Dân Việt

"Ca nhiễm Covid-19 chưa giảm nhiệt, Hà Nội có thể phải giãn cách xã hội thêm ít nhất 1 tuần"

Gia Khiêm 20/08/2021 09:43 GMT+7
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã nhận định như vậy khi chia sẻ với PV Dân Việt về tình hình dịch bệnh tại thủ đô.

"Hà Nội có thể phải giãn cách xã hội thêm ít nhất 1 tuần"

Nhiều ngày qua, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội lần 2 theo Chỉ thị 17 của Thành phố. Tuy nhiên, mỗi ngày thành phố ghi nhận trung bình từ 60-80 ca mắc mới, có ngày cao điểm trên 100 ca dương tính. Trong đó, có nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh trong cộng đồng và chưa xác định được nguồn lây.

"Ca nhiễm Covid-19 chưa giảm nhiệt, Hà Nội có thể phải giãn cách xã hội thêm ít nhất 1 tuần" - Ảnh 1.

Những ngày qua, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Thành phố. Ảnh chụp ngày 24/7 khi ngày đầu toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị. Ảnh: Gia Khiêm

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2.423 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.244 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.179 ca.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá, số lượng ca nhiễm tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

"Ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội chưa giảm nhiệt, ca bệnh giảm chỗ này nhưng lại lộ ở nơi khác, giảm không bền vững. Theo tôi đánh giá, Hà Nội có thể phải giãn cách thêm ít nhất 1 tuần. Vấn đề này sẽ được lãnh đạo thành phố họp thống nhất, đưa ra quyết định. Phải cách ly xã hội thêm chứ không thể trước ngày 2/9 được bởi vẫn còn ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng", ông Tuấn nêu rõ.

"Ca nhiễm Covid-19 chưa giảm nhiệt, Hà Nội có thể phải giãn cách xã hội thêm ít nhất 1 tuần" - Ảnh 2.

Sự vắng vẻ khác lạ tại chợ Đồng Xuân những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Gia Khiêm

CDC Hà Nội công bố kế hoạch đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 13 nhóm đối tượng nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu trong vòng 3 ngày từ 18/8.

13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu gồm: người giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Đơn cử như trong vài ngày qua, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận nhiều nhân viên công ty giao hàng, nhân viên siêu thị, công nhân xây dựng.... dương tính SARS-CoV-2.

"Ca nhiễm Covid-19 chưa giảm nhiệt, Hà Nội có thể phải giãn cách xã hội thêm ít nhất 1 tuần" - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu chung cư HH Linh Đàm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) cho biết, hiện không thể chủ quan với dịch bệnh vì biến thể Delta lây lan nhanh. Dịch vẫn phức tạp do những nguy cơ tiềm ẩn.

Ý thức người dân tốt, đang ủng hộ chủ trương của thành phố, một số mô hình hay mới hình thành cần có kiểm nghiệm (mô hình tự quản, bảo vệ vùng xanh, sắp xếp lại chợ đầu mối, chuỗi cung ứng…) để tiếp tục tạo nếp phòng chống dịch cho người dân vì dịch còn kéo dài trên thế giới và cả nước.

Theo ông Phu, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách xã hội bởi cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.

Ông cho rằng, trước mắt Hà Nội cần làm chặt việc giãn cách trong những ngày còn lại, tranh thủ thời gian xác định nguồn dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Trong 1 triệu xét nghiệm mà thành phố sắp làm, nếu số liệu không đột biến, số F0 cộng đồng thấp thì tình hình cơ bản đã ổn định, có thể nghĩ đến dừng giãn cách xã hội.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2.423 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.244 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.179 ca.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, người sinh sống trong khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ, tính đến 19h ngày 19/8, toàn thành phố đã lấy được 421.108 mẫu, trong đó có 107.259 mẫu đã có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.

Cụ thể, khu vực phong tỏa lấy 21.776 mẫu, đã có 8.469 mẫu âm tính; khu vực nguy cơ cao lấy 184.412 mẫu, đã có 54.761 mẫu âm tính; đối tượng nguy cơ lấy 214.920 mẫu, đã có 44.029 mẫu âm tính.