Roraima là ngọn núi cao nhất trong dãy Pakaraima của chuỗi cao nguyên Tepui (gồm những ngọn núi "mặt bàn" có đỉnh bằng phẳng) ở Nam Mỹ. (Ảnh: Tim Snell/ Flickr)
Gran Sabana là một phần của Vườn Quốc gia Canaima rộng 30.000km vuông, lớn thứ nhì của Venezuela. Những ngọn núi "mặt bàn" của Vườn Quốc gia Canaima được cho là một số thành tạo địa chất lâu đời nhất trên Trái Đất.
Mê cung đá và thảm thực vật phong phú trên đỉnh núi Roraima. (Ảnh: redfernadventures)
Đỉnh Maverick Rock của núi Roraima cao 2.810m, với toàn bộ diện tích 31km vuông của nó được bao bọc trong các vách đá cao 400m từ mọi phía. Quang cảnh trên núi "mặt bàn" rất khác lạ với những mê cung đá cùng nhiều hẻm núi sâu, chứ không hề có cao nguyên bằng phẳng. Nơi đây được coi là "điểm ba biên giới" Venezuela - Guyana - Brazil.
Do mưa hầu như tất cả các ngày trong năm và đỉnh núi luôn có mây bao phủ, nên nơi đây rất đa dạng các loài động vật và thực vật, bao gồm nhiều loài không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Điểm dừng chân cắm trại nghỉ ngơi theo tour trekking lên đỉnh "thế giới đã mất" của các Thần linh - núi Roraima. (Ảnh: hike-venezuela)
Núi Roraima có ý nghĩa như ngọn núi thiêng theo đức tin của các cư dân bản địa - thổ dân Pemon và thổ dân Kapon ở Gran Sabana. Núi thiêng Roraima là trung tâm trong nhiều truyền thuyết và huyền thoại của họ.
Thổ dân Pemon không bao giờ cố gắng leo lên đỉnh núi Roraima - nơi theo truyền thuyết vốn là gốc của một loài cây thiêng từng chứa tất cả mọi loại trái cây và rau củ trên thế giới. Sau đó do bị kẻ xấu Makunaima làm hại, cây đổ xuống gây ra một trận lũ lụt khủng khiếp…
Ngoài ra còn có tour tham quan núi Roraima bằng máy bay trực thăng, cất cánh từ thành phố Santa Elena de Uairén gần đó. (Ảnh: redfernadventures)
Nhưng ngày nay núi Roraima là một điểm đến rất cuốn hút khách du lịch đi theo các tour trekking mạo hiểm. Hầu hết người leo núi đều tiếp cận từ phía Venezuela cùng với hướng dẫn viên là thổ dân Pemon ở làng Paraitepui. Họ đi theo La Rampa - con đường giống như cầu thang tự nhiên để leo lên đỉnh núi, chiêm ngưỡng "thế giới đã mất" của các Thần linh.
Thổ dân Pemon là cộng đồng bao gồm khoảng 30.000 người, sống tại vùng đông nam Venezuela bao gồm cả trong Vườn Quốc gia Canaima. Ngoài ra họ còn sống tại 2 nước láng giềng Brazil và Guyana.
Thổ dân Pemon luôn gìn giữ các truyền thống lâu đời của bộ lạc mình. Bao gồm cả phương pháp giao tiếp ban đầu thông qua ngôn ngữ, tín hiệu khói và thông điệp do người chạy bộ truyền đi.
Theo truyền thống, thổ dân Pemon tin rằng mỗi người có 5 linh hồn trông giống như những cái bóng của người đó. Linh hồn thứ 5 là linh hồn trò chuyện và thường rời khỏi cơ thể đi du hành khắp nơi khi người đó ngủ. Khi con người chết đi, linh hồn này "biến mất" và bay đến Dải Ngân Hà.
Một vũ điệu truyền thống được thế hệ trẻ của thổ dân Pemon thời nay trình diễn. (Ảnh: angel-conservation.org)
Các bé trai thổ dân Pemon khi bước vào tuổi thành niên cần trả qua một nghi thức đặc biệt. Đó là chịu rạch da, bôi vào đó thứ thuốc "ma thuật" rồi suốt 1 năm sau đó phải ăn kiêng.
Các thiếu nữ thì cần cắt tóc trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên và xăm hình lên khóe miệng, cơ thể cũng sẽ được sơn theo cách đặc biệt.
Cách xăm mặt theo truyền thống của thổ dân Pemon. (Ảnh: elamerican)
Đặc biệt trong các mối quan hệ xã hội của thổ dân Pemon thì mối quan hệ bố vợ - con rể được coi là quan trọng nhất, vì con rể đóng vai trò thay thế cho con trai ruột. Bởi thế sau khi kết hôn, chú rể tách khỏi cha ruột để chăm sóc cha vợ.
Hôn nhân của thổ dân Pemon không có nghi thức lễ cưới. Chàng rể mới chỉ cần mang võng riêng của mình đến nhà bố vợ là có thể bắt đầu cuộc sống vợ chồng. (Ảnh: iqlatino.org)