Mỹ dành nhiều ưu tiên cho hợp tác với Việt Nam
Việc Phó Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam ngay khi vừa qua nửa năm đầu của chính quyền mới ở Mỹ cho thấy Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực. Đích thân bà Harris đã khẳng định điều đó khi tới Việt Nam, và đó cũng là nhận xét của các chuyên gia về quan hệ quốc tế.
Một trong những điểm nổi bật của chuyến thăm là việc Phó Tổng thống Mỹ đề xuất nâng cấp quan hệ chiến lược với Việt Nam. Về đề xuất này của bà Harris, Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư danh dự Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Australia, nhận xét: "Rõ ràng là chính quyền Biden đã dành ưu tiên cho việc hợp tác với Việt Nam tích cực hơn trong hàng loạt lĩnh vực hai bên chia sẻ lợi ích" – ông viết trong email trao đổi với Dân Việt.
Giáo sư chỉ rõ, hàng loạt quan chức Mỹ đã nêu ra vấn đề này: Ông Marc Knapper, người được Tổng thống Biden chỉ định làm đại sứ tiếp theo của Mỹ ở Việt Nam, đã cam kết làm việc để nâng cấp quan hệ song phương. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc hai bên nghiên cứu việc nâng cấp quan hệ. Giờ đây đề nghị được đưa ra từ Phó Tổng thống Kamala Harris, nhân vật cao cấp thứ hai trong chính quyền Biden.
"Thông điệp ở đây là chính quyền Biden muốn tham gia đối thoại với Việt Nam về việc làm thế nào để đưa quan hệ toàn diện hiện nay trở nên hiệu quả hơn trong cả 9 lĩnh vực hợp tác, với tầm nhìn nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược chính thức" – ông Thayer cho biết.
Trước đề nghị của bà Harris, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói với Phó Tổng thống Harris rằng "Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện hơn với Mỹ theo cách thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn".
Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cũng ghi nhận việc các quan chức Mỹ đã một số lần đề xuất nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ trở thành quan hệ chiến lược. Tuy nhiên vấn đề này vẫn được phía Việt Nam tiếp tục xem xét. Ông nói: "Tôi không cho rằng việc gọi là quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện lại quá quan trọng. Điều quan trọng là các sáng kiến và hành động chung trong quan hệ đối tác tạo ra khác biệt như thế nào. Việc chúng ta làm gì với quan hệ đối tác đó quan trọng hơn việc định danh".
Cho dù, Việt – Mỹ chưa định danh là đối tác chiến lược, song ông Hiebert – chuyên gia hàng đầu về Châu Á, với 3 thập kỷ sống và làm việc tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam vào đầu những năm 1990, nhận xét rằng quan hệ Việt – Mỹ đã có những bước tiến dài: "Tôi nghĩ rằng trong những năm gần đây, Việt Nam và Mỹ đã đi được rất xa trong việc thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau. Điều này đã đưa tới sự gia tăng hợp tác trong thương mại, đầu tư, y tế, an ninh, quan hệ nhân dân và chữa lành vết thương chiến tranh, trong đó có việc rà phá bom mìn vật liệu nổ, làm sạch dioxin và giúp đỡ lẫn nhau tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh".
Mỹ lo ngại về tình hình Biển Đông
Tại Singapore cũng như Việt Nam, bà Harris đều đề cập đến Biển Đông. Bà còn thúc giục Việt Nam ủng hộ tuyên bố hàng hải ở khu vực Tây Thái Bình Dương mà Mỹ đề xuất. Theo Giáo sư Thayer cho rằng Mỹ lâu nay đã lo ngại về tình hình trên Biển Đông, đặc biệt dưới thời chính quyền Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Chính quyền Biden cũng chia sẻ những quan ngại này. Giáo sư dẫn lời bà Harris nói tại Việt Nam rằng các nước cần tăng cường sức ép để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Giáo sư Thayer cho rằng: Theo quan điểm của Mỹ, tình hình Biển Đông rất đáng lo ngại và sẽ trở nên tồi hơn, trừ phi các quốc gia liên kết với nhau gây sức ép với Trung Quốc. Ông lưu ý, vấn đề chủ chốt là làm sao các hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá của Việt Nam.
Trong các cuộc gặp lần này của lãnh đạo Việt Nam với bà Harris, hai bên đều nhất trí ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, và mọi tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế.
Có thể trông đợi các chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao
Hợp tác chống Covid-19 cũng là vấn đề mà các nhà quan sát nước ngoài đánh giá cao. Chuyên gia Hiebert nhận xét: Năm ngoái, Việt Nam đã gửi khẩu trang và bộ đồ bảo hộ tặng nước Mỹ và năm nay, Mỹ đáp lại bằng cách tặng vaccine cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã thành công trong ngoại giao vaccine năm ngoái. Năm nay Việt Nam không có đủ vaccine để đối phó với biến chủng delta, tôi cho rằng Việt Nam cần sớm kiểm soát dịch bằng biện pháp phong toả đã thành công năm ngoái".
"Tôi nghĩ rằng chúng ta nên chờ đợi nhiều chuyến thăm cấp cao hơn nữa tới Việt Nam và nên dự đoán rằng các quan chức cấp cao Việt Nam sẽ bắt đầu thăm Mỹ khi Covid được kiểm soát nhiều hơn".
Murray Hiebert, chuyên gia về Châu Á, CSIS.
Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm là thông điệp mà bà đưa ra rằng nước Mỹ sẽ tăng cường ủng hộ giúp đỡ Việt Nam chống Covid-19 bằng cách cung cấp nhiều vaccine và thiết bị y tế hơn – Giáo sư Thayer nói. Ông đặc biệt đánh giá cao việc khai trương văn phòng CDC ở Hà Nội, gọi đó là "kết quả thực tế nhất", vì điều đó nghĩa là Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực để giải quyết không chỉ đại dịch hiện nay mà các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai.
Tổng kết về chuyến thăm, các nhà quan sát cho rằng hai bên có thể trông đợi quan hệ sâu sắc hơn nữa ở cấp cao. Còn nhà nghiên cứu Hiebert nói rằng, việc chuyến thăm của bà Harris diễn ra ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã thể hiện rằng Mỹ rất nghiêm túc trong việc muốn làm sâu sắc các mối quan hệ với Việt Nam. Ông nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng chúng ta nên chờ đợi nhiều chuyến thăm cấp cao hơn nữa tới Việt Nam và nên dự đoán rằng các quan chức cấp cao Việt Nam sẽ bắt đầu thăm Mỹ khi Covid được kiểm soát nhiều hơn".