Dân Việt

Loại bánh Việt Nam dân dã, dễ làm, ít tiền, được chọn là 1 trong 100 món bánh ngọt ngon nhất thế giới

Duy Khôi 30/08/2021 06:15 GMT+7
TasteAtlas - trang web nổi tiếng được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới” - vừa công bố 100 món bánh ngọt ngon nhất thế giới. Bánh da lợn, món ăn dân dã của người dân Nam Bộ, vinh dự được bình chọn.


Loại bánh Việt Nam dân dã, dễ làm, ít tiền, được chọn là 1 trong 100 món bánh ngọt ngon nhất thế giới - Ảnh 1.

Một mâm bánh dân gian do nghệ nhân Chín Chiều làm. Vòng lớn ngoài cùng là bánh da lợn.

Top 100 món bánh ngọt ngon nhất thế giới được TasteAtlas bình chọn dựa theo mức độ phổ biến của món ăn. TasteAtlas mô tả về loại bánh dân gian Nam Bộ này: “Bánh da lợn là món tráng miệng truyền thống của Việt Nam, gồm các lớp bánh dẻo dai đan xen nhau. Bánh được làm từ đậu xanh nghiền, tinh bột sắn, bột gạo và nước cốt dừa. Theo cách làm truyền thống, mỗi chiếc bánh da lợn sẽ có một lớp màu vàng nhạt làm từ đậu xanh và một lớp màu xanh lá cây làm từ lá dứa. Ngoài ra có thể sử dụng linh hoạt các nguyên liệu khác như sầu riêng hoặc khoai môn”. Với việc đưa bánh da lợn vào top 100 loại bánh ngọt ngon nhất thế giới, cho thấy TasteAtlas đã khảo sát, đánh giá rất kỹ tầm ảnh hưởng của loại bánh này cũng như đánh giá cao về hương vị, độ cuốn hút của món ăn.

Chia sẻ thông tin này với bà Trương Thị Chiều, tức nghệ nhân bánh dân gian Nam Bộ Chín Chiều (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), bà “nửa tin nửa ngờ”. Bà vui vì sự lan tỏa của chiếc bánh quê nhưng cũng “không tin lắm” vì không ngờ loại bánh dân dã, dễ làm, ít tiền, lại được đánh giá cao như vậy.

Quả vậy, hầu như người Nam Bộ nào cũng từng ăn, nếu không nói là rất nhiều lần, ăn bánh da lợn. Loại bánh này có mặt trong các sự kiện của gia đình, làng xã, từ đám giỗ, đám cưới, đám hỏi đến cúng đình, cúng chùa... Nhất là từ khi các miền quê Nam Bộ nở rộ loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, bánh da lợn trở thành một món ăn chơi đãi khách thường thấy.

Nghệ nhân Chín Chiều chia sẻ, làm bánh da lợn khá dễ, đòi hỏi một chút khéo léo và cẩn thận thì bánh sẽ đẹp và ngon. Nguyên liệu dùng để làm bánh là bột năn, bột gạo, nước cốt dừa, đậu xanh đãi vỏ, lá dứa, đường, bột thơm vani... Bột trộn theo tỷ lệ phù hợp rồi pha nước cốt dừa vào, sau đó rây lại cho bột bánh được mịn. Bột được chia làm hai, một phần làm màu trắng nguyên gốc, một phần pha với nước lá dứa để có màu xanh. Cuối cùng, bột được đem đi hấp - cũng là công đoạn cực và mất thời gian nhất. Người làm đổ bột vào xửng hấp từng lớp (mỗi lớp dày chừng 1-2 phân), đợi lớp bột chín rồi tới một lớp đậu xanh đã nấu chín, nhuyễn nhừ, rồi tới một lớp bột mới... Cứ như vậy, độ dày của bánh tùy ý người làm, nhưng thông thường là khoảng 3 lớp bột, 2 lớp đậu xanh là vừa.

Cách làm là vậy nhưng để bánh ăn được mềm nhưng không bở, béo nhưng không ngấy, các lớp liên kết với nhau... là bí quyết của người làm bánh. Bây giờ, bánh da lợn còn được cách tân với đủ màu sắc pha vào bột: màu tím từ củ dền, màu cam từ trái gấc, màu xanh từ hoa đậu biếc... Còn có người thợ khéo tay đổ chỉ 2 lớp bột, 1 lớp đậu ở giữa rồi khi bánh còn nóng, cắt thành mảng, cuộn tròn lại như một bông hoa.

Sự công nhận của TasteAtlas đối với bánh da lợn cho thấy những giá trị văn hóa ẩm thực dân gian của nước ta rất phong phú. Đây cũng là tài nguyên du lịch dồi dào, khi được khai thác tốt sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất là với du khách quốc tế.