Ở góc độ doanh nghiệp, "tiền mặt là vua" là cách ví von được giới tài chính dùng để nói về tầm quan trọng của tiền mặt. Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều phải nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định, dù ít hay nhiều.
Đặc biệt, trong bối cảnh dại dịch Covid-19 vẫn phức tạp khiến cho nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp bị ngưng trệ. Các doanh nghiệp sẽ gặp áp lực nhất định về dòng tiền đầu tư, sản xuất kinh doanh và trả nợ vay.
Chính vì vậy, việc sở hữu lượng tiền mặt "khủng" như nắm trong tay "bảo hiểm an toàn", không chỉ giúp giảm rủi ro tài chính, chủ động trang trải các chi phí hoạt động, xử lý những tình huống khẩn cấp, mà còn giúp doanh nghiệp có thể chủ động trong đầu tư khi cơ hội xuất hiện.
Thống kê từ Báo cáo tài chính quý 2/2021 của các doanh nghiệp đang niêm (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vốn là những ngành nghề đặc thù "kinh doanh tiền" có số dư tiền và dòng tiền luân chuyển cao) cho thấy, "kho tiền" (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn dưới 1 năm), có tới 16 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.
Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế từ hàng không, năng lượng, hàng tiêu dùng, bất động sản đến sắt thép hay ô tô như ACV, PV GAS, Vingroup, Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, FPT, VEAM, Tập đoàn Cao su…
Trong đó, dẫn đầu các doanh nghiệp nhiều tiền nhất sàn chứng khoán cuối tháng 6/2021 là Tổng công ty cổ phần Cảng hàng không (ACV) với 33.200 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, ACV cũng là quán quân về tiền với 33.800 tỷ đồng.
Tiếp theo là Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với 33.100 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, "kho tiền" của Vingroup chỉ mới dừng ở con số 27.840 tỷ đồng. Sau 1 năm Covid-19 tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã "tích trữ" thêm tới 5.300 tỷ đồng.
Góp mặt trong TOP 3 "vua tiền mặt" nửa đầu năm nay, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là cái tên gây bất ngờ với lượng tiền tích tụ "khổng lồ" chỉ trong 1 năm qua.
Nếu như cuối năm 2019, Hòa Phát mới chỉ có chưa tới 6.000 tỷ đồng tiền gửi thì đến cuối quý II/2020 con số này tăng lên gấp đôi đạt 12.147 tỷ đồng. Đến cuối quý 2/2021, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã "tích tụ" thêm gần 20.000 tỷ lên 31.800 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn.
Sự khởi sắc của ngành thép và nông nghiệp đã giúp cho lợi nhuận ròng của Hòa Phát tăng phi mã từ mức 7.500 tỷ năm 2019 lên 13.500 tỷ năm 2020 và đạt 16.700 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm 2021.
Chính sự vươn lên của Hòa Phát, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS - mã: GAS) không còn nằm trong TOP 3 "vua tiền mặt", tuy nhiên lượng tiền của PV GAS vẫn duy trì trên 30.000 tỷ. So với cùng kỳ năm ngoái, "kho tiền" của PV GAS giảm khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nếu so với quy mô tài sản, tiền mặt và tiền gửi tại ACV và PV GAS vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 58,9% và 42%. Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có tỷ trọng tiền mặt trên tổng tài sản thấp nhất chỉ vào khoảng 8%.
Trong TOP 10 doanh nghiệp nhiều tiền mặt nhất sàn chứng khoán còn có FPT của đại gia Trương Gia Bình với khoảng 20.500 tỷ, Vinamilk với 19.600 tỷ, Sabeco (18.400 tỷ) và Veam (15.900 tỷ đồng), Thế giới Di động (18.100 tỷ đồng) và CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) với 17.700 tỷ đồng.
Trong số đó, cùng kỳ năm ngoái Thế giới Di động của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài và CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) không góp mặt trong TOP này.
Như vậy, tổng cộng 10 doanh nghiệp nhiều tiền nhất sàn chứng khoán hiện đang có trong tay trên 258 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn.
Với số tiền này, có thể mua đứt các doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán như Hòa Phát (216 tỷ đồng vốn hóa), Vinamilk (181 tỷ đồng vốn hóa) và các ngân hàng như Techcombank và BIDV.