói.