Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ 

Kamala Harris: Niềm tin chiến lược Việt – Mỹ

ngày càng được củng cố


Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế, trao đổi với Dân Việt cho rằng, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tiếp tục cho thấy, Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Mỹ và sự tin cậy ngày càng lớn giữa hai bên.


Hai điểm đáng chú ý qua chuyến thăm

của Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam


Tiến sĩ đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam?

- Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam có 2 điểm cần chú ý: Thứ nhất, thể hiện sự tái can dự của Mỹ vào khu vực. Dưới thời Tổng thống Trump, nhiều người cho rằng ông chưa quan tâm đủ đến Đông Nam Á (ĐNA), chẳng hạn ông không dự các hội nghị thượng đỉnh ở khu vực. Từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam đã thể hiện sự quay trở lại của Mỹ với ĐNA nhằm triển khai các hoạt động của chính quyền với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Niềm tin chiến lược Việt – Mỹ ngày càng được củng cố - Ảnh 1.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường - chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thứ hai, trong Chiến lược hướng dẫn an ninh quốc gia tạm thời công bố tháng 3/2021, chính quyền của Tổng thống Biden vẫn thế hiện trọng tâm chiến lược của Mỹ là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó coi trọng quan hệ đối tác với Việt Nam và Singapore. Việt Nam với vị thế địa chiến lược ở ĐNA, rất quan trọng với Mỹ.

Chuyến đi của bà Harris diễn ra sau thời điểm rất nhiều chuyến đi của các quan chức hàng đầu chính quyền Mỹ trước đó. Chẳng hạn Ngoại trưởng Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thăm Nhật Bản, Hàn Quốc tháng 3/2021; ông Blinken thăm Ấn Độ tháng 7/2021; Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman thăm Campuchia, Thái Lan, Indonesia tháng 6/2021, thăm Trung Quốc tháng 7/2021; Bộ trưởng Quốc phòng Austin thăm Việt Nam tháng 7/2021… tất cả cho thấy Mỹ muốn quay trở lại ĐNA, Châu Á – Thái Bình Dương.

Chuyến đi cũng nhằm tăng cường quan hệ Việt – Mỹ vốn được tạo dựng từ nhiều nền tảng. Việt Nam không chỉ là đối tác của Mỹ mà có vị trí địa chiến lược quan trọng. Thông qua Việt Nam, Mỹ có thể tăng cường quan hệ với ASEAN, tăng cường tiếp cận các cơ chế hợp tác, các thể chế khu vực, giúp các nước tiếp cận nhiều nguồn lực và gia tăng ảnh hưởng với khu vực.

Chuyến thăm còn thể hiện rõ sự quan tâm của chính quyền Biden với Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, các nhà lãnh đạo hai bên thường xuyên điện đàm và trao đổi với nhau.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Niềm tin chiến lược Việt – Mỹ ngày càng được củng cố - Ảnh 2.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Ảnh: ĐSQ Mỹ.

Chuyến thăm tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác song phương, hiện dựa trên 9 lĩnh vực trong khuôn khổ đối tác toàn diện, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, giáo dục, y tế, môi trường, di sản chiến tranh… Hai bên còn nhiều cơ chế hợp tác trao đổi hiệu quả, như đối thoại về nhân quyền, lao động, an ninh, quốc phòng, hay Hiệp định khung về thương mại và đầu tư TIFA, các thoả thuận hợp tác quốc phòng đã có, hay như trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tháng 7 vừa qua, hai bên đã ký thoả thuận tìm kiếm người mất tích, hài cốt lính Mỹ và bộ đội Việt Nam…

Trong các cuộc gặp gỡ cấp cao, các quan chức Mỹ luôn nhấn mạnh ủng hộ Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam… Những điều đó được đánh giá rất cao, cho thấy sự tin cậy ngày càng lớn giữa hai bên.


Nâng cấp quan hệ sẽ mở ra

nhiều triển vọng mới cho hai nước


Từ lâu nhiều người đã nói rằng, nội hàm quan hệ Việt – Mỹ đã ở tầm đối tác chiến lược. Theo thông tin từ Nhà Trắng, lần này Phó Tổng thống Mỹ đã đưa ra đề xuất đó. Mặc dù vấn đề này cần được hai bên tiếp tục thảo luận, nhưng triển vọng đối tác chiến lược đem lại lợi ích thế nào cho quan hệ hai nước, nhất là về an ninh và vấn đề Biển Đông?

- Tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton sang Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Đông Á đã đề xuất nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Đặt trong bối cảnh Mỹ muốn quay lại ĐNA, thực hiện chiến lược tái cân bằng, xoay trục dưới thời Tổng thống Obama, thì lời đề nghị đó nằm trong chiến lược chung với khu vực. Sau đó hai bên đã thảo luận xác lập quan hệ đối tác toàn diện trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ năm 2013.

Trong các cuộc gặp gỡ cấp cao, các quan chức Mỹ luôn nhấn mạnh ủng hộ Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam… Những điều đó được đánh giá rất cao, cho thấy sự tin cậy ngày càng lớn giữa hai bên.

Mỹ thường xuyên đề xuất làm sâu sắc hơn quan hệ, phù hợp với nền tảng, bối cảnh, lợi ích khách quan chủ quan của các bên. Từ 2013 tới nay hai bên đạt được nhiều thành tựu, như kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 90 tỷ USD, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 10 ở Việt Nam. Niềm tin chiến lược giữa hai bên ngày càng được củng cố. 

Hơn nữa trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ thúc đẩy cam kết quay trở lại khu vực thì đó là một đề xuất phù hợp với các bên.

Thực ra đề xuất này không mới. Việt Nam đã ký thoả thuận đối tác chiến lược với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc… Việc ký thoả thuận đó là bình thường, phù hợp lợi ích quốc gia và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Với đề xuất này của Mỹ sẽ không tạo liên minh nào đó, mà xuất phát từ lợi ích của nhân dân 2 nước, tạo khuôn khổ cơ chế để hai bên tiếp tục hợp tác sâu sắc hơn trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, biến đổi khí hậu, cứu trợ thảm hoạ thiên tai, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh…, tạo đà để thêm tin tưởng lẫn nhau. 

Việc nâng cấp quan hệ cũng sẽ tạo động lực để Quốc hội và Chính phủ Mỹ có thêm những khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới với Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng mới cho hai nước.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Niềm tin chiến lược Việt – Mỹ ngày càng được củng cố - Ảnh 4.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: TTXVN

Về an ninh, trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, quan điểm của Mỹ là muốn thúc đẩy một khu vực hoà bình, ổn định, thịnh vượng, trật tự dựa trên luật lệ. Điều đó đã được thúc đẩy từ các chính quyền trước.

Trên Biển Đông, không chỉ với Việt Nam mà với cả các quốc gia khác, hành động của Trung Quốc có thể đe doạ đến hoà bình, an ninh khu vực. Các quốc gia trong khu vực, kể cả các nước ASEAN, đều mong muốn giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, không sử dụng vũ lực. Đây cũng là chủ trương của Mỹ. Mỹ cũng bác bỏ tuyên bố 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông, cho đó là một yêu sách bất hợp pháp, đã bị trọng tài quốc tế bác bỏ, gây bất ổn khu vực.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Niềm tin chiến lược Việt – Mỹ ngày càng được củng cố - Ảnh 5.

TIếp Phó Tổng thống Kamala Harris, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là về vaccine. Ảnh: VietnamNews.

Các quan điểm và biện pháp của Việt Nam muốn sử dụng các công cụ luật pháp quốc tế là phù hợp tiêu chuẩn, quan điểm của Mỹ. Cách tiếp cận của Mỹ là muốn duy trì quyền đi lại, bay qua Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe doạ, khuyến khích các quốc gia tranh chấp giải quyết bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật lệ quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. 

Như vậy quan điểm của Mỹ về Biển Đông cũng phù hợp với lợi ích các quốc gia trong khu vực, được các quốc gia trong và ngoài khu vực ủng hộ.

Nếu xác lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ thì Việt Nam có thể nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ cam kết của Mỹ muốn tăng cường năng lực thực thi hàng hải của Việt Nam. Mỹ đã giao cho Việt Nam 2 tàu tuần tra và các con tàu đã được biên chế vào lực lượng thực thi luật pháp hàng hải của Việt Nam, giúp Cảnh sát Biển Việt Nam có năng lực đối phó các thách thức trên biển.

Quan hệ Việt - Mỹ nếu được nâng cấp thành đối tác chiến lược sẽ giúp Việt Nam có nhiều tiếng nói, tham gia nhiều hơn các diễn đàn, thể chế quốc tế và khu vực, tăng cường hình ảnh, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc tăng cường quan hệ cũng có thể tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận thêm nguồn lực, vũ khí hiện đại của Mỹ, việc đào tạo hay chia sẻ thông tin tình báo như đã cam kết trước đó.

Quan hệ nếu được nâng cấp thành đối tác chiến lược còn có thể giúp Việt Nam có nhiều tiếng nói, tham gia nhiều hơn các diễn đàn, thể chế quốc tế và khu vực, tăng cường hình ảnh, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra, Biển Đông là vấn đề được nhiều nước trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Australia, Ấn Độ… quan tâm, vì đó còn là vấn đề an ninh hàng hải của khu vực và thế giới. Nếu có quan hệ đối tác chiến lược phát triển thì Mỹ có những công ty với công nghệ hàng đầu sẵn sàng khai thác các mỏ dầu khí của Việt Nam. Sự xuất hiện đó của Mỹ trên Biển Đông sẽ củng cố an ninh khu vực, đảm bảo giữ nguyên trạng Biển Đông.


Những kết quả tích cực từ chuyến thăm

của Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam


Dư luận cũng rất quan tâm việc trước khi Phó Tổng thống Mỹ tới Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba. Ông có cho rằng đó là điều đặc biệt?

- Việc lãnh đạo Việt Nam gặp Đại sứ Trung Quốc không có gì bất thường. Trong cơ chế hợp tác Việt – Trung, việc trao đổi tiếp xúc là bình thường. Trong buổi tiếp, Thủ tướng khẳng định coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung, coi đây là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Hai bên trao đổi cho rằng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giao lưu tiếp xúc các cấp, qua các kênh Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh, nhân dân, hợp tác phòng chống Covid-19, hợp tác kinh tế, lưu thông hàng hoá, thương mại. 

Thủ tướng nhấn mạnh việc duy trì hoà bình, ổn định, xử lý bất đồng trên biển theo thoả thuận chung của lãnh đạo 2 nước, trên cơ sở Luật Biển, thực hiện tốt Tuyên bố Ứng xử Biển Đông và tiến tới đàm phán có kết quả Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông COC...

Với những nội dung đó, có thể thấy rõ ràng việc tiếp xúc này rất bình thường, không có ảnh hưởng gì đến thời điểm chuyến thăm của bà Harris.

Ngoài ra, thế và lực của Việt Nam đã hoàn toàn khác. Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, không phụ thuộc bất kỳ quốc gia nào nào. Chính sách ngoại giao của Việt Nam hoàn toàn chủ động. Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ đều dựa trên lợi ích quốc gia, không chịu sức ép nào ảnh hưởng đến lợi ích. Dù là thế lực nào muốn thay đổi mục tiêu, sự nghiệp phát triển của đất nước, chính sách đối ngoại của Việt Nam thì không thể.

Vị thế, vai trò của Việt Nam là một nhân tố mà các quốc gia trên thế giới và khu vực phải coi trọng. Chuyến thăm của bà Harris tới Việt Nam hay trao đổi của Thủ tướng với Đại sứ Trung Quốc là bình thường, không ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với các nước, vì chính sách của Việt Nam là bình đẳng trong quan hệ với các nước, vì mục tiêu hoà bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Xin ông cho biết những thoả thuận mà hai bên đạt được trong chuyến thăm này?

- Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này, hai bên đã đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó đã mở rộng và làm sâu sắc hơn các khía cạnh hợp tác song phương trên các lĩnh vực sau:

Về đối phó với Covid-19 và An ninh Y tế, Mỹ tiếp tục cam kết tài trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam và khai trương văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Đông Nam Á đặt ở Hà Nội để tăng cường hợp tác an ninh Y tế. 1 triệu liệu vaccine Pfizer/BioNTech viện trợ sẽ được chuyển đến cho Việt Nam ngay trong vòng 24 giờ.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Niềm tin chiến lược Việt – Mỹ ngày càng được củng cố - Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Tổng thống Kamala Harris khai trương Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội. Ảnh: ĐSQ Mỹ

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Niềm tin chiến lược Việt – Mỹ ngày càng được củng cố - Ảnh 8.

Phó Tổng thống Mỹ tại lễ ký hợp đồng thuê đất xây dựng trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: ĐSQ Mỹ.

Về chống biến đổi khí hậu, hai bên nhận thức được tầm quan trọng của việc chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch. Hợp tác này sẽ hướng tới việc thúc đẩy khu vực tư nhân trong chương trình hành động khí hậu; mở rộng năng lượng sạch và xe điện tại Việt Nam; bảo vệ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy nông nghiệp khí hậu thông minh.

Hai bên cũng đạt được thoả thuận về hỗ trợ phát triển và tiếp cận thị trường, bao gồm cả việc thúc đẩy phụ nữ và các doanh nghiệp do người dân dân tộc thiểu số làm chủ; hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số. Phía Mỹ cũng mong muốn Việt Nam giảm thuế đối với các hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ.

Hai bên cam kết giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh, cùng vượt qua khó khăn để trở thành đối tác tin cậy. Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản 17,5 triệu USD để rà phá các vật liệu chưa nổ, đồng thời cam kết hỗ trợ cho người khuyết tật của Việt Nam.

Về hợp tác an ninh, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng thực thi pháp luật và an ninh hàng hải. Mỹ cam kết thực hiện Đối tác an ninh với Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập. Tiếp tục tăng cường qua hệ Đối tác với lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam, trong đó sẽ chuyển giao một tàu tuần duyên thứ ba cho Việt Nam. Mỹ cũng sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam trong việc ứng phó với các thảm hoạ và nhân đạo.

Trong chuyến thăm lần này, hai bên cũng đã kỹ được thoả thuận về việc cho Mỹ thuê lô đất ở quận Cầu Giấy để lập Đại sứ quán Mỹ mới với với chi phí xây dựng lên tới 1,2 tỷ USD. Ngược lại, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng chuẩn bị ký hợp đồng thuê đất tại thủ đô Washington D.C để làm trụ sở mới.

Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ tăng cường các quy tắc quốc tế về thăm dò không gian một cách hoà bình. Cả Mỹ và Việt Nam đều ủng hộ các nỗ lực nhằm đảm bảo các hoạt động không gian được tiến hành một cách có trách nhiệm và bền vững. Phía Mỹ cam kết hỗ trợ giáo dục đại học của Việt Nam thông qua một dự án kéo dài 5 năm trị giá 14,2 triệu USD để tăng cường giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới và quản trị trong ba trường đại học quốc gia lớn nhất của Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của Tiến sĩ.

Mỹ Hằng (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem