Chăn nuôi, trồng trọt là thế mạnh trong phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, tuy nhiên chất thải trong chăn nuôi đã và đang gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Trước thực trạng trên, anh Đỗ Đình Thao, thôn Đồng Tâm, xã Xuân Lôi đã lựa chọn mô hình chăn nuôi khép kín: Trồng sắn - nuôi dế, nuôi bò - sản xuất trùn quế - nuôi dế, nuôi tắc kè, gà vừa cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng vừa bảo vệ môi trường.
Để có được thành công như ngày hôm nay bản thân anh Thao cũng đã trải qua nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.
Trước đây anh phát triển mô hình chăn nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi gia đình anh thiệt hại nặng về kinh tế tưởng như không thể vực dậy.
Với bản tính cần cù, chịu khó anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ nhiều mô hình ở địa phương khác để tìm cho mình một hướng đi mới trong chăn nuôi, trồng trọt.
Với diện tích 700m2 cải tạo, xây dựng lại từ trang trại nuôi lợn, anh Thao đã tiến hành nuôi bò, nuôi dế và nuôi giun trùn quế.
Mô hình chăn nuôi khép kín của anh Thao sử dụng chuỗi phân làm nguồn thức ăn cho cây trồng, vật nuôi rất hiệu quả, giảm chi phí đầu vào.
Cụ thể: anh trồng sắn lấy củ - lấy cây - lấy lá; củ sắn làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; cây sắn nghiền ủ chua cho bò, lá sắn để nuôi dế.
Nuôi bò ngoài việc xuất bán bò thịt, bò giống, anh Thao còn lấy phân làm thức ăn nuôi giun trùn quế; giun quế lại làm thức ăn trực tiếp cho dế, làm thức ăn cho gà và giun quế cũng là thức ăn của con tắc kè.
Giun trùn quế và dế hiện đang là mặt hàng còn khan hiếm luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, giá bán cao nên cho thu nhập ổn định.
Ngoài việc bán giun trùn quế sống, anh Thao còn bán phân hỗn hợp trùn quế bởi phân có hàm lượng hữu cơ rất cao nên được nhiều người ưa chuộng sử dụng làm phân bón cho cây trồng, cây cảnh và cây ăn quả.
Hiện nay, anh Thao thường xuyên nuôi 10 con bò, 150m2 nuôi giun trùn quế, 200m2 nuôi dế, anh nuôi 60 con tắc kè.
Chia sẻ với chúng tôi về mô hình chăn nuôi liên hoàn, khép kín anh Thao cho biết: Mỗi một đối tượng sản xuất là một mắt xích quan trọng trong chuỗi khép kín, chuồng trại phải được xây dựng phù hợp cho từng vật nuôi.
Đặc biệt chăn nuôi liên hoàn có thể sắp xếp liền kề theo thứ tự chuỗi khép kín để thuận lợi cho việc chăm sóc.
Việc lấy phân bò làm thức ăn trực tiếp cho giun quế giúp tiêu hao từ 70 - 80% lượng phân tươi, lượng còn lại làm phân bón cho cây trồng, vì vậy không gây ô nhiễm môi trường.
Công thức này đã giúp gia đình giảm 50% đầu vào chi phí sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Trừ chi phí, mỗi năm mô hình chăn nuôi khép kín, liên hoàn này giúp gia đình anh Thao thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).
Ngoài ra, nhờ năng động cập nhật nhu cầu của thị trường, vợ chồng anh Thao còn kinh doanh dịch vụ vận tải và cung cấp các loại con giống gia cầm chất lượng cho bà con nông dân.
Với những thành công bước đầu, tin rằng mô hình chăn nuôi khép của anh Đỗ Đình Thao (xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) sẽ mang lại kinh tế hiệu quả cao và phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương.