Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2021 đạt con số rất ấn tượng, đạt kim ngạch 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái; Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong đó, Mỹ chi tới 8,2 tỷ USD để mua các loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; trong khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đạt 5,5 tỷ USD trong 7 tháng năm 2021.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã khiến hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung nhiều nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như gạo, gỗ, thủy sản, cao su, rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu,...
Sụt giảm mạnh nhất về kim ngạch xuất khẩu phải kể đến mặt hàng thủy sản. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, trong tháng 7/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 853,77 triệu USD, tăng 0,56% so với tháng 6/2021 và tăng 7,88% so với tháng 7/2020.
Tương tự, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 8/2021 cũng sụt giảm, đạt 87.340 tấn, trị giá 143,1 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 13,2% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 7/2021.
Nguyên nhân xuất khẩu cao su sụt giảm là do nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa, hoặc sản xuất bị ảnh hưởng bởi công nhân nghỉ việc, bị cách ly, sống trong vùng có dịch...
Xuất khẩu cao su cũng trong tình trạng tương tự khi trong 15 ngày đầu tháng 8/2021, xuất khẩu cà phê giảm 16,7% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7/2021.
Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 8/2021 cũng chỉ đạt 20.400 tấn, trị giá 137,44 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 18,5% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7/2021;
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 95.170 tấn, trị giá 41,62 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 7/2021.
Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu nông, lâm thủy sản của Việt Nam từ những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,... vẫn rất cao do các nước bắt đầu mở cửa trở lại, nền kinh tế bắt đầu phục hồi nhờ chiến dịch tiêm vaccine Covid-19. Thậm chí, các doanh nghiệp ngành gỗ, cao su, thủy sản,... đã có đơn hàng đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển nông sản trong bối cảnh các địa phương phía Nam siết giãn cách xã hội.
Tính đến hết tháng 07/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 05 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước) đạt 148,64 tỷ USD, chiếm 44,58% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trước thực tế này, đồng loạt các hiệp hội ngành hàng: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam đã ký đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành chức năng, UBND TP.Hồ Chí Minh kiến nghị cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp hội viên Hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Theo các hiệp hội, theo Công văn 2796/UBND-VX và Công văn 2800/UBND-VX ngày 21/08/2021 của UBND TP.HCM về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông, trong đó có nhóm đối tượng được cấp giấy phép lưu thông là nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa có mã số đơn vị cấp là 3D sẽ hoạt động theo thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ theo số lượng và phạm vi hoạt động giao Sở Công Thương quyết định từng trường hợp cụ thể.
Ngày 22/08/2021, Sở Công Thương TP.HCM ban hành quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa (cung ứng dịch vụ logistics) đăng ký cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách từ ngày 23/08/2021 đến ngày 05/09/2021.
"Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistic đã nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào của các Hiệp hội ngành hàng nhận được phản hồi từ Sở Công Thương TP.HCM" - đơn của các hiệp hội phản ánh.
Tổng hợp phản ánh và kiến nghị từ doanh nghiệp hội viên của các Hiệp hội thì các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan, không phải tất cả đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics (forwarder).
Thiết nghĩ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chiếu theo Công văn 2800/UBND-VX thì được xếp vào mục 3D nhưng đến hiện tại các doanh nghiệp không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách.
Từ thực tế này, các Hiệp hội ngành hàng cùng thống nhất và xin đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp.
Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát đến trụ sở Sở Công Thương TP HCM đóng dấu.