Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội hay không, phụ thuộc vào yếu tố này
Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội hay không, phụ thuộc vào yếu tố này
Hoàng Thành
Thứ sáu, ngày 20/08/2021 07:13 AM (GMT+7)
Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP đến 6 giờ ngày 23/8. Theo các chuyên gia y tế, việc xem xét nới lỏng các biện pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, có việc xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 19/8, Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc mới trong đó 1 ca tại cộng đồng và 19 ca trong khu cách ly. Như vậy, tính từ 18 giờ ngày 18/8 đến 18 giờ ngày 19/8, Hà Nội có 50 ca mắc.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường
Trong kết luận mới đây của Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường. Việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới, có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết. Trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện "chặt ngoài, lỏng trong".
Theo đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý như đã nêu trong Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP.
Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm.
Phát huy tốt vai trò các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa, tránh tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong".
Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để Nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong tỏa.
Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu phải tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng, trong đó lưu ý việc xác định các khu vực nguy cơ cao bảo đảm chính xác, ưu tiên xét nghiệm các "vùng đỏ", các đối tượng nguy cơ cao như: Lực lượng tuyến đầu, người lao động tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, vận tải, dịch vụ, công nhân lao động khu công nghiệp, chế xuất, giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện...
Tiếp tục xét nghiệm diện rộng
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính tới 19 giờ tối 18/8, trên địa bàn TP đã lấy được 139.010 mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 (6.762 mẫu ở khu vực phong tỏa, 56.340 mẫu ở khu vực nguy cơ và 75.908 mẫu là người nguy cơ), hiện tại có 500 mẫu của đối tượng nguy cơ có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca mắc không rõ nguồn lây và không có yếu tố dịch tễ, thì việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp ho, sốt đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào việc bóc tách F0 để cắt đứt chuỗi lây nhiễm ra khỏi cộng đồng.
Cùng với thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho người ở khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ từ ngày 18/8.
Song song với việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 13 nhóm người có nguy cơ và những người trong khu vực nguy cơ cao trên địa bàn toàn TP, việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp ho, sốt cần được tiếp tục triển khai.
"Việc lấy 800.000 mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 sẽ được báo cáo để lãnh đạo TP xem xét như một trong các điều kiện về việc có tiếp tục giãn cách hay dừng giãn cách xã hội. Hiện số mẫu có kết quả mới rất ít, nếu sau khi lấy 800.000 mẫu cho kết quả âm tính nhiều thì sẽ là tín hiệu khả quan trong việc khoanh vùng F0 ngoài cộng đồng. Nhưng nếu kết quả còn nhiều mẫu dương tính ngoài cộng đồng thì nguy cơ vẫn rất cao", ông Khổng Minh Tuấn cho hay.
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, gần 1 tháng giãn cách xã hội, Hà Nội đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch. Việc Hà Nội có tiếp tục giãn cách hay không sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng chắc chắn không thể hoàn toàn mở hết trở lại, có thể Hà Nội sẽ không thực hiện Chỉ thị 16 mà sẽ chuyển sang Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19. Việc này sẽ được lãnh đạo TP cân nhắc và quyết định trong thời gian tới.
Cần tăng tốc tiêm vaccine
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế nhận xét, không để dịch bùng lên là thành công bước đầu, thể hiện sự nỗ lực cố gắng của hệ thống chính trị cũng như Nhân dân Thủ đô.
Ngay lập tức không thể đưa số ca bệnh trở về không nhưng hạn chế, cắt đứt được nguồn lây là kết quả rõ nét mà Hà Nội đã đạt được trong công tác phòng dịch thời gian qua.
Cùng với kiểm soát chặt chẽ người ra đường, Hà Nội cũng đã và đang triển khai hiệu quả các "vùng xanh", phát huy được vai trò của tự quản, giám sát được người ra vào từng ngõ, ngách.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nguy cơ dịch bệnh của Hà Nội vẫn rất cao, qua sàng lọc vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng.
Do đó, việc giãn cách, thực hiện nghiêm "5K" là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần có biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ các chuỗi như ngân hàng, bưu điện, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị,… Hiện Hà Nội đang triển khai việc xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung vào đối tượng, địa bàn nguy cơ.
"Tận dụng thời gian giãn cách, Hà Nội cần phải tăng tốc độ tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền, vùng dịch có nguy cơ cao và tiến tới tiêm cho toàn dân. Việc tiêm vaccine Covid-19 không chỉ dành cho người có hộ khẩu Hà Nội mà phải tiêm cho người sống trên Hà Nội vì dịch có thể lây lan cho mọi người trên địa bàn. Hiện Hà Nội đang đăng ký online tiêm chủng, do đó cũng cần rà soát xem các đối tượng đã đăng ký hết chưa để bao phủ tiêm", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.