Đền thờ Lý Thường Kiệt-di tích cổ xưa nhất còn sót lại ở Việt Nam liên quan đến tác giả bài thơ "Thần"

Vũ Thượng Thứ bảy, ngày 26/06/2021 05:25 AM (GMT+7)
Đền thờ Lý Thường Kiệt tọa lạc tại thôn 3, xã Hà Ngọc (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Đây là một ngôi đền cổ vô cùng giá trị về mặt lịch sử văn hóa còn sót lại ở Việt Nam liên quan đến Thái úy Lý Thường Kiệt-tác giả bài thơ "Thần" nổi tiếng được coi như Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam.
Bình luận 0

Đền thờ Lý Thường Kiệt ở tỉnh Thanh Hóa trải qua hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ với nhiều chứng tích lịch sử, văn hóa lớn.

Lý Thường Kiệt vị tướng tài, vị quan anh minh

Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt (1019-1105), là người phường Thái Hoà, thành Thăng Long, làm tướng, làm quan đời Lý Thánh Tông, ông từng đi kinh lý các xứ Thanh Hoá, Nghệ An.

Clip: Đền thờ Lý Thường Kiệt nổi tiếng ở xứ Thanh tọa lạc tại xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh 

Lý Thường Kiệt là một vị tướng tài, nhiều mưu lược, phục vụ 3 đời vua nhà Lý. Ông có công lớn trong việc phá Tống, bình Chiên, mở mang bờ cõi và xây dựng nước Đại Việt hùng cường vào thế kỷ XI.

Trong thời gian làm Tổng chấn Thanh Hóa, Thái úy Lý Thường Kiệt nổi tiếng là một vị quan anh minh. Vì là em kết nghĩa của vua nên ông có quyền quyết định mọi việc ở trấn Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 2.

Đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là một di tích có từ thời Lý năm 1138. Đền thờ này là di tích cổ xưa nhất trên đất Việt Nam liên quan trực tiếp đến vị anh hùng lẫy lừng của dân tộc-Anh hùng Lý Thường Kiệt. Ảnh: Vũ Thượng

Nhờ vào lòng đức độ, sự khoan dung, sáng suốt của Lý Thường Kiệt, mà người dân trong trấn Thanh Hóa đã được hưởng nhiều lợi ích trên nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Sau khi ông qua đời, để tỏ lòng biết ơn, người dân trấn Thanh Hóa chọn đất, góp công sức và của cải xây dựng một ngôi chùa mang tên là Báo Ân tự để tưởng nhớ công lao to lớn của ông.

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 3.

Qua văn bia đá, đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) là di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam liên quan trực tiếp đến Thái úy Lý Thường Kiệt-tác giả bài thơ "Thần" nổi tiếng như một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam. Ảnh: Vũ Thượng

Từ tấm bia đá ở đền thờ Lý Thường Kiệt hiện còn, do học giả Nhữ Bá Sỹ người (xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa) soạn vào năm Tự Đức thứ 13. 

Được biết với tên gọi là Miếu Ngưỡng Sơn- nơi thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở xã Ngọ Xá, tổng Ngọ Xá, huyện Vĩnh Lộc, Phủ Quảng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, do ba làng Bùi, Đồ, Yên Phú phụng thờ.

Qua đó, đền thờ Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, hiện nay vẫn là di tích gốc duy nhất còn lại tại Việt Nam liên quan trực tiếp đến Ngài. Theo sự khảo cứu, ghi chép của các bộ sử cũ thì đến thờ Lý Thường Kiệt ở đây mới được gọi là đền quốc tế (nơi diễn ra tế lễ cấp quốc gia về vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt).

Ngôi đền cổ nổi tiếng ở xứ Thanh

Đền thờ Lý Thường Kiệt được xây dựng ở núi Ngưỡng Sơn năm 1138. Đây chính là một khu vực danh lam kỳ tú sát bờ sông Lèn một nhánh của sông Mã. 

Là ngôi đền cổ nổi tiếng ở xứ Thanh, bởi di tích lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật vô cùng giá trị còn sót lại ở Việt Nam.

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 4.

Đền thờ Lý Thường Kiệt, ngôi đền cổ linh thiêng ở xứ Thanh. Ảnh: Vũ Thượng

Theo các tài liệu ghi lại, xưa kia nơi đây chỉ là một miếu thờ nhỏ được dựng lên để thờ, tưởng nhớ công lao mà Thái úy Lý Thường Kiệt làm cho nhân dân xứ Thanh. Bên cạnh đó, do trải qua khoảng 863 năm, mưa nắng lâu ngày, đền thờ bị hư hại, xuống cấp…

Cụ thể gần đấy nhất, khoảng 300 năm trước, người dân sống xung quanh miếu thờ Lý Thường Kiệt đã cùng nhau góp công, của để xây dựng một ngôi đền mới rộng rãi, khang trang hơn. 

Ngôi đền thờ Lý Thường Kiệt tọa lạc trên một diện tích đất rộng lớn, xưa kia nằm giáp bên ngôi chùa lớn nhất trong vùng có tên là Linh Xứng tự. Đồng thời, cổng của ngôi đền hướng ra dòng sông Lèn hiền hòa đang đổ về biển lớn.

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 5.

Cây hoa đại trồng trước đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) tuổi thọ gần 1.000 năm tuổi. Cây hoa đại này được cho là một trong số ít cây hoa đại sống thọ nhất trên đất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay Ảnh: Vũ Thượng

Đền thờ Lý Thường Kiệt qua nhiều năm tu sửa, nhưng với kiến trúc cổ vẫn còn lại như: 5 gian tiền đường, một hậu cung, nghinh môn, 4 bia đá, tường rào, cây cổ thụ với tuổi thọ hàng trăm năm…đã tạo ra cho khu di tích cổ kính và hấp dẫn ở chân núi Ngưỡng Sơn nổi tiếng xứ Thanh.

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 6.

Gốc cây hoa đại cổ nay đã xù xì, mọc rêu. Ảnh: Vũ Thượng

Bên cạnh đó, nhà tiền đường gồm 5 gian 2 chái, 12 cột lớn và 12 cột quân bằng lim. Có 3 cửa chính  ra vào và 2 cửa phụ. Tất cả đều là cửa bức bàn cũ còn lại.

Về hệ thống thờ, hậu cung (chính tẩm) thờ Lý Thường Kiệt là nơi đặt ngai và bài vị Lý thái úy. Gian giữa tiền đường là thờ hội đồng thổ công, thổ địa. Hai bên thờ hội đồng các quan.

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 7.

Linh vật như rồng, lân, rùa...cũng được trang trí hết sức công phu, tinh tế tại đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Vũ Thượng

Cùng với đó, tại đền thờ, mái đền được lợp ngói âm dương, cột kèo…Trong đền được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn về các linh vật như: Long, Ly, Quy, Phụng; thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá...

Nhìn vào các bức chạm mang phong cách điêu khắc thời Lê rõ nét. Bức hổ phù ở gian giữa tiền đường cũng như hổ phù ở gian trái là những tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt tác và hoàn hảo. Chính những bức hổ phù đó đã tạo ra sự uy thế và linh thiêng cho ngôi đền nổi tiếng xứ Thanh này.

Kỳ bí ngôi đền "né" bom, đạn

Cũng tại đền thờ Lý Thường Kiệt được người dân tương truyền về sự linh thiêng, kỳ bí "né" được bom, đạn trong chiến tranh và những lời nguyền được truyền lại nhiều đời nay. 

Vì thế, ngôi đền vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sơ. Ngoài kiến trúc tổng quan của ngôi đền, nhiều đồ vật cổ trong đền vẫn còn giữ được đầy đủ, chưa từng bị mất cắp.

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 8.

Đền thờ Lý Thường Kiệt-Ngôi đền cổ kỳ bí hàng trăm năm tuổi ở xứ Thanh. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Lê Hồng Phú, công chức Văn hóa-xã hội UBND xã Hà Ngọc kể: "Trong thời kỳ kháng chiến, máy bay Mỹ ném bom, bắn phá cầu Lèn và các ngôi làng lân cận nhiều lần. Tuy nhiên, ngôi đền thờ Lý Thường Kiệt hầu như "né" được bom, đạn bắn phá".

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 9.

Bức tường cổ (đã qua trùng tu, gia cố) bao quanh khuôn viên đền thờ Lý Thường Kiệt tại tỉnh Thanh Hóa . Ảnh: Vũ Thượng

"Trong khi đó, nhiều nhà dân sống gần khu vực đền thờ liên tục bị hứng chịu  những trận bom, đạn của Mỹ bắn phá. Điều kỳ bí hơn, đã có nhiều quả bom rơi sát bên ngôi đền nhưng không hề nổ, sau đó được quân, dân xử lý đưa đi nơi khác", ông Lê Hồng Phú kể thêm.

Thanh Hóa: Đền thờ Lý Thường Kiệt di tích gốc duy nhất còn lại ở Việt Nam - Ảnh 10.

Đền thờ Lý Thường Kiệt được xếp hạng di tích quốc gia năm 2004. Ảnh: Vũ Thượng

Ngôi đền thờ Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc (huyện Hà Trung) được cho linh thiêng, kỳ bí và có những nét cổ kính, đồ vật cổ trong đền dù đã hơn 300 năm nay vẫn còn nguyên. Hiện trong đền vẫn còn giữ được những đồ thờ của Thái úy Lý Thường Kiệt có hàng trăm năm nay như: mũ, đôi hài, kiếm lệnh…

Được biết, hàng năm, tại ngôi đền cổ thờ Thái úy Lý Thường Kiệt này có 2 ngày lễ lớn là ngày giỗ của ông (21/6 âm lịch) và ngày lễ Khai đầu năm vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch.

Ngày 15/12/2004, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lý thường Kiệt (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) được xếp hạng di tích quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem