Khi phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về vùng ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), nơi đây đang được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn gồm cây bần chua, sú, vẹt...
Cánh rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn đã tồn tại hàng chục năm tuổi, nhiều cây rừng cao 3-5m. Rừng vẫn được bảo tồn và phát triển ngày một xanh hơn, giàu có hơn.
Clip: Rừng ngập mặn bảo vệ dân làng ở các xã ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thực hiện: Vũ Thượng
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn cũng là nơi trú ngụ của những đàn cò lớn, dưới tán là hệ sinh thái đang hồi sinh với với vô số tôm, cua, ốc, cáy...
Rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn còn đóng vai trò như "bức tường xanh" để giảm ảnh hưởng của ngập lụt, sóng, gió mạnh. Nhờ vậy mà rừng bảo vệ dân làng khỏi thiên tai bão lũ, sóng triều.
Với tổng diện tích 614,35 ha rừng ngập mặn gồm cây bần chua, sú, vẹt tại vùng ven biển huyện Kim Sơn đã tạo ra "bức tường xanh" bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển.
Rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn còn góp phần quan trọng bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy, hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
Bà Nguyễn Thị Hoa (xóm 4, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn) chia sẻ: "Trước kia bà con sống ở gần khu vực ven biển huyện Kim Sơn luôn lo lắng mỗi khi bước vào mùa mưa lũ. Khi đó, nước thủy triều dâng cao đã nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu, ao nuôi các loại thủy sản, hải sản, có nhà phải đi sơ tán…Kể từ năm 2004, nhà nước quan tâm, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã hỗ trợ địa phương trồng cây sú, vẹt để ngăn sóng, gió biển, nên giờ dân làng chúng tôi yên tâm hơn nhiều".
Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn, đời sống của hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể bắt cua, ốc...ở rừng ngập mặn để mưu sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (xóm 6, xã Kim Trung) chia sẻ: "Từ việc tận dụng mùa hoa cây sú, vẹt nở hằng năm, gia đình tôi đã đầu tư hơn 100 đàn ong để khai thác phấn hoa. Và sau khi hết mùa hoa sú vẹt, tôi lại di chuyển đàn ong đi nơi khác theo mùa hoa nở trong năm".
"Bình quân cứ 7 ngày, tôi bắt đầu quay mật ong 1 lần, mỗi lần quay hơn 100 đàn ong, cứ tạm tính 0,2-0,3 kg/cầu…thì mỗi lần quay mật mong, tôi thu về gần 300 kg. Giá mật ong sú vẹt tôi đang bán giao động từ 60.000-70.000 đồng/kg. Trừ mọi khoản chi phí, tôi cũng thu được vài chục triệu đồng mỗi tháng", ông Nguyễn Ngọc Ánh tâm sự.
Bà Phạm Thị Hoa (xóm 4, xã Kim Đông) cho biết: "Tôi thường vào rừng ngập mặn để "săn" con rạm đồng. Cứ đi khoảng 3-5 tiếng là có 4-5 kg rạm, có ngày thu nhập cũng được nửa triệu đồng, tuy công việc cực nhọc nhưng bù lại chúng tôi có thu nhập".
Việc khai thác phấn hoa cây sú, vẹt cũng như đánh bắt các loài thủy hải sản như: Con tôm, cá, cua, cáy…từ rừng ngập này đã tạo sinh kế cho nhiều người dân nơi đây với mức thu nhập bình quân từ 100.000-200.000 đồng/ngày.
Để bảo vệ rừng ngập mặn ngày càng tươi tốt tại các xã ven biển huyện Kim Sơn, các đoàn thể và lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ động vận động các hộ dân nạo vét làm sạch môi trường, đẽo bỏ những con hà bám vào thân cây.
Đồng thời, chính quyền địa phương đã đến tận nhà tuyên truyền tới người dân hiểu về vai trò của rừng đem lại, cũng như việc khai thác đúng cách nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng được lâu bền lâu.
Thực tế nhiều năm qua, người dân sinh sống quanh khu vực cảm nhận rừng ngập mặn giúp điều hoà khí hậu, bảo vệ cảnh quan ven bờ, chống xói mòn, hạn chế gió bão, bảo vệ đê ven biển...Đặc biệt, rừng ngập mặn góp phần làm sạch môi trường, giữ gìn sự cân bằng hệ sinh thái cho những vùng đất bị ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển", ông Trần Anh Khiêm-Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) cho biết.