Nuôi ốc nhồi la liệt ở dưới ao, vốc lên được cả đống, ông nông dân Ninh Bình lãi hàng trăm triệu
Ninh Bình: Nuôi con thích "ngồi mát ăn bát bèo", lão nông vùng chiêm trũng có thu nhập khủng
Phạm Quân
Thứ sáu, ngày 23/07/2021 06:10 AM (GMT+7)
Từ khi bén duyên với con ốc nhồi, gia đình ông Lê Thanh Huyền, xóm Vạn, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô (Ninh Bình) có thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ nghề nuôi ốc nhồi đặc sản, cuộc sống của gia đình ông Huyền khấm khá hơn trước rất nhiều.
Hơn 2 năm trở lại đây, gia đình ông Lê Thanh Huyền (59 tuổi) đang ăn lên làm ra với mô hình nuôi ốc nhồi.
Tuy chỉ mới bén duyên với nghề nuôi ốc nhồi được gần 4 năm nay, nhưng 2 năm vừa qua, ông Huyền có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Dẫn phóng viên đi thăm quan mô hình nuôi ốc nhồi, ông Huyền cho hay: "Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã xuất bán được 80 vạn ốc nhồi giống và 300kg ốc nhồi thương phẩm, lãi ròng khoảng 300 triệu đồng. Nuôi loại ốc này quá kinh tế. So với những loại vật nuôi nói chung, nuôi thủy sản nói riêng thì nuôi ốc nhồi đang cho hiệu quả kinh tế vượt trội...".
Ông Huyền bắt đầu tập tành nuôi ốc nhồi vào đầu năm 2017. Ban đầu ông chỉ tận dụng mặt nước sẵn có và nuôi ốc nhồi với quy mô nhỏ.
Nhưng càng nuôi con ốc đặc sản này, ông Huyền càng mê. Ông nhận thấy đây là loại vật nuôi có nhiều tiềm năng, hoàn toàn có thể làm giàu được.
"Đầu tiên tập tành nuôi thì người ta bảo nuôi ốc nhồi khó lắm, phải đòi hỏi kỹ thuật cao nên tôi sợ chẳng dám nuôi nhiều. Ban đầu chỉ mua có 1.000 con về nuôi thử. Nhưng khi nuôi, tôi thấy ốc nhồi còn dễ nuôi hơn nuôi cá, thức ăn đơn giản, toàn thứ kiếm được hoặc nếu mua thì lại đồ rẻ tiền" - ông Huyền nói.
Nhận thấy con ốc nhồi dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao nên ông đã chuyển toàn bộ diện tích mặt nước đang nuôi cá sang nuôi loại ốc này.
Các ao nuôi cá trước đó được ông cải tạo cho phù hợp với mô hình nuôi ốc nhồi. Bên trên có hệ thống lưới đen che nắng cho ốc, xung quanh có quây lưới chống chuột bắt ốc.
Tuy đã được đầu tư bài bản, nhưng khi bắt tay vào nuôi ốc nhồi với quy mô lớn hơn thì ông gặp nhiều trục trặc.
Theo đó, đàn ốc nhồi bố mẹ bị hao hụt vì nhiều nguyên nhân, dẫn đến sản lượng ốc giống thấp, không đủ để bán ra thị trường. Đồng thời, trong quá trình nuôi ông vẫn còn nhiều thiếu xót, cần phải khắc phục thêm.
Sau một năm miệt mài học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, kỹ thuật nuôi ốc nhồi, ông Huyền đã trang bị đầy đủ kiến thức nuôi ốc nhồi, giúp ông tự tin hơn.
Đầu năm 2020, với hàng vạn con ốc nhồi bố mẹ trong ao, đã giúp ông Huyền hái ra tiền. Chỉ tính riêng việc bán ốc nhồi giống đã mang về cho ông hàng trăm triệu đồng.
"Năm thứ 3 tôi xuất bán gần 100 vạn ốc nhồi giống, mỗi vạn tôi bán với giá 3,5 triệu đồng, tính sơ sơ cũng thu về trên 300 triệu, còn chưa tính đến ốc nhồi thương phẩm. Nếu mà nuôi cá thì một năm kiếm mấy chục triệu cũng khó, chưa nói đến trái gió trở trời cá hay lăn ra chết bất ngờ" - ông Huyền phân tích.
Chia sẻ với báo điện tử Dân Việt, ông Huyền cho biết, hiện ông đang có 1000m2 mặt nước nuôi ốc và đang thả nuôi hơn 1 vạn ốc bố mẹ, vào mùa ốc sinh sản mỗi tháng ông xuất bán trên 20 vạn ốc giống, thu về hàng chục triệu đồng.
Bí quyết bắt ốc nhồi nhả ra hàng trăm triệu mỗi năm
Đến nay, ông đã xuất bán được hơn 80 vạn ốc giống, hơn 300 kg ốc thương phẩm. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ xuất bán thêm được vài chục vạn ốc giống nữa và thêm hàng trăm kg ốc nhồi thương phẩm khác.
Năm nay, tính đến thời điểm hiện tại ông Huyền đã thu được 300 triệu từ việc bán ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm. Từ giờ đến cuối năm tuy không phải chính vụ, nhưng theo ông huyền, gia đình ông có thể thu về thêm trên 100 triệu đồng nữa.
"Sau khi trừ hết chi phí, năm nay kiểu gì tôi cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Con ốc nhồi kinh tế ở chổ là ít tốn chi phí thức ăn, bán lúc nào cũng có giá. Chứ nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá mà giá thức ăn chăn nuôi tăng vù vù như năm nay thì nhiều nông dân vỡ mặt..." - ông Huyền tiết lộ.
Theo ông Huyền, ốc nhồi thường đẻ trứng từ tháng 3 – 9 âm lịch hàng năm. Còn những thời điểm khác là thời gian ốc ngủ đông và không ăn gì.
Đến khoảng tháng 2 âm lịch năm sau ốc nhồi lại bắt đầu đội bùn ngoi lên mặt nước để đi tìm thức ăn và lặp lại quá trình sinh sản.
Về cơ bản nuôi ốc nhồi không tốn quá nhiều chi phí nhất là chi phí phát sinh, chỉ mất tiền mua giống ban đầu.
Vì nguồn thức ăn của ốc chủ yếu là bèo nên người nuôi có thể tự cung cấp được. Ngoài ra, ốc nhồi rất thích ăn lá sắn, có thể tận dụng diện tích đất trống để trồng thêm sắn, mỗi ngày cho ốc ăn thêm lá sắn một lần là được.
Ốc nhồi là loài vật nuôi có sức đề kháng tốt, sống hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên nên không mấy khi bị bệnh, chỉ thỉnh thoảng mắc các bệnh về sưng vòi khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng sang mưa.
Đối với loại bệnh này thì cách xử lý tương đối đơn giản, chỉ cần vớt ốc bệnh ra rồi khử trùng và thay thế nguồn nước là được.
"Con ốc nhồi kỵ nhất là môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột. Vì vậy khi mưa lớn kéo dài phải tiến hành tạt nước vôi pha loãng xuống ao ngay, để trung hòa axit trong nước mưa.
Đồng thời ngâm thêm lá xoan xuống ao nuôi, vì lá xoan diệt khuẩn rất tốt, thông thường nửa tháng ngâm lá xoan 1 lần, mỗi lần chỉ cần vài nắm nhỏ, ngâm khoảng 3 ngày rồi với lên" - ông Huyền chia sẻ bí quyết.
Ưu điểm của ốc nhồi là không ăn nhiều, thích hợp với thời tiết mát mẻ do đó điều quan trọng là nguồn nước trong ao phải sạch và che lướilàm mát cho ốc.
Ngoài ra, ốc nhồi nhồi còn hay bị mòn vỏ, do đó để tránh hiện tượng này, cần giữ được độ kiềm cũng như độ pH ổn định trong nước để khi bán ốc nhồi không bị mất giá.
Theo ông Huyền, đối với ốc nhồi, mật độ thả trung bình từ 80 – 100 con/m2 là tốt nhất. Và mực nước ao nuôi ốc nhồi trung bình ở vào khoảng 70 – 80cm. Bên cạnh thả bèo cái, bèo tây, người nuôi có thể kết hợp trồng thêm hoa súng, rau rút hoặc thả rong dưới ao để tạo độ che phủ và lọc nước cho ốc nhồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.