Quảng Bình: Nông dân dân tộc Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi bò, trồng cao su

Trần Anh Thứ ba, ngày 10/08/2021 09:06 AM (GMT+7)
Bà con dân tộc Vân Kiều (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Các hộ vay vốn đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có nuôi trâu, trồng cây cao su, dần ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Thoát cảnh vào rừng đốn gỗ, săn thú để vay vốn trồng cao su, nuôi bò

Những ngày trung tuần tháng 8, PV Dân Việt tìm đến xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), nơi đây, người dân tộc Vân Kiều sinh sống đông đúc ở các bản nằm sát bìa rừng.

Quảng Bình: Nông dân Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi trâu, trồng cao su - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hoan đang cạo mủ cây cao su để mang đi bán. (Ảnh: Trần Anh)

Ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân trực tiếp dẫn PV vào bản người dân tộc Vân Kiều sinh sống, dọc đường đi, ông Nghĩa cho biết: "Bà con Vân Kiều nay không sống nương nhờ vào rừng nữa, họ đã mạnh dạn vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ thoát nghèo, có của ăn của để, từng bước phát triển kinh tế".

Vượt qua nhiều cung đường đèo dốc, PV đến được nhà anh Hồ Nam (SN 1980, người dân tộc Vân Kiều, ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), gia đình anh là một điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.

Thời điểm PV đến, anh Hồ Nam đang đi cạo mủ cao su trong vườn, tiếp chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Hoan (SN 1982, vợ anh Hồ Nam), cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện cận nghèo của xã, cuộc sống lúc đó chỉ biết vào rừng đốn gỗ, săn thú. Từ năm 2015, biết không thể dựa mãi vào rừng để sống, tôi bàn với chồng chuyển qua trồng trọt, chăn nuôi, rồi hai vợ chồng lên hỏi chính quyền địa phương cách thức vay vốn để tạo sinh kế".

"Sau đó, gia đình tôi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh và vay được 30.000.000 đồng. Có vốn trong tay, hai vợ chồng mua cây cao su về trồng trên diện tích 12 ha vườn đồi của gia đình và mua 2 con bê cái về nuôi", chị Hoan nói.

Theo chị Nguyễn Thị Hoan, sau nhiều năm trồng trọt, chăn nuôi, hiện 12 ha cây cao su của gia đình chị đã cho mủ, hằng ngày hai vợ chồng đều vào vườn để cạo mủ cao su mang đi bán. Bên cạnh đó, từ 2 con bê ban đầu, đến nay, gia đình chị có 11 con bò và nuôi thêm 25 con lợn.

"Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi từ việc bán mủ cao su, bán bò, bán lợn lãi hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, năm vừa rồi, gia đình tôi được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", chị Nguyễn Thị Hoan cho hay.

Rời Sài Gòn về quê vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi trâu, trồng keo

Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Hồ Minh (SN 1989, người dân tộc Vân Kiều, ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Tôi học hết lớp 9, rồi vào Sài Gòn làm công nhân, làm được bao nhiêu tiền là tiêu hết, không có dành dụm. Đến năm 2010, tôi khăn gói về quê lập nghiệp".

"Gia đình tôi là người dân tộc Vân Kiều, cuộc sống rất khó khăn. Khi tôi ở Sài Gòn về nói với ba mẹ ở nhà lập nghiệp, ba đưa tôi 400.000 đồng. Đó là số tiền ít ỏi ba mẹ dành dụm nhiều năm trời mới có. Sau đó, tôi cất một cái lều sống tạm và trồng cây keo trên khu đất 10 ha của ba mẹ", anh Hồ Minh nói.

Quảng Bình: Nông dân Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi trâu, trồng cao su - Ảnh 2.

Anh Hồ Minh bên đàn dê anh sắp bán. (Ảnh: Trần Anh)

Theo anh Hồ Minh, thời gian sau, được sự giúp đỡ từ chính quyền xã Trường Xuân, anh vay 50.000.000 đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi chương trình tín dụng cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh. Có tiền trong tay, anh mua 10 con trâu cái thả vào rừng.

Vài năm sau, đàn trâu của anh Minh đẻ lứa đầu tiên và anh bán 5 con nghé, số tiền bán được anh dùng để đào ao rộng 60 m2 và thả 1.000 con cá trắm, cá mè, cá rô phi. Sau đó, anh tiếp tục bán nghé và mua 15 con dê về nuôi trong vườn.

Theo anh Hồ Minh, 10 ha cây keo anh trồng năm 2010 đến nay đã bán được 2 lần, mỗi lần bán thu về gần 500 triệu/10 ha. Bên cạnh đó, anh thả 20 con trâu trong rừng, mỗi năm anh bán 3 con cho lãi hơn 100 triệu đồng. Còn đàn dê, mỗi năm thu nhập từ tiền bán dê được 30 triệu đồng. Anh Minh cũng dự tính xuất bán 1.000 con cá các loại trong thời gian tới.

Quảng Bình: Nông dân Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi trâu, trồng cao su - Ảnh 3.

Anh Hồ Minh chia sẻ cách nuôi dê với ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: Trần Anh)

Anh Hồ Minh cho biết: "Hiện tại thu nhập của gia đình tôi mỗi năm được 200 triệu đồng. Tôi đã xây dựng một ngôi nhà khang trang và 1 quán tạp hóa để vợ tôi bán hàng. Người dân trong bản ai muốn nuôi trâu, dê, cá đều được tôi hướng dẫn tận tình". 

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tích cực, chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn ưu đãi của Chính phủ để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn.

Nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ giúp hội viên, nông dân trong tỉnh Quảng Bình giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giả mà còn giúp cho cán bộ Hội Nông dân sâu sát hơn với tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giúp Hội Nông dân thu hút thêm hội viên, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem