Quyết định bước ngoặt
Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Cao Ngọc Hiến (SN 1993, ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Tôi học đến lớp 10 rồi vào Sài Gòn làm công nhân. Làm được mấy năm thấy cảnh công nhân vất vả và không cho thu nhập cao nên tôi khăn gói về quê lập nghiệp".
Clip: Anh Cao Ngọc Hiến (ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh đau bụng cho lợn rừng.
Theo anh Cao Ngọc Hiến, năm 2017, anh về quê ở xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) lập nghiệp trên mảnh vườn gần 3 ha của gia đình. Gia đình anh thuộc diện cận nghèo của xã, không có tiền mua con giống, cây giống nên anh đi vay mượn.
Được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, anh Hiến mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện Minh Hóa.
Ngày đầu lập nghiệp, anh Hiến mua cây keo về trồng trên diện tích 2 ha và xây dựng trang trại gần 1 ha để nuôi lợn rừng, nuôi gà và nuôi bò.
Bằng kinh nghiệm, tự chế thuốc chữa cho đàn lợn rừng
Anh Cao Ngọc Hiến cho biết: "Lợn rừng nếu biết cách nuôi sẽ nuôi rất dễ. Đau bụng là bệnh thường gặp trên loài vật này".
Chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh đau bụng cho lợn rừng, anh Hiến nói: "Tôi thường hái lá sim, lá ổi, cây chè khổng lồ rồi đổ vào cối giã nhuyễn, vắt lấy nước và dùng nước đó cho lợn uống. Thường sau 2 ngày uống, lợn rừng sẽ hết đau bụng, ăn uống trở lại bình thường".
Cũng theo anh Hiến, hiện trang trại của anh đang nuôi 60 con lợn rừng, 100 con gà và 10 con bò. Dù bệnh dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục trên địa bàn nhưng đàn bò, đàn lợn của anh chưa nhiễm bệnh và bán được giá cao với 180.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm trang trại của anh cho lãi 200 triệu đồng.
"Các hộ dân trong xã ai muốn nuôi lợn rừng tôi đều chia sẻ kinh nghiệm sẵn có. Tôi còn thuê người dân địa phương đến trang trại làm việc, giúp họ có công ăn việc làm và tặng bà con ít cặp lợn rừng giống để tạo sinh kế nữa", anh Hiến nói.
"Cách làm trang trại tổng hợp của anh Cao Ngọc Hiến rất hay, cho thu nhập cao. Đặc biệt, anh Hiến nuôi đàn lợn rừng phát triển tốt, ít nhiễm bệnh, bán được giá. Nhiều hộ dân trong xã đến trang trại của anh học hỏi kinh nghiệm nuôi lợn được anh chia sẻ tận tình" - ông Thái Văn Chung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hóa.