Báo cáo sản xuất mía đường kỳ tháng 7/2021 được Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) công bố mới đây cho biết, vụ sản xuất mía đường đã kết thúc với sản lượng 689.830 tấn đường.
Con số này thấp hơn so với tổng sản lượng 763.931 tấn đường của vụ trước.
Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng đường nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng so với cùng kỳ.
Cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu hơn 690.000 tấn đường.
Nửa đầu năm nay, Việt Nam nhập tổng cộng 781.334 tấn đường. Con số này tương đương với tổng giá trị 367.212.517 USD.
Đây là con số kỷ lục chưa từng có trong ngành đường Việt Nam, Hiệp hội VSSA đánh giá.
Điều đáng lo là đường nhập khẩu từ 5 quốc gia: Campuchia, Laos, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam tiếp tục hiện tượng bất thường.
Theo Tổng cục Hải Quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia này là 38.610 tấn.
6 tháng đầu năm nay, số lượng nhập khẩu tăng hơn 10 lần, lên đến 399.189 tấn.
Theo VSSA, năng lực cạnh tranh mía đường của 5 quốc gia Asean này không thể nào xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy được.
VSSA cho rằng, đây thực chất là dấu hiệu của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Bằng chứng là cả 5 nước này đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan. Và bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN này đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan.
Nếu lẩn tránh được xuất xứ từ Thái Lan, đường nhập từ các nước Asean chỉ phải chịu mức thuế 5%. Trong khi đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao hơn rất nhiều.
Trong tháng 7/2021, tình hình bùng phát dịch Covid 19 tại các tỉnh phía Nam đã dẫn đến việc giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành.
Hàng hóa lưu thông bị hạn chế nên các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu cũng lắng xuống.
Tuy nhiên, VSSA nhận định, nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng lắng xuống này chỉ là tạm thời.
Vì theo VSSA, lượng đường Thái Lan vẫn tiếp tục nhập khẩu vào Campuchia với mức độ lớn hơn so với cùng kỳ.
Và lượng đường này hầu như chỉ phục vụ cho hoạt động nhập lậu và nhập lẩn tránh phòng vệ thương mại vào Việt Nam, báo cáo của VSSA cho biết.
Trong tháng 8, Hiệp hội mía đường dự báo nguồn cung từ nhập khẩu sẽ tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua: nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, từ các nước Asean và từ đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam.
Cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 8 và tháng 9/2021. Ưu thế thị trường vẫn tiếp tục thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.
Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), nửa cuối tháng 7/2021, giá đường thế giới có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá ethanol tăng.
Thời tiết khô hạn và sương giá tại các cánh đồng mía của Brazil dự báo có thể gây bất lợi cho sản xuất mía đường của nước này cũng là yếu tố góp phần tăng giá đường.
Tuy nhiên, giá cước tàu vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng vọt trong thời gian gần đây đã tiếp tục thu hẹp chênh lệch giữa giá đường trắng và đường thô bình quân trong tháng.
Mức chênh lệch giảm này tiếp tục làm giả giảm hiệu quả của hoạt động gia công đường luyện.
Trong nước, giá đường tinh luyện tháng 7 ở thị trường TP.HCM giữ ổn định ở mức 18.000-18.200 đồng/kg.
Giá đường kính trắng tăng nhẹ từ 17.400-17.600 đồng/kg (nửa đầu tháng) lên 17.500-17.800 đồng/kg (nửa cuối tháng).
Tương tự, giá đường vàng cũng chỉ tăng nhẹ từ 17.000-17.200 đồng/kg (nửa đầu tháng) lên 17.000-17.400 đồng/kg (nửa cuối tháng).
Gía đường nhập khẩu cũng nhích từ 17.400 đồng/kg (nửa đầu tháng) lên 17.500 đồng/kg (nửa cuối tháng).