Dân Việt

Trọng tài sai sót liên miên, bao giờ V.League có VAR?

Tuệ Minh 20/08/2021 20:10 GMT+7
Công nghệ trọng tài video (VAR) đã quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là bao giờ VAR sẽ xuất hiện tại V.League?

Trong thời đại 4.0, việc áp dụng công nghệ vào các cuộc thi đấu thể thao là cần thiết để tạo nên sự chính xác ở mức cao nhất. Bóng đá cũng không phải ngoại lệ và cụ thể hơn, công nghệ VAR đã trở nên phổ biến khi đồng hành với nhiều giải bóng đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia cũng như câu lạc bộ.

Khái niệm VAR hiện đã trở nên quen thuộc nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ VAR được vận hành như thế nào. Ngoài ra, hầu hết các cầu thủ Việt Nam chưa được trải nghiệm VAR trong các trận đấu chính thức khi V.League chưa có điều kiện áp dụng công nghệ này nên không có gì bất ngờ khi khẳng định VAR là "cũ người, mới ta" với bóng đá Việt Nam.

Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, VAR sẽ được sử dụng trong các trận đấu. ĐT Việt Nam có mặt ở vòng đấu này và VAR sẽ hỗ trợ đắc lực để giải quyết các tình huống nhạy cảm.

Nhân dịp này, Dân Việt giới thiệu cùng bạn đọc quá trình áp dụng VAR tại sân vận động Mỹ Đình, việc vận hành VAR tại các trận đấu bóng đá nói chung diễn ra như thế nào. Ngoài ra, những vấn đề như bóng đá Việt Nam vì sao chưa có trọng tài VAR, cầu thủ Việt Nam đánh giá thế nào về sự cần thiết của VAR và bao giờ VAR được áp dụng rộng rãi tại các trận đấu đỉnh cao tại Việt Nam cũng sẽ được Dân Việt phân tích, làm rõ qua 5 bài viết để phục vụ nhu cầu của bạn đọc.

VAR thuyết phục cầu thủ! 

Kể từ khi công nghệ VAR (Video Assistant Referee - hỗ trợ trọng tài bằng video) được Hiệp hội Bóng đá quốc tế (IFAB) thông qua vào năm 2016 và được thử nghiệm lần đầu vào tháng 8/2016 trong một trận đấu bóng đá ở giải nhà nghề Mỹ, 5 năm trôi qua, VAR đã quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

VAR đã xuất hiện ở các giải đấu hàng đầu châu Âu cấp CLB mà đỉnh cao là UEFA Champions League. Trên đấu trường thế giới, VAR xuất hiện lần đầu tiên tại World Cup 2018 (Nga). Mới đây nhất, EURO 2020 là kỳ EURO đầu tiên có VAR. 

Trọng tài sai sót liên miên, bao giờ V.League có VAR? - Ảnh 1.

Ritsu Doan ghi bàn thắng duy nhất từ chấm 11m giúp Nhật Bản vượt qua Việt Nam ở tứ kết ASIAN Cup 2019. Ảnh: JFA

Trong khuôn khổ giải vô địch châu Á, trận tứ kết ASIAN Cup 2019 giữa Việt Nam và Nhật Bản là trận đấu đầu tiên có VAR. Trận đó, thầy trò HLV Park Hang-seo đã thua Nhật Bản 0-1 trong tình huống có sự can thiệp của VAR.

Đó là pha bóng trung vệ Bùi Tiến Dũng va chạm với Ritsu Doan (Nhật Bản) đầu hiệp 2. Ban đầu, trọng tài đã bỏ qua nhưng sau khi tham khảo VAR, trọng tài đã thổi phạt đền Việt Nam và chính Ritsu Doan là người ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, loại thầy trò HLV Park Hang-seo.

Trước đó, trong hiệp 1, VAR cũng giúp ĐT Việt Nam thoát thua khi hỗ trợ trọng tài không công nhận bàn thắng của Maya Yoshida vì để bóng chạm tay trước lúc ghi bàn.

Thời gian qua đi, ngày 11/11 tới, ĐT Việt Nam sẽ tái ngộ Nhật Bản ở trận lượt đi bảng B vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Đây là trận đấu sẽ có VAR. Trước đó, sân Mỹ Đình sẽ lần đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của VAR vào ngày 7/9 khi ĐT Việt Nam tiếp ĐT Australia.

Dưới góc nhìn của mình, cựu tuyển thủ Việt Nam và là danh thủ Thể Công một thời Phạm Như Thuần chia sẻ cùng Dân Việt: "Từ khi có VAR, các trọng tài đã được hỗ trợ rất tốt trong các tình huống việt vị - không việt vị, thẻ đỏ - không thẻ đỏ hay phạt đền - không phạt đền... VAR giúp hạn chế những sai lầm của trọng tài và các cầu thủ cũng thuyết phục hơn với những pha phạm lỗi của mình".

Nói về tình huống cụ thể gây tranh cãi tại trận bán kết EURO 2020 khi trọng tài cho ĐT Anh hưởng quả phạt đền trong hiệp phụ qua đó "lội ngược dòng" thắng Đan Mạch 2-1, giành quyền vào chung kết, danh thủ Phạm Như Thuần phân tích: "Mọi người nói nhiều về quả phạt đền ấy vì người hưởng lợi là Anh, đội chủ sân Wembley mà thôi.

Tình huống đó, Sterling đi bóng với tốc độ rất nhanh, các cầu thủ xung quanh đông như vậy và tôi nghĩ Sterling sẽ chẳng làm được gì đâu. Điều quan trọng là thời điểm đó không được chạm vào người đối phương, đó là kỹ năng của cầu thủ phòng ngự. Ở đây, cầu thủ phòng ngự Đan Mạch đã có tác động vào bắp chân Sterling và trọng tài có lý khi thổi phạt đền.

Có chăng ở đây là vấn đề xử lý "mềm". Nếu trọng tài tham khảo VAR sau đó chạy ra ngoài biên xem lại tình huống trước khi ra quyết định cuối cùng thì sẽ thuyết phục hơn nữa đối với Đan Mạch và các CĐV".

Trọng tài sai sót liên miên, bao giờ V.League có VAR? - Ảnh 3.

Pha ngã gây tranh cãi của Raheem Sterling dẫn tới quả phạt đền trong hiệp phụ giúp ĐT Anh vượt qua Đan Mạch ở bán kết EURO 2020. Ảnh: AP

Còn huyền thoại bóng đá Maradona - người nổi tiếng toàn cầu với "bàn tay của chúa" giúp Argentina vô địch World Cup 1986 từng phát biểu thời điểm trước thềm World Cup 2018:

“Tôi rất ủng hộ sử dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào bóng đá vì đó là xu thế chung của thời đại. Tôi rất tôn trọng những nỗ lực hoàn thiện mình của các trọng tài, song nếu có VAR thì sẽ không có bất cứ tranh cãi hay sự tiếc nuối nào cho cả 2 đội. Ở World Cup sắp tới, tôi hy vọng sẽ là một ngày hội với những sự chính xác đến từng milimet nhưng không kém phần sôi động và cảm xúc.

Thế nhưng, tôi cũng xin khẳng định là dẫu có VAR thì bàn thắng tương tự như pha làm bàn của tôi vào lưới tuyển Anh ở World Cup 1986 cũng không thể bị từ chối. Vì đó là bóng đá, là những khoảnh khắc thuộc về con người mà những cỗ máy sẽ không thể bắt kịp. Đó là một ân sủng của Chúa và không có bất kỳ điều gì có thể thay đổi nó được”.

Tranh cãi VAR 

Thực tế, không chỉ tình huống cụ thể là minh chứng gần nhất cho sự can thiệp của VAR tại EURO 2020 kể trên, trong khoảng 3-4 năm qua khi VAR đóng vai trò quan trọng ở các giải đấu lớn, đã xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều.

Thậm chí, khi trong nội bộ UEFA cũng có những ý kiến trái chiều. Trưởng ban trọng tài UEFA, Roberto Rosetti ca ngợi VAR khi khẳng định: "Sau 36 trận vòng bảng EURO 2020, các trọng tài đã đưa ra các quyết định chính xác với tỉ lệ lên đến 91,6%. Còn cầu thủ thi đấu điềm tĩnh, ít phạm lỗi hơn... Quả phạt đền là thứ quan trọng trong bóng đá, tạo nên một thời điểm bước ngoặt trong bóng đá. Chúng tôi không thích những quả phạt đền mù mờ, muốn những quả phạt rõ ràng, muốn thấy một hành động rõ ràng của hậu vệ, một pha phạm lỗi rõ ràng từ hậu vệ".

Còn Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin lại tuyên bố: "Tôi không phải là fan của VAR. Tôi đã rất hoài nghi về chúng, và tôi có thể nói rằng tôi không thích kết quả mà VAR đưa ra. Công nghệ VAR được đưa vào áp dụng đã phần nào làm giảm đi các quyết định sai lầm của trọng tài. Song mặt khác, cũng gây ra nhiều tranh cãi về cách vận hành, khiến cảm xúc trong bóng đá bị ảnh hưởng đáng kể".

Chung quan điểm với Chủ tịch UEFA Ceferin, huyền thoại bóng đá người Pháp Zinedine Zidane nói: "Thật chán ngắt. Bóng đá mất đi những cảm xúc. Nếu đưa ra quyết định ngay lập tức, tốt thôi. Nhưng phải 3, 4 phút sau trọng tài mới đưa ra quyết định thì đó là chuyện kỳ lạ".

Còn HLV Pep Guardiola - người đã có những năm tháng hoàng kim trong màu áo cầu thủ, HLV Barcelona và hiện đang nỗ lực tìm kiếm danh hiệu vô địch Champions League lịch sử cùng Man City thì nói: "Với các trọng tài được hỗ trợ bởi VAR thậm chí còn gây nhiều tranh cãi hơn. Tôi đã nói nhiều lần về VAR rồi. Đó là một mớ hỗn độn vào mỗi cuối tuần".

FIFA yều cầu VPF không trả lời truyền thông: Bao giờ V.League có VAR?

Rõ ràng sự xuất hiện của VAR đến lúc này vẫn chưa mang lại sự "chính xác tuyệt đối" như mong đợi, hay cụ thể nhất là như những tình huống goal-line, giúp phân định chắc chắn trái bóng đá qua vạch vôi hay chưa như trong môn quần vợt, cầu lông.

Nhưng với bóng đá Việt Nam, sự hỗ trợ của VAR lúc này là cần thiết, đặc biệt khi sai lầm của các trọng tài cứ lặp đi lặp lại hết mùa này qua mùa khác.

Trở lại với trận đấu ở vòng 5 V.League 2021 hôm 23/3/2021 trên sân Thống Nhất giữa TP.HCM và đội khách Hà Nội FC. 

Trọng tài sai sót liên miên, bao giờ V.League có VAR? - Ảnh 5.

Trọng tài Vũ Nguyên Vũ cầm trên tay tấm thẻ vàng phạt Ngô Hoàng Thịnh sau pha vào bóng thô bạo với Đỗ Hùng Dũng. Ảnh: Khả Hòa (Báo Thanh Niên)

Sau pha vào bóng thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh (TP.HCM) khiến Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC) gãy chân, trọng tài Vũ Nguyên Vũ ban đầu chỉ rút thẻ vàng. Phải đến khi xác định Hùng Dũng chấn thương nặng, lên xe cứu thương ông mới rút thẻ đỏ trực tiếp đối với Hoàng Thịnh.

Đến vòng 6, trọng tài Vũ Phúc Hoan cũng chỉ dám rút thẻ vàng đối với Hoàng Vũ Samson (Thanh Hóa) sau pha đạp cực mạnh vào người thủ môn Tuấn Mạnh của đội khách SHB.Đà Nẵng.

Cũng ở vòng 6, trọng tài Nguyễn Ngọc Châu "bỏ quên" thẻ đỏ đối với Phan Thế Hưng (Nam Định) với pha vào bóng thô bạo với Công Thành (Sài Gòn FC). 

Vòng 7 V.League 2021, trọng tài Lê Đức Cảnh chỉ rút thẻ vàng đối với trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh (CLB Hà Nội) khi cố tình đá vào người Kebe (SHB.Đà Nẵng) khi cầu thủ này đã ngã trên sân. Sau đó, ông Cảnh tiếp tục chỉ rút thẻ vàng với Văn Quyết (CLB Hà Nội) khi anh đá vào trung vệ Janclesio (SHB Đà Nẵng).

Vòng 9, trọng tài Nguyễn Viết Duẩn chỉ rút thẻ vàng đối với thủ môn Thanh Thắng (TP.HCM) sau màn húc đầu vào trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành khiến ông Thành bị lung lay răng.

Trên đây là thống kê khái quát những sai lầm của trọng tài V.League 2021 khi mùa giải đã bị hoãn sang tới ngày 12/2/2022 mới trở lại với các trận đấu vòng 13 giai đoạn 1.

Để hạn chế những sai sót của các trọng tài, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã tính tới chuyện đưa VAR vào từ lượt về V.League 2019 nhưng đã không thể hiện thực hóa ý tưởng này.

Trọng tài sai sót liên miên, bao giờ V.League có VAR? - Ảnh 6.

Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF khẳng định FIFA yêu cầu VPF không trả lời truyền thông về thời điểm VAR được áp dụng ở V.League khi chưa hội đủ các điều kiện thực hiện. Ảnh: Hiền Anh

Trả lời PV Dân Việt, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF đã nói: "Đoàn công tác của FIFA đã sang làm việc với chúng tôi và khuyến nghị khi triển khai VAR cần nghiêm túc tuân thủ mọi trình tự do FIFA quy định.

Lúc này, điều kiện của bóng đá Việt Nam vẫn chưa đủ để thực hiện. FIFA yêu cầu chúng tôi không được trả lời truyền thông về thời điểm VAR được áp dụng ở V.League khi chưa hội đủ các điều kiện thực hiện".

Ông Trần Anh Tú cũng nhấn mạnh: "Tại Hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia tháng 11/2019, lãnh đạo Tổng cục TDTT, VFF cũng đã dự, chỉ đạo và nói thẳng việc áp dụng VAR cũng chỉ là hỗ trợ trọng tài thôi. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng của trọng tài".

Một ví dụ để nói lên cái khó trước hết về kinh phí đối với V.League nếu muốn áp dụng VAR là trường hợp của Thái League. Năm 2018, Thái Lan chủ động dùng VAR thử nghiệm từ 2 đến 4 trận/vòng đấu. Để tiết kiệm chi phí, giải đấu này đã sử dụng VAR theo kiểu lưu động (xe chuyên dụng di chuyển). Và mỗi trận đấu cũng tiêu tốn khoảng 4 tỷ đồng, bằng 1/4 so với World Cup 2018. 

Đây là con số có thể nói là "không tưởng" với các đội bóng V.League trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn hiện nay, thiếu thốn đủ về về cơ sở vật chất, vị trí lắp đặt camera, các phòng chức năng, đào tạo nhân lực đủ trình độ vận hành VAR... 

Chia sẻ với Dân Việt chiều 19/8, một lãnh đạo VPF bày tỏ: "Sắp tới, khi đoàn VAR của AFC sang Việt Nam làm việc, hoàn tất hệ thống VAR phục vụ cho các trận đấu của ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, chúng tôi sẽ có điều kiện trao đổi, tìm hiểu thêm, nắm rõ cách thực hiện, xem phải hội đủ những điều kiện gì để có thể áp dụng VAR.

Nói gì thì nói, trăm nghe không bằng một thấy. Mấu chốt vấn đề là muốn áp dụng VAR thì phải được FIFA thẩm định. Khi đủ mọi tiêu chuẩn của họ, họ mới cấp phép và khi đó chúng ta mới có cơ sở triển khai".

VAR được ra đời từ dự án Refereeing 2.0 vào năm 2010, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội bóng đá Hoàng gia Hà Lan (KNVB).[Hệ thống đã được thử nghiệm thông qua các buổi áp dụng thử ở mùa giải 2012-2013 của giải bóng đá VĐQG Hà Lan. Năm 2014, KNVB đã gửi kiến nghị tới Hội đồng Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB) nhằm sửa đổi luật bóng đá để cho phép hệ thống này được sử dụng trong nhiều buổi thử nghiệm hơn. IFAB đã chấp thuận các buổi thử nghiệm và kế hoạch đi tới việc áp dụng hoàn toàn trong buổi Đại hội thường niên năm 2016.