Nuôi tôm thu tiền tỷ, Cường “tôm” tiết lộ tuyệt chiêu nuôi tôm trong bể xi măng
Nam Định: Nuôi tôm thu tiền tỷ, Cường “tôm” tiết lộ tuyệt chiêu nuôi tôm trong bể xi măng
Đức Thịnh
Thứ năm, ngày 12/08/2021 05:50 AM (GMT+7)
Nhờ tuyệt chiêu nuôi tôm trong bể xi măng ứng dụng công nghệ cao mà năm nào anh Cường “tôm” ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cũng thu lãi tiền tỷ. Anh Cường cũng là nông dân đầu tiên ở địa phương tậu được xe sang nhờ nuôi tôm.
Ở địa phương, ít người gọi anh Nguyễn Văn Cường theo đúng như họ tên của anh. Họ quen gọi anh là Cường "tôm" hoặc Cường "nuôi tôm trong bể xi măng". Bản thân anh Cường cũng thấy cách gọi này cũng hay hay.
Trao đổi với PV Báo điện tử Danviet.vn, anh Cường "tôm" phấn khởi cho biết: Anh bắt đầu thử nghiệm nuôi tôm trong bể xi măng từ năm 2014 đến nay hơn 7 năm và vụ tôm năm nào cũng thắng.
Đáng nói, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 này, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng nhờ mô hình "bất bại" nuôi tôm trong bể xi măng mà anh Cường "tôm" vẫn thành công rực rỡ.
Cụ thể, năm 2020, với 80 bể xi măng nuôi tôm, anh xuất bán ra thị trường 25 tấn tôm. Giá tôm trung bình đạt 200.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí gia đình anh lãi hơn 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, cũng với 80 bể xi măng nuôi tôm ấy, anh Cường "tôm" xuất bán ra thị trường 20 tấn tôm, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi 1 tỷ đồng.
Với tổng diện 1,2ha, anh Cường xây 80 bể xi măng để nuôi tôm với tổng diện tích 2.000 m2 (mỗi bể có diện tích 25m2). Diện tích còn lại anh Cường đầu từ hệ thống ao chứa, ao nuôi, xử lý nước…
Anh Cường nói, toàn bộ 80 bể xi măng được gia đình anh xây rất kiên cố. Mỗi bể đều có hệ thống sủi bọt tạo oxy, đường ống dẫn nước sạch vào bể và thải nước bẩn từ trong ra ngoài. Trên mái, anh giăng lưới che nắng để giảm nhiệt độ trong bể nuôi.
Anh Cường giải thích: Nuôi tôm có mái che sẽ đảm bảo ổn định nhiệt độ môi trường nước, người nuôi chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường.
Cụ thể: mùa hè giăng lưới che nắng để giảm nhiệt độ trong bể nuôi, còn mùa đông thì phủ nilon lên mái che giữ ấm cho bể tôm. Với cách nuôi tôm này, gia đình anh luôn có tôm bán với giá cao mỗi dịp trước và sau Tết.
Bí quyết nuôi tôm trong bể xi măng: "Giống sạch, nước sạch – Nuôi là trúng"
Anh Cường cho biết chìa khoá thành công của mô hình nuôi tôm trong bể xi măng là "Giống tốt, nước sạch – Nuôi là trúng".
Về tôm giống, anh Cường thường lựa chọn những công ty sản xuất giống uy tín, nổi tiếng để mua.
Còn để con tôm được sống trong môi trường nước luôn sạch sẽ, trước khi lấy nước từ ngoài biển vào để nuôi, anh Cường đã xử lý nước qua nhiều giai đoạn, bằng nhiều phương pháp khác nhau.
"Nước được lấy từ biển, sau đó đưa vào hệ thống ao chứa. Tại đây, nước được xử lý bằng clo, muối i ốt. Tiếp đến là chạy quạt nước liên tục để không còn mùi hóa chất ở trong nước. Cuối cùng mới bơm nước vào bể nuôi", anh Cường bộc bạch.
Trong quá trình nuôi, anh thường xuyên vệ sinh bể, thay nước khi có hiện tượng nước chuyển màu.
"Trước đây, bản thân tôi cũng là người bán thuốc, tư vấn thuốc cho người nuôi tôm. Những lần đầu mang lại hiệu quả rất cao, xử lý bệnh nhanh chóng. Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra càng phụ thuộc vào thuốc càng khiến việc tôm nuôi trở nên khó khăn và vô tình lại tạo thành một vòng luẩn quẩn: Nước ô nhiễm, có mầm bệnh -> xử lý bằng thuốc -> khỏi bệnh -> nước lại ô nhiễm, lại nhiễm bệnh". Chính vì vậy, phải xử lý tận gốc, tức là từ môi trường nước nuôi. Nước nuôi phải sạch, thì tôm sẽ sống khỏe mà không cần tác động đến kháng sinh hay chất bổ trợ.
"Nếu môi trường trong bể tôm, từ lúc thả cho đến lúc tôm lớn, người nuôi giữ được hai yếu tố "đáy sạch" và "nước sạch" thì tôm gần như không bao giờ nhiễm bệnh", anh Cường chia sẻ. Và sự thật được chứng minh bằng những lứa nuôi tôm trong bể xi măng thành công liên tiếp của anh.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Đông cho biết: Hiện xã có 60ha nuôi tôm thẻ chân trắng với gần 80 hộ nuôi. Nuôi tôm thẻ chân trắng giờ đã thành mũi nhọn kinh tế của địa phương.
Với mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, anh Cường là một trong những tấm gương điển hình nông dân giỏi ở địa phương. Từ mô hình của anh Cường đã có thêm 7 hộ trong xã học theo anh và cũng thành công từ mô hình nuôi tôm trong bể xi măng.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm trong bể xi măng, anh Cường cho biết: Sau nhiều lần thử nghiệm và đúc rút kinh nghiệm, anh đã tìm cho mình được quy trình nuôi ưng ý nhất.
Anh Cường không nuôi trực tiếp tôm trong 1 bể từ lúc thả đến lúc xuất bán, mà nuôi thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Từ lúc thả tôm đến khi tôm được khoảng 30 ngày tuổi được nuôi trong bể xi măng có mái che kín. Tôm được thả nuôi với mật độ 1.000 con/m2, khi tôm đạt kích cỡ 900 – 1.000 con/kg thì sẽ đưa sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Tôm được 30 ngày tuổi sẽ được san các bể với số lượng đầu con giảm đi và nuôi về kích thước 150-200 con/kg.
Hai giai đoạn 1 và 2 được anh tiến hành nuôi hoàn toàn trong bể xi măng.
Giai đoạn cuối cùng, anh thả vào các ao lót bạt có diện tích lớn hơn và nuôi về kích thước 30-50 con/kg.
Cũng từ đó, anh Cường "tôm" liên tiếp thành công. Cái tên Cường "tôm" hay Cường "nuôi tôm trong bể xi măng của anh dần được nhắc đến với câu chuyện anh nông dân nuôi tôm 10 vụ trúng cả 10.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.