Tại Agribank, Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đình vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm - 'đại gia' bất động sản Quảng Ninh. Mức giá khởi điểm cho khoản nợ đấu giá là 312,491 tỷ đồng.
Được biết, khoản vay của Tập đoàn Xuân Lãm được đảm bảo bởi các quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị với tổng trị giá 117 tỷ đồng.
Bao gồm: 1 quyền sử dụng đất chung cư diện tích 2.657m2 tại phường Trưng Vương, TPUông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 1 quyền sử dụng đất xây dựng bãi đỗ xe, nhà văn phòng diện tích 12.607 m2 tại phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 1 quyền sử dụng đất ở đô thị diện tích 10.556m2 tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 3 máy xúc lật; và 1 xe ủi bánh xích.
Tập đoàn Xuân Lãm từng là tập đoàn có tiếng ở đất mỏ, được biết đến là đơn vị sản xuất, kinh doanh đa ngành tại Quảng Ninh, đầu tư vào các lĩnh vực vận tải thủy, bộ; kinh doanh cảng thủy nội địa; đầu tư kinh doanh hạ tầng đô thị; dịch vụ thương mại; sản xuất vật liệu xây dựng …
Trong lĩnh vực bất động sản, Xuân Lãm từng được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án lớn như Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu dân cư và dịch vụ thương mại tại phường Trưng Vương (11,1ha); Dự án Khu đô thị tại phường Trưng Vương (23,57ha); Dự án Khu đô thị mới Chạp Khê, phường Nam Khê (37,4ha).
Một khoản nợ lớn khác đang được Agribank rao bán là khoản nợ của Công ty cổ phần Năng lượng Someco 1. Trong đó dư nợ gồm 141 tỷ đồng và hơn 3,7 triệu USD.
Giá khởi điểm của khoản nợ là 214 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên đấu giá liền kề trước.
Hồi giữa tháng 6, Agribank cũng đã tiến hành đấu giá khoản nợ xấu của công ty thời trang Luala và Công ty TNHH nhà hàng Nhã Nam.
Đáng chú ý, "ông chủ" của các doanh nghiệp này là ông Đỗ Ngọc Minh - con rể "chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là 1,5 triệu cổ phần của Công ty CP T&H Hạ Long do bà Đào Thị Đoan Trang – vợ ông Đỗ Ngọc Minh, tức con gái ông Đào Hồng Tuyển đứng tên sở hữu.
Tại Sacombank, nhà băng này đang rao bán nhiều dự án bất động sản lớn của các "ông chủ" doanh nghiệp.
Trong đó, mới đây ngân hàng thông báo rao bán khoản nợ gần 200 tỷ đồng (tính đến 15/10/2020) của Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải.
Tài sản bảo đảm là hợp đồng mua bán các căn hộ thuộc Dự án Happy Plaza, Lô A10 đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, TP. HCM.
Đáng chú ý, khoản nợ này được Sacombank đặt giá khởi điểm khá thấp so với số dư nợ cho vay, chỉ hơn 105 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sacombank cũng đang tiếp tục thanh lý một số sản phẩm thuộc dự án Xi Grand Court, địa chỉ 256-258 đường Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
Tài sản thanh lý gồm có 870m2 diện tích sàn trung tâm thương mại tầng 5 của tòa nhà; 13.258m2 diện tích sàn tầng hầm B1 với giá 389,2 tỷ đồng; 2.243,96 m2 diện tích sàn thương mại dịch vụ tầng 7; 19 căn hộ thuộc dự án, có diện tích thông thủy 1.453,44m2.
Thậm chí, nhiều khoản nợ của các đại gia được các ngân hàng rao bán tới hàng chục lần, đại hạ giá nhưng vẫn "ế".
Đơn cử như tại BIDV, nhà băng này đã có gần 10 lần rao bán khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình – được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM.
Khoản nợ này tính đến ngày 15/4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 257 tỷ, nợ lãi là 173,8 tỷ và phí phạt quá hạn là 67,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá khởi điểm của khoản nợ được rao bán lần gần nhất chỉ 257 tỷ đồng, tức chỉ bằng với dư nợ gốc. Mức này cũng đã giảm tới một nửa so với đợt rao bán cách đây hơn 3 tháng.
Hồi cuối tháng 7, BIDV cũng tiếp tục rao bán khoản nợ của một đại gia bất động sản và giảm mạnh giá khởi điểm. Khoản nợ này Công ty CP Tập đoàn Khải Vy với tổng dư nợ tính đến ngày 7/6/2021 là hơn 1.035 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 409 tỷ.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ này gồm: Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại địa chỉ số 13 đường Nguyễn Lương Bằng, P. Tân Phú. Q. 7. TP HCM; Rừng cây trồng tại Đăk Nông, bao gồm khoảng 525 ha cây keo lai, 16ha cây huỳnh đàn; Công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất gỗ tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gồm cụm nhà xưởng số 1, diện tích đất thuê 7,6ha, cụm nhà xưởng số 2, diện tích đất thuê 10ha.
Ngoài ra, khoản nợ còn được thế chấp bởi 02 xe BMW, 01 xe Fortuner, 01 xe Mitsubishi, 02 xe Blue Bird; Lô 8,7 triệu cổ phiếu của Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang; Quyền đòi nợ (khoản phải thu) với giá trị sổ sách tại thời điểm thế chấp tháng 07/2014 là 51.132 triệu đồng; Các máy móc thiết bị chế biến gỗ của Công ty Khải Vy.
Giá khởi điểm của khoản nợ được rao bán lần 4 là 754,8 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu tháng 5, khoản nợ được rao bán với giá 1.015 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến việc xử lý nợ xấu, trước đó, BIDV Thành Nam đã có lần thứ 38 rao bán đấu giá tài sản bảo đảm của công ty Cổ phần Thúy Đạt với giá khởi điểm 11,3 tỷ đồng. Đây là khoản nợ xấu mà BIDV Thành Nam đã tiến hành xử lý suốt từ tháng 6/2018 đến nay nhưng vẫn chưa xong.
Theo giới chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng rao bán tài sản là nợ xấu nhiều lần nhưng không thành công, mặc dù đã giảm giá nhiều lần so với dư nợ cho vay là do các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp. Nhiều miếng, mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ đôi khi có lịch sử phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên để sang tên sở hữu mất nhiều thời gian, thậm chí lại không thực hiện được.
"Việc các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản là đất ở và bất động sản nhằm thu hồi nợ được đánh giá là cơ hội khi thị trường tăng cung, nhất là khi mức giá mà các ngân hàng đưa ra thường được nhìn nhận là khá hấp dẫn so với mặt bằng giá thị trường. Những khoản nợ có tài sản đảm bảo "ngon" sẽ được ngân hàng xử lý một cách dễ dàng. Còn những khoản nợ quy mô lớn, dù có tài sản đảm bảo nhưng phức tạp và đòi hỏi người mua nợ có nguồn lực lớn thì sẽ khó bán. Đó là vấn đề đang khiến các nhà băng "đau đầu" bởi trong những trường hợp này dù ngân hàng "xuống nước" hạ giá nhưng thị trường vẫn khó hấp thụ được trong bối cảnh hiện nay", chuyên gia kinh tế tại Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho hay.