Những ngày trung tuần tháng 8, PV Dân Việt được ông Phan Xuân Tuyên – Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa dẫn đến thăm trang trại lợn của ông Đinh Trọng Lưỡng (SN 1966, ở xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Clip: Ông Đinh Trọng Lưỡng (ở xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn
Trên đường đến trang trại lợn, ông Phan Xuân Tuyên – Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa, cho biết: "Mô hình nuôi lợn của ông Đinh Trọng Lưỡng rất hiệu quả, nhờ chú trọng phòng bệnh nên đàn lợn của ông không bị nhiễm bệnh dịch tả lợn và bán được giá, thu lãi cao. Đặc biệt, ông Lưỡng còn tặng bà con nghèo trong xã lợn giống để tạo sinh kế".
Vừa thấy chúng tôi đến trước ngõ, ông Lưỡng bước nhanh ra bắt tay và mời vào nhà uống nước, nhấp xong chén trà, ông Lưỡng nói: "Tôi nuôi lợn từ năm 2007, ban đầu chỉ nuôi 4 con lợn nái rồi lợn đẻ, nâng đàn lên".
Theo ông Đinh Trọng Lưỡng, một năm sau, khi đàn lợn của ông nâng lên hơn 20 con, ông vay mượn tiền từ Qũy hỗ trợ Hội Nông dân và Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng chuồng trại rộng 1.500 m2.
Năm 2012 đến nay, trong trang trại của ông Đinh Trọng Lưỡng luôn duy trì thường xuyên gần 800 con lợn/năm. Ngoài ra, để chủ động nguồn lợn giống, gia đình ông nuôi 50 con lợn nái và 2 con lợn đực giống.
Ông Lưỡng chia sẻ: "Những năm trở lại đây, mỗi năm, trang trại của tôi xuất chuồng khoảng 500 con lợn thịt, mang lại nguồn thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình tôi có tiền xây nhà và mua xe hơi để chạy".
Trò chuyện với PV, ông Đinh Trọng Lưỡng, cho biết: "Nuôi lợn thấp thỏm lắm, giá bán lúc lên lúc xuống cộng với dịch bệnh nên rủi ro cao. Để nuôi lợn đạt hiệu quả, quan trọng phải giữ được đàn và chú trọng công tác phòng dịch. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải có kiến thức và kinh nghiệm, bản thân tôi cũng dành nhiều thời gian để đi tập huấn kĩ thuật nuôi lợn và học qua sơ cấp thú ý".
Theo ông Đinh Trọng Lưỡng, dù dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn nhưng đàn lợn của ông đều khỏe mạnh, phát triển tốt, bán được giá, cho lãi cao.
Chia sẻ kinh nghiệm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Lưỡng nói: "Đầu tiên mình phải phòng bệnh, phải giữ chuồng trại sạch sẽ và không cho người lạ vào. Bên cạnh đó, liên hệ với ngành thú ý của địa phương để họ hỗ trợ hóa chất phun khử khuẩn, loại bỏ từ đầu các mầm mống gây bệnh".
Được biết, trang trại của ông Đinh Trọng Lưỡng đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 6 lao động thời vụ, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, ông Đinh Trọng Lưỡng còn giúp nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) các cặp lợn giống để tạo sinh kế, ông cũng luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn để bà con học và áp dụng vào chăn nuôi.
Thành công trong việc chăn nuôi lợn và giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn, ông Đinh Trọng Lưỡng được chính quyền các cấp biểu dương, tặng bằng khen, trong đó, ông Lưỡng vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ và bằng khen của Ban Dân vận Trung ương.
"Ông Đinh Trọng Lưỡng không chỉ nuôi lợn giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao, ông còn giúp đỡ tạo sinh kế cho bà con nghèo. Hiện chuồng trại của ông Lưỡng đang xuống cấp mạnh, mong các cấp, các ngành tạo điều kiện cho ông vay vốn để nâng cấp chuồng trại, xây dựng mô hình của ngày càng phát triển", ông Phan Xuân Tuyên – Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.