Ngành mía đường Thái Lan phản ứng về thuế chống bán phá giá, dù nhiều đề nghị trước đây bị bác bỏ

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 17/06/2021 15:49 PM (GMT+7)
Ngành mía đường Thái Lan sẽ có những động thái phản ứng lại quyết định áp thuế chống bán phá giá mới đây của Việt Nam. Trước đó, Cơ quan điều tra đã nhiều lần phản bác một số lập luận và đề nghị từ phía Thái Lan.
Bình luận 0

Hôm nay, ngày 17/6, tờ Bangkok Post đưa tin, Thái Lan sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại các biện pháp áp thuế đối với đường Thái Lan.

Đồng thời xem xét mở cuộc điều tra mới vào năm tới, sau khi Việt Nam ra quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC)  47,64% đối với một số sản phẩm đường từ Thái Lan.

Ngành mía đường Thái Lan phản ứn

Ủy ban Mía đường Thái Lan (OCSB) là cơ quan Chính phủ, trực thuộc Bộ Nông nghiệp Thái Lan. OCSB có chức năng và nhiệm vụ lên kế hoạch sản xuất mía đường, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cũng như cấp phép xuất khẩu cho các công ty thương mại.

Văn phòng OCSB và Tổng công ty Mía đường Thái Lan cho biết, thuế chống bán phá giá mới sẽ không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đường và nông dân Thái Lan. Chỉ có các nhà kinh doanh và môi giới đường sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới.

Tuy nhiên, các quan chức ngành Công nghiệp và Thương mại Thái Lan vẫn được yêu cầu làm việc cùng nhau để làm rõ những nghi ngờ về vấn đề đường được trợ giá, Tổng thư ký OCSB cho biết.

Tài xế chờ tới lượt đưa cây mía của nông dân vào một nhà máy đường ở Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Tài xế chờ tới lượt đưa cây mía của nông dân vào một nhà máy đường ở Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Trước đó, ít nhất 2 lần, ngành mía đường Thái Lan đề nghị liên quan Cơ quan điều tra (CQĐT) thuộc Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) xem xét một số vấn đề liên quan đường xuất khẩu của Thái Lan.

Lần thứ nhất là trong thời kỳ điều tra, Chính phủ Thái Lan đã đề nghị CQĐT xem xét:

(i) vấn đề lợi ích kinh tế xã hội khi áp dụng biện pháp CBPG, CTC;

(ii) không áp dụng biện pháp CBPG, CTC có hiệu lực trở về trước.

Đại diện của một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Thái Lan cho rằng, giá bán đường xuất khẩu của Thái Lan được giao dịch theo giá trên thị trường quốc tế.

Việc gia tăng nhập khẩu đường từ Thái Lan nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt đường cùa thị trường nội địa Việt Nam.

Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) sẽ cản trở sự phát triển các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, cũng như ảnh hưởng tới lợi ích người tiêu dùng Việt Nam.

Người tiêu dùng mua sản phẩm đường trong nước. (Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ)

Người tiêu dùng mua sản phẩm đường trong nước. (Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ)

Tuy nhiên, CQĐT xác định: Hành vi bán phá giá, trợ cấp đối với đường xuất khẩu của Thái Lan trong trường hợp bị điều tra, đã được xác định là có tồn tại. Đây là các hành vi thương mại không công bằng.

Do đó, các hành vi này cần được điều chỉnh bởi việc áp dụng biện pháp CBPG, CTC phù hợp với pháp luật Việt Nam và quy định của WTO.

Trong trường hợp thị trường nội địa của Việt Nam có nhu cầu, việc nhập khẩu các sản phẩm đường mía có điều kiện cạnh tranh công bằng vẫn sẽ diễn ra bình thường theo quy luật cung cầu, CQĐT phản hồi.

Bác bỏ đề xuất cam kết giá của Thái Lan

Đến tháng 5/2021, ngành mía đường Thái Lan đưa ra đề xuất cam kết giá. Tuy nhiên, đề xuất này cũng bị phản đối.

Theo đó, ngày 19/5, CQĐT nhận được văn bản Đề xuất cam kết giá của Văn phòng ủy ban Mía Đường Thái Lan OCSB đối với sán phẩm đường mía nhập khẩu thuộc phạm vi điều tra.

Trong đề xuất cam kết, OCSB liệt kê danh sách 8 doanh nghiệp được OCSB cấp phép xuất khẩu.

OCSB cho rằng mặc dù không phải là nhà sản xuất, xuất khẩu nhưng OCSB có đầy đù thẩm quyền để thực thi và giám sát nội dung cam kết. Bỡi vì, OCSB có thể kiểm soát lượng và giá xuất khẩu đường sang thị trường Việt Nam.

OCSB đề nghị cam kết giá tối thiểu đối với đường thô và đường tinh luyện trong 5 năm, tương ứng với thời gian áp dụng thuế CBPG và CTC như sau:

Nội dung Đề xuất cam kết giá của ngành mía đường Thái Lan

Nội dung Đề xuất cam kết giá của ngành mía đường Thái Lan

Trong đó, hạn ngạch đề xuất 800.000 tấn là hạn ngạch chung cho cả đường thô và đường tinh luyện.

Ngày 21/5, CQĐT gửi công văn đề nghị Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) và các doanh nghiệp sản xuất trong nước cho ý kiến.

Hiệp hội VSSA và các doanh nghiệp sản xuất trong nước đều có chung ý kiến: Không đồng ý với Đề xuất cam kết giá của Thái Lan.

Các lý do được nêu ra:

(i) Việc xác định giá tối thiểu căn cứ vào giá tham chiếu trên sàn New York (số 11) và London (số 05) là không phù hợp.

Nguyên nhân là giá bán trên sàn này biến động nhanh và liên tục. Do đó sẽ rất khỏ kiểm soát. Đặc biệt là trong trường hợp giá đường thế giới biến động mạnh.

(ii) Tỷ lệ cộng thêm 20% với đường thô và 30% với đường tinh luyện là không hợp lý; chưa đủ để loại bỏ hành vi bán phá giá và trợ cấp.

(iii) Nếu đồng ý đề xuất cam kết, đường Thái Lan (được trợ cấp và bán phá giá) vẫn vào Việt Nam và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng không thu được khoản thuế CBPG, CTC khi không áp dụng biện pháp CBPG, CTC.

Từ những ý kiến trên, CQĐT kết luận: Đề xuất cam kết giá của Chính phủ Thái Lan không phù hợp và không đảm bảo việc khắc phục hành vi bán phá giá và trợ cấp.

Căn cứ Kết luận điều tra cuối cùng của CQĐT và dữ liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, Bộ Công Thương ra Quyết định số 1578, thông báo:

. Không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp CBPG, CTC có hiệu lực về trước đối với các sản phẩm đường Thái Lan.

. Mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99%

. Mức thuế chống trợ cấp chính thức: 4,65%

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem