Dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách. Nhiều lao động nghèo, lao động khó khăn rất cần sự hỗ trợ để vượt qua được đại dịch. Trước tình hình này, Bộ LĐTBXH đề xuất hỗ trợ ngay "1 triệu túi an sinh" cho người dân.
Ngày 15/8, tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thông tin, sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 68, các địa phương triển khai rất tích cực.
Đã có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách; hàng triệu người lao động đã được hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt và đặc biệt vừa qua đã có hàng triệu lao động tự do được hưởng chính sách rất linh hoạt từ các địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã sáng tạo, mở rộng đối tượng thụ hưởng. Bộ trưởng đánh giá rất cao kết quả của TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai …
TP.HCM vừa qua đã triển khai xong gói 1, còn Hà Nội hôm qua đã bổ sung thêm chính sách mới một cách rất thiết thực, Bình Dương thì hỗ trợ thêm tiền nhà trọ cho người lao động. TP.HCM vừa qua hỗ trợ cho rất nhiều hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Ông Dung cho cho rằng các chính sách lần này đang đi rất đúng hướng.
Gói hỗ trợ lần 2 được đánh giá là rất thiết thực, cụ thể và rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng huy động được sự vào cuộc của cả xã hội từ miền Nam, miền Bắc, miền Trung, các nhà hảo tâm với tinh thần “ai có gì hỗ trợ đó” và chúng ta có rất nhiều sáng tạo như: cây gạo ATM và đặc biệt là “túi an sinh xã hội”.
Điều này giúp cho người dân không bị thiếu, không bị đói và yên tâm thực hiện Chỉ thị 16 “ai ở đâu, ở yên ở đó”.
Thực tế, qua ghi nhận của Bộ LĐTBXH thì thấy tại nhiều địa phương dù giãn cách nhưng làm rất tốt công tác hỗ trợ, có nhiều địa phương không giãn cách nhưng chưa quan tâm đến vấn đề này. Do đó, việc hỗ trợ người dân, người lao động còn chậm, nên vẫn còn tiếng kêu ca của người dân.
Ông Dung cũng cho biết, việc hỗ trợ lao động tự do được thực hiện tốt, còn lao động có giao kết hợp đồng đang ở trọ tại các khu vực còn chậm, nhất là công nhân, vì thế người lao động di chuyển về các địa phương. Đề nghị các địa phương quan tâm hơn.
“Tôi đồng tình với ý kiến Bộ trưởng Bộ Y tế, giãn cách xã hội là quan trọng, nhưng đảm bảo an sinh là trọng yếu, giảm tử vong do Covid là ưu tiên”, ông Dung nói.
Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục trình Thủ tướng cho phép tháo gỡ Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tối giản thủ tục hành chính, bỏ các quy định về thuế, đảm bảo để doanh nghiệp, người dân, tiếp cận vốn vay trả lương, cũng như phục hồi sản xuất sau dịch.
Tiếp tục triển khai giải pháp hỗ trợ, trọng tâm phát "túi an sinh", cấp gạo cứu đói
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai.
Một là các địa phương triển khai nhanh hơn, cụ thể hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn Nghị quyết 68, nhất là quan tâm đến lực lượng lao động bị mất việc, ngừng việc.
Hai là chăm lo tốt đối tượng của ngành LĐTBXH: Người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… một cách thực chất hơn và quản lý tốt cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội mà Bộ đã có hướng dẫn rồi, trong thời gian giãn cách không đưa học viên cai nghiện vào cơ sở nữa. Vì nhiều cơ sở bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy đang bị F0 rất nhiều, nếu đưa vào mà chưa thực hiện xét nghiệm, sẽ chính là nguồn lây vào trong các cơ sở này.
Ba là tôi đề nghị cho TP.HCM triển khai thực hiện “Túi an sinh”. Có túi an sinh này các gia đình có thể sử dụng trong 1 tuần, yên tâm trong nhà. Bộ trưởng cũng tôi đề nghị các cấp, ngành cùng hỗ trợ TP.HCM. Đây là sáng kiến rất quan trọng.
Bốn là, trong ngày hôm nay (16/8), Bộ LĐTBXH sẽ trình Thủ tướng xuất cấp hỗ trợ gạo cứu đói cho các địa phương gặp khó khăn do dịch Covid-19, các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"