Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, cộng thêm đang là thời điểm tháng 7 Âm lịch nhiều người có quan niệm đây là tháng xui xẻo và không nên làm việc lớn, nhưng nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng đây là thời điểm tốt để mua được nhà đất giá rẻ.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Hải (hiện đang sinh sống tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước nay quan điểm của anh là "mua vào khi thị trường trầm lắng và bán ra khi thị trường sôi động", chính từ quan điểm đó nên anh cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư sẵn tiền bắt đầu đi "săn đất" bị bán cắt lỗ.
"Nhìn ngay trong những cơn sốt, ai cũng lao vào đầu tư hy vọng kiếm tiền lãi, đa phần trong những cơn sốt đất đều có sự tham gia rất lớn của nhà đầu tư F0 - nhà đầu tư non kinh nghiệm.
Thường các cơn sốt đất kéo dài tối đa tới khoảng 3 tháng, nhiều nhà đầu tư F0 vẫn chưa kịp rút khỏi thị trường hoặc vì tham lời nên muốn được giá cao hơn. Đặc biệt không ít người huy động vốn từ nhiều nơi để mua đất, đến nay họ thấm đòn từ nợ nần nên có tâm lý bán cắt lỗ", anh Hải phân tích.
Bên cạnh đó, thời điểm này đang là tháng 7 Âm lịch nhiều người kiêng kỵ không mua vào thời điểm này lại là cơ hội để các nhà đầu tư lâu năm ép giá chủ đất. "Đối với những người đầu tư đất lâu năm thì không vấn đề gì cả, họ mua chờ lãi bán chứ không phải để ở", anh Hải nói
Ngoài ra, cũng theo nhà đầu tư Nguyễn Văn Hải cho biết, để biết rõ mảnh đất mua phải có đúng là cắt lỗ hay chỉ là chiêu của người bán thì nhà đầu tư nên chọn ra một vài khu vực có tiềm năng, cơ sở hạ tầng tốt, không nên quan tâm toàn thị trường sẽ khó nắm bắt. Cùng với đó, nhà đầu tư cần theo dõi giá cả tại nơi đã lựa chọn từ lúc sốt đất đến thời điểm "xuống tiền" để mua được mức giá hợp lý.
"Chỉ nên tập trung vào khu vực đã lựa chọn và theo dõi giá từ trong cơn sốt. Ví dụ, gần đây tôi mới cọc mua một mảnh đất tại Bắc Giang từ nhà đầu tư khác, có diện tích hơn 110m2 với giá 1,4 tỷ đồng. Từ lúc sốt đất tôi đã về xem mảnh đất này nên nắm được địa điểm và hạ tầng xung quanh. Khi đó, người bán cũng cho tôi xem giấy tờ giao dịch họ mua với giá 1,7 tỷ đồng. Như vậy tôi đã mua rẻ hơn được 300 triệu đồng rồi", ông Hải nói.
Bên cạnh đó, để an toàn về số tiền cọc, ông Hải cho biết, cần có cam kết rõ ràng nếu trường hợp thời gian giãn cách dài hơn thì sẽ thay đổi thời gian sang tên.
Theo anh Nguyễn Văn Tùng - môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, trong cơn sốt anh cũng đi khắp các khu vực quanh Hà Nội để bán đất. Đến thời điểm này thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng thì xuất hiện nhiều nhà đầu tư sẵn tiền đang chờ mua đất "cắt lỗ".
Anh Tùng cho biết, thực tế hiện tượng cắt lỗ ồ ạt, tuy nhiên cũng nhiều người không chịu nổi áp lực tài chính mà đành chấp nhận bán. Không chỉ các nhà đầu từ F0 mà ngay cả các nhà đầu tư lâu năm cũng lâm cảnh chịu lỗ.
Một người môi giới giải thích thêm: "Hiện tượng cắt lỗ với nhà đầu tư lâu năm không phải hoàn toàn bán hết mà trong cơn sốt họ mua 3 - 5 mảnh, đến nay khi họ cần tiền xoay vòng vốn ở mảng khác thì họ chỉ chấp nhận bán đi 1 mảnh, để lấy tiền trang trải. Bởi với kinh nghiệm đầu tư lâu năm họ biết khi thị trường phục hồi họ vẫn có lãi, thậm chí lãi nhiều".