Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Rảnh việc nước, tôi về nhà”

Phan Phương Thứ ba, ngày 24/08/2021 15:30 PM (GMT+7)
Đó là căn nhà gỗ 3 gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...
Bình luận 0

LTS: Ngày 25/8/2021 là tròn 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị tướng lừng lẫy ấy có nơi chôn nhau cắt rốn ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: "Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà". Dường như đó là một lẽ sống, một tình cảm chân thành, giản dị mà vị tướng lỗi lạc đã dành cho quê hương Quảng Bình…


Bài 1: Ngôi nhà bình dị bên dòng Kiến Giang

Đó là căn nhà gỗ 3 gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm... Ngôi nhà đã từng bị giặc Pháp đốt phá vào năm 1947, sau đó được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy, với tất cả tấm lòng tri ân, phục dựng trên nền đất cũ vào những năm sau ngày đất nước thống nhất…

Tấm lòng của người dân quê hương

Đã nhiều lần đến thăm ngôi nhà đó nhưng lần nào cũng vậy, đứng trên sân gạch của ngôi nhà gỗ đơn sơ, bình dị, nơi sinh ra vị tướng lỗi lạc, lòng chúng tôi rung lên những cảm xúc bồi hồi. Như thường lệ, đón chúng tôi ở cổng vẫn là một người đàn ông dong dỏng cao và nụ cười luôn thường trực trên môi. 

Ông là Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá và được Đại tướng giao nhiệm vụ trông coi ngôi nhà đã hơn 40 năm qua. Năm nay đã 77 tuổi nhưng ông Hàm vẫn nhanh nhẹn và rất minh mẫn.

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài 1): Ngôi nhà bình dị bên dòng Kiến Giang - Ảnh 1.

Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), nằm bên dòng Kiến Giang. Ảnh: P.P

Trong gian nhà gỗ 3 gian 2 chái của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Phía trên cùng có ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng. Phía dưới có ảnh bà Nguyễn Thị Quang Thái - phu nhân đầu tiên của Đại tướng. Phía ngoài cùng là bàn thờ đặt tượng và di ảnh của Đại tướng. Trong nhà còn treo nhiều ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và những đồng chí của mình.

Ông Hàm kể, năm 1947, giặc Pháp tấn công và chiếm đóng Lệ Thủy. Trước sự kiên trung một lòng theo lý tưởng giải phóng dân tộc của dòng họ Võ, giặc Pháp đã bắt cụ Võ Quang Nghiêm (thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cho lính đốt cháy hoàn toàn ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình cụ Nghiêm. 

Do chiến tranh khốc liệt, mãi đến sau ngày đất nước thống nhất, năm 1977, ngôi nhà của Đại tướng mới được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng trên nền đất cũ.

Ông Đỗ Trung Tuân- nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, từng làm Trưởng ban chỉ đạo tu sửa, trùng tu ngôi nhà Đại tướng, cho biết: Sau ngày đất nước thống nhất, nhận thấy sự quan trọng của việc phục dựng ngôi nhà, lãnh đạo huyện Lệ Thủy sau nhiều lần xin ý kiến thì được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý.

Ông Tuân kể, theo truyền thống, người Lệ Thủy thường làm nhà rường 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái theo vật liệu gỗ bát vấn (đủ các loại gỗ) hoặc thượng chua hạ gõ (phần trên nhà làm bằng gỗ chua, cột bằng gỗ gụ). Theo mô tả của bác Võ Thuần Nho (em ruột của Đại tướng), ngôi nhà của gia đình ngày xưa được làm theo kiểu nhà 3 gian 2 chái theo kiểu "thượng chua hạ gõ".

Tiếp đó, một đội sơn tràng có kinh nghiệm khai thác gỗ đủ làm một ngôi nhà được cử đi lên rừng. Cùng với đó là tổ thợ mộc người làng Quảng Cư (một làng mộc nổi tiếng) do ông Đặng Đại Múng (đã mất năm 2016, thọ 103 tuổi), một nghệ nhân bậc thầy của làng được huyện tin tưởng giao phục dựng lại ngôi nhà.

Ngôi nhà được phục dựng xong, năm 1983, Đại tướng về thăm quê. Sau khi đứng nhìn ngôi nhà và đi thăm quanh vườn, Đại tướng nói với lãnh đạo huyện Lệ Thủy: "Cảm ơn lãnh đạo huyện đã quan tâm làm nhà cho tôi. Nhưng nhà tôi xưa không to và tốt bằng ngôi nhà này. Nó nhỏ và thấp hơn một chút, gỗ cũng không được tốt như hiện nay vì ngày xưa nhà mình cũng không phải giàu có gì lắm. Cựa ngọ (cổng vào) cũng không đúng như ngày xưa…".

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài 1): Ngôi nhà bình dị bên dòng Kiến Giang - Ảnh 3.

Ông Đỗ Trung Tuân, ông Đặng Đại Trung và những người thợ thi công trùng tu ngôi nhà được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời gặp, cảm ơn trong lần Đại tướng về thăm quê năm 2002. Ảnh: P.P

Những năm sau đó, trong những lần ra Hà Nội thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã ngỏ ý, muốn xin Đại tướng cho phép huyện sửa lại ngôi nhà, nhưng ông đã nhẹ nhàng nói: "Phục dựng ngôi nhà là tấm lòng của nhân dân huyện Lệ Thủy nên dù không giống nhà cũ lắm nhưng trong ý thức của bà con và du khách đã xem là nhà của Đại tướng. Hơn nữa, huyện cũng đang nghèo, nhiều nhà dân còn tạm bợ. Vì vậy, không nhất thiết phải tháo ra để thay nhà khác cho giống nhà cũ".

Mãi đến tháng 8/1999, nhân dịp Đại tướng về thăm quê và trong quá trình làm việc, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã đặt vấn đề với Đại tướng về việc tôn tạo, trùng tu lại ngôi nhà…

Những người trùng tu ngôi nhà

Ông Đỗ Trung Tuân cho biết, năm 1999, thời điểm ông đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, được Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy giao trọng trách làm Trưởng ban tu sửa, trùng tu nhà Đại tướng. Xác định đây là một vinh dự to lớn, cũng là một nhiệm vụ quan trọng, nên trong quá trình bắt tay thực hiện nhiệm vụ, ông Tuân và đội thợ thiết kể, thi công, giám sát đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, tỉ mỉ.

Theo chân ông Tuân, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Giáo Sư, người được huyện giao nhiệm vụ thiết kế lại ngôi nhà của Đại tướng. Ông Sư kể lại: Năm 1977, ngôi nhà 3 gian của Đại tướng được phục dựng theo kiểu thượng chua hạ gõ nhưng tường xây, nền lát gạch… 

"Cảm ơn lãnh đạo huyện đã quan tâm làm nhà cho tôi. Nhưng nhà tôi xưa không to và tốt bằng ngôi nhà này. Nó nhỏ và thấp hơn một chút, gỗ cũng không được tốt như hiện nay vì ngày xưa nhà mình cũng không phải giàu có gì lắm. Cựa ngọ (cổng vào) cũng không đúng như ngày xưa…", Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân tình chia sẻ.

Tuy nhiên, ngôi nhà không đúng lắm với nhà rường truyền thống ở huyện Lệ Thủy. Do đó, được phân công trách nhiệm phục dựng ngôi nhà, ông đã căn cứ vào sơ đồ của Đại tướng và cụ Võ Thuần Nho để lại để nghiên cứu và thiết kế ngôi nhà theo kiểu 3 gian 2 chái và xung quanh làm bằng nghẹc, đố bản, vách ngăn… theo nguyên bản ngày xưa.

Hàng tháng trời, ông Sư đã tỉ mẩn đo từng cột nhà, từng cái xuyên ba, xuyên vách, tìm hiểu thêm một số chi tiết khác và hỏi thêm kinh nghiệm từ cụ Đặng Đại Múng để thực hiện. Khi đã hoàn thành bản vẽ, ông cùng đoàn lãnh đạo huyện Lệ Thủy ra Hà Nội để xin ý kiến Đại tướng và được đồng ý.

Về phần thi công, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã chọn Công ty Xây dựng tổng hợp Hòa Bình do ông Đặng Đại Trung - là cháu của cụ Đặng Đại Múng, làm giám đốc đảm nhận. Đây là đơn vị quy tụ nhiều người thợ mộc có tay nghề giỏi nhất làng Quảng Cư. 

Được triển khai từ cuối năm 1999 đến đầu năm 2001, ngôi nhà 3 gian hai chái lợp ngói cùng nhà ngang lợp tranh được dựng lên trên nền đất cũ cùng với những vật dụng gia đình, như: Tủ sách, tấm phản, bộ tràng kỷ, tủ thờ… đã được phục dựng.

Tháng 4/2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình về thăm quê. Ông đứng nhìn ngôi nhà thật lâu, rồi đi xem từng hiện vật trong nhà, vòng quanh thăm khu vườn... Đại tướng rất xúc động khi nhìn thấy ngôi nhà của cha mẹ, của ký ức tuổi thơ đã được phục dựng gần như vẹn nguyên. 

Gặp lãnh đạo huyện Lệ Thủy và những người thợ phục dựng ngôi nhà, Đại tướng đã không quên nói lời cảm ơn họ, cảm ơn Đảng bộ và chính quyền, nhân dân huyện Lệ Thủy đã dành những tình cảm chân thành cho gia đình…

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem