Dân Việt

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài 2): Vui với niềm vui được mùa

Phan Phương 24/08/2021 19:00 GMT+7
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho người nông dân quê nhà một tình cảm rất đặc biệt. Mỗi lần về thăm quê, dù trực tiếp đến thăm hay chỉ nói chuyện với những lãnh đạo tỉnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không quên hỏi thăm đến đời sống người nông dân tỉnh nhà.

Ông vui với niềm vui được được mùa, buồn vì quê nhà luôn gặp thiên tai bão lũ, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân…

"Hội phải là chỗ dựa vững chắc của nông dân"

Năm nay đã 85 tuổi, nhưng ông Nguyễn Hữu Long - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình vẫn nhớ rõ từng chi tiết trong lần Đại tướng đến thăm Hội Nông dân. Từng lời dặn ân cần của Đại tướng với cán bộ hội lần đó như truyền cho ông Long và những người làm công tác hội ngọn lửa nhiệt huyết, là động lực thôi thúc họ hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Long kể: "Đó là lần Đại tướng về thăm quê vào năm 1990. Theo lịch trình của mình, Đại tướng đến thăm khối cơ quan Mặt trận, đoàn thể của tỉnh. Sau khi thăm các cơ quan khác xong, Đại tướng đến thăm Hội Nông dân sau cùng. Nhưng điều đặc biệt Hội Nông dân lại là cơ quan mà Đại tướng dành nhiều thời gian nhất để nói chuyện. Bắt đầu câu chuyện với cán bộ hội nông dân tỉnh, Đại tướng cười thật tươi rồi nói: "Tôi làm quân sự nhưng từng là chuyên gia dân cày nên rất quan tâm đến nông dân và công tác Hội Nông dân" .

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài 2): Vui với niềm vui được mùa - Ảnh 1.

Đại tướng thăm Anh hùng lao động Phạm Thị Nghèng, người trồng rừng chắn cát ở xã Quang Phú, Đồng Hới (Quảng Bình).

"Thiên nhiên Quảng Bình khắc nghiệt, đời sống của người nông dân còn nghèo do sản xuất luôn gặp phải thiên tai. Các đồng chí phải thường xuyên quan tâm đến đời sống của người nông dân…".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng căn dặn: Trong chiến tranh Quảng Bình là tuyến lửa, bị tàn phá nặng nề. Bây giờ hòa bình rồi, nhưng Quảng Bình lại nằm trong vùng thiên tai khắc nghiệt, cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống của bà con nông dân vì thế còn rất khó khăn, nghèo khổ. Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận động bà con nông dân làm tốt thuỷ lợi, thâm canh các loại cây con có hiệu quả kinh tế cao để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, Hội phải giáo dục nông dân chống cho được tư tưởng bảo thủ, phải tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để có năng suất cao hơn. Làm thế nào để Hội phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con nông dân vươn lên…".

"Tôi muốn làm người trồng rừng chắn cát!"

Sinh thời mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều hỏi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về những người nông dân biết vượt khó, khắc phục thiên nhiên khắc nghiệt để vươn lên trong sản xuất, làm giàu cho bản thân, cho quê hương và ông chủ động đến thăm họ. Đại tướng đã nhiều lần đến thăm mẹ Phạm Thị Nghèng (ở Quang Phú, Đồng Hới). Mẹ Nghèng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích trồng rừng chắn cát.

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài 2): Vui với niềm vui được mùa - Ảnh 3.

Lần nào đến thăm mẹ Nghèng, Đại tướng cũng rất xúc động. Ông bảo: "Quảng Bình cát trắng, gió Tây Nam (gió Lào), nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy!". Một lần ra thăm mẹ Nghèng, Đại tướng đã làm hầu hết thành viên đoàn ngạc nhiên khi ông nói rằng: "Nếu không có những cuộc chiến tranh và không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương như mẹ Nghèng".

Một lần khác, khi nghe tin ở vùng đồi Cồn Chay, xã Cự Nẫm (Bố Trạch) có nông dân Ngô Văn Lý trồng rừng làm kinh tế giỏi, Đại tướng đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh dẫn đến thăm. Đại tướng rất vui mừng khi biết được, không những làm kinh tế giỏi, ông Lý còn là người đầu nhân giống thành công cây gỗ huỳnh để trồng hàng chục hécta phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của quê hương. Không những thế, ông Lý còn "chuyển giao công nghệ "cho lâm trường nhà nước miễn phí.

Lần đó, trong lúc ông Lý luống cuống vì không ngờ được rằng mình lại may mắn được đón vị Tổng tư lệnh quân đội mà ông kính phục, ngưỡng mộ ngay tại nhà mình thì Đại tướng đã ôn tồn nói: "Trong lúc Quảng Bình băn khoăn với việc "trồng cây gì, nuôi con gì" thì anh đã chứng minh bằng việc làm của mình. Anh xứng đáng là một chiến sĩ quân đội nhân dân, một cựu chiến binh, một tiến sĩ thực hành như người dân đã phong cho"…

"Giữ nghề phụ để tăng thu nhập!"

Sinh ra bên dòng Kiến Giang hiền hòa, hạt lúa củ khoai vùng chiêm trũng và con tôm, con cá ở phá Hạc Hải đã nuôi ông những năm tháng tuổi thơ để thành vị tướng lỗi lạc. Vậy nên, dù đi khắp chân trời góc bể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn một lòng đau đáu với người nông dân nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình.

Xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) là một xã thuần nông, độc canh cây lúa. Đời sống của người nông dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do thường xuyên gánh chịu thiên tai, bão lụt. Đại tướng hiểu rất rõ điều này nên mỗi lần về quê, hay có dịp gặp mặt Đại tướng luôn căn dặn lãnh đạo xã Lộc Thủy là chính quyền địa phương phải đoàn kết, người dân thì phải thoát ra khỏi tư tưởng bảo thủ. Ruộng đồng nên áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất để có năng suất cao. Vườn tược không nên chỉ trồng cây chuối, mà phải trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế để tăng thu nhập.

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài 2): Vui với niềm vui được mùa - Ảnh 4.

Ông Bùi Hữu Đức-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy kể rằng: "Trong nhiều lời căn dặn riêng với chính quyền xã, Đại tướng luôn nhắc: "Trong phát triển kinh tế, Lộc Thủy phải chú trọng và phát triển làng nghề chiếu cói. Muốn làm được điều đó thì địa phương phải đưa công nghệ cao vào nghề này". Vâng lời Đại tướng, hiện nay, xã Lộc Thủy đã thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp chiếu cói An Xá; đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất nên chiếu cói của làng bây giờ đã trở thành một thương hiệu được khách hàng khắp nơi ưa chuộng".

Quảng Bình là vùng đất đầy khắc nghiệt, hàng năm phải gánh chịu những cơn bão lũ tàn phá nặng nề. Những lúc như thế này người nông dân quê hương lại nhớ Đại tướng vô cùng, vì họ biết rằng sẽ nhận được những lời thăm hỏi, động viên của Đại tướng qua lãnh đạo tỉnh. Đại tướng cũng không quên trích lương của mình để ủng hộ đồng bào .

Năm 2013, Đại tướng về với cõi tiên trong lúc cơn bão số 10 vừa quét qua. Nhiều ngôi nhà, cánh rừng, cây cốt, trang trại của người nông dân bị tàn phá. Biến yêu thương thành hành động, thời điểm đó, người nông dân Quảng Bình đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định cuộc sống.

Năm nay, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của ông, vị tướng luôn nặng lòng với nông dân, người nông dân quê nhà chắc hẳn sẽ rất nhớ đến ông. Vâng lời ông, nhớ những lời ông căn dặn, người nông dân quê nhà sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. 

(Còn nữa)