Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Về cũng dở, ở cũng không xong
Từ hơn 1 tháng nay, bà Ngô Thị Lan, 55 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Bà ra Hà Nội làm nghề buôn bán rau cỏ được 3 năm nay. Công việc vất vả, nhưng cũng đủ ăn tiêu, tiết kiệm một khoản cho con đi học. Thế nhưng, từ ngày Hà Nội giãn cách bà không thể đi làm, tích lũy nên cuộc sống rất khó khăn.
Trước giãn cách, bà cứ chần chừ mãi không về quê vì còn muốn ở lại làm thêm kiếm ít tiền. Giờ thì có muốn về cũng không được vì Hà Nội giãn cách, mà có về được thì không có tiền đi cách ly. Bà Lan bị mắc kẹt lại Hà Nội trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2.
"Từ ngày nghỉ bán hàng, tôi và người bạn cùng phòng ăn qua quýt cho xong bữa. Hôm nào, ở đâu có đồ từ thiện thì đi xin về ăn chứ không dám mua bán gì nhiều", bà Lan tâm sự.
Nghe nói Hà Nội có chương trình hỗ trợ lao động tự do với mức tiền là 1,5 triệu đồng/người, bà Lan tới phường hỏi nhưng họ nói, để được hỗ trợ, bà cần phải có giấy tờ chứng minh chưa nhận hỗ trợ ở quê.
"Làm thế này thì khó cho chúng tôi quá, vì giờ Hà Nội giãn cách, ra ngoài đã khó nói gì là về quê xin hỗ trợ", bà Lan phàn nàn.
Cũng như bà Lan, lao động Nguyễn Văn Nam (Đô Lương, Nghệ An) cùng 10 thợ đang làm xây dựng ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) cũng trong tình cảnh khổ sở vì bị mắc kẹt ở Thủ đô, "về cũng dở, ở cũng không xong"..
Anh Nam cho hay: "Trước Hà Nội giãn cách 1 đợt, cứ nghĩ hết đợt đó thì được đi làm, ai ngờ lại giãn cách tiếp, chúng tôi giờ việc không có tiền cũng không. Anh em lại không thể ra ngoài mua thức ăn vì phường cũng không biết chúng tôi là ai".
Nghe tin Hà Nội có gói hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người cho lao động tự do, nhưng anh Nam cùng nhiều lao động là bạn anh cũng không thể tiếp cận vì không làm được giấy tờ xác nhận.
Không riêng gì lao động tự do, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp chưa có việc làm cũng đang gặp rất nhiều khó khăn mà chưa có hỗ trợ.
Báo cáo của Sở LĐTBXH cho biết, tính đến ngày 12.8, Hà Nội đã có quyết định duyệt chi trả hơn 152 tỷ đồng cho các đối tượng, trong đó đã thực hiện chi trả 143 tỷ đồng. Riêng đối với lao động tự do, hiện toàn thành phố đã hỗ trợ 5.100 lao động tự do với số tiền 7,75 tỷ đồng (theo Nghị quyết 68)
Trước thực trạng vẫn còn một bộ phận lớn lao động tự do là người ngoại tỉnh tại Hà Nội chưa được tiếp cận nguồn hỗ trợ, mới đây Hà Nội đã có công văn gửi các quận huyện đề nghị rà soát các trường hợp cần được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Quang Hồng - Trưởng phòng LĐTBXH quận Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi đã phải “vượt rào” để đảm bảo tiến độ giải quyết thông thoáng nhất cho người dân. Trong đó, ưu tiên đối tượng có hộ khẩu, giấy tạm trú. Đối với lao động ngoại tỉnh không có tạm trú, chúng tôi nhận giấy xác nhận qua tin nhắn zalo có chữ ký của người dân kèm theo giấy viết tay cam kết không nhận và chưa nhận ở địa phương. Thủ tục giải quyết cũng được rút ngắn từ 6 ngày xuống còn 3 ngày”, ông Hồng nói.
Mới đây, trong buổi tọa đàm đánh giá triển khai gói hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn do đại dịch, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) cho biết, cũng như lần 1, chính sách hỗ trợ lao động tự do trong đợt 2 ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội vẫn chưa thông thoáng.
Việc quy định lao động làm việc ở một nơi phải về nơi thường trú xác nhận trong bối cảnh dịch bệnh, Hà Nội giãn cách là không khả thi.
Bà Giang chia sẻ câu chuyện thực tế, bà và nhóm quản lý M.net (lao động di cư) đi khảo sát ở nhiều nơi tại Hà Nội thì thấy lao động di cư ngoại tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Họ không còn tiền, phải sống nhờ vào cứu trợ. Bản thân họ cũng không có điện thoại thông minh, không tiếp cận được thông tin vì toàn xã hội giãn cách. Lúc cần hỗ trợ nhất thì lại không tiếp cận được.
Trước thực tế này, bà Giang kiến nghị, chính quyền có thể cho lao động viết cam kết, có xác nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều đã khai báo và chỉ nhận hỗ trợ tại nơi tạm trú.
"Thay vì yêu cầu người lao động (NLĐ) xác minh, chúng ta có thể xác minh nhân thân cho họ bằng cách lập danh sách, gửi thông báo về địa phương NLĐ đã nhận tại Hà Nội", bà Giang nói.
Ông Lê Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, cho biết những ngày qua, rất nhiều đối tượng lao động tự do hỏi về vướng mắc, khó khăn. “Một trong những lý do chậm chi trả hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là Hà Nội đang giãn cách, vì vậy không hoàn tất được hồ sơ. Chúng tôi đang chỉ đạo các quận, huyện linh hoạt trong phương thức thực hiện, để tiền hỗ trợ đến tay NLĐ sớm nhất”, ông Dân thông tin.
Liên quan tới việc cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú, ông Dân cho rằng, việc giấy xác nhận để tránh lợi dụng và trục lợi chính sách. Sở sẽ tiếp thu ý kiến về quy trình thủ tục và đề xuất kịp thời với UBND để rút gọn thủ tục, tháo gỡ kịp thời vướng mắc.
Theo hướng dẫn hiện nay của Hà Nội, lao động tự do muốn được nhận hỗ trợ, phải làm đơn theo mẫu, bản photo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, kèm hộ khẩu thường trú. Nếu là lao động tạm trú phải có thêm xác nhận tình trạng cư trú và xác nhận tại nơi đăng ký thường trú. Giấy tờ nộp lên phường, chờ các cấp xét duyệt trong 8 ngày.
Thống kê từ Sở LĐTBXH Hà Nội, đến thời điểm này, ngoài các chính sách hỗ trợ chung theo Nghị quyết 68 và Quyết định 32, thành phố còn hỗ trợ cho 3.180 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có người tham gia thị trường lao động với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Các quận, huyện, thị xã cũng hỗ trợ 22.000 người có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng Nghị quyết 68 với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng. Đại đa số trường hợp đủ điều kiện đã được thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ. Tổng số kinh phí đã chi hỗ trợ chung là hơn 89 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.