Dân Việt

Trung Quốc chi 7,69 tỷ USD nhập khẩu trái cây, mua của Việt Nam 1,3 tỷ USD

Khánh Nguyên 31/08/2021 14:43 GMT+7
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc chi 7,69 tỷ USD để nhập khẩu trái cây, trong đó mua từ Việt Nam 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu một số loại trái cây của Việt Nam sang thị trường này đang gặp khó khăn do các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.

Trung Quốc chi 1,3 tỷ USD mua trái cây của Việt Nam

Dẫn nguồn producereport. com, theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu thực phẩm, sản phẩm địa phương và phụ phẩm động vật Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu và nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong nửa đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 3,71 triệu tấn trái cây, trị giá 7,69 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Xuất khẩu trái cây của Trung Quốc đạt 1,43 triệu tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 15,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục là 10,26 tỷ USD vào năm 2020. 

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, trị giá nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đã bằng 75% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của năm 2020, dự kiến năm 2021 nhập khẩu trái cây của Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục mới.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây quan trọng của Việt Nam. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 265,4 triệu USD, tăng 19,1% so với tháng 7/2020.

Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường chính vẫn tăng trưởng khả quan. 

Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc dẫn đầu, đạt 1,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020; Tiếp theo là Mỹ đạt 134,3 triệu USD, tăng 49,3%; Hàn Quốc đạt 96,2 triệu USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 93,6 triệu USD, tăng 18,2%...

Trung Quốc chi 7,69 tỷ USD nhập khẩu trái cây, mua của Việt Nam 1,3 tỷ USD - Ảnh 1.

Thanh long là một trong những loại trái cây của Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, tuy nhiên, việc xuất khẩu đang gặp khó khăn do các biện pháp phòng dịch Covid-19. Ảnh: moit.gov.vn.

Trung Quốc "siết" kiểm soát nông sản, giá nhiều loại trái cây của Việt Nam giảm

Theo Tổ Công tác 3430 (Bộ NNPTNT), việc Trung Quốc "siết" kiểm soát nông sản nhập khẩu, thậm chí tạm dừng thông quan nông sản ở một số cửa khẩu để phòng chống dịch Covid-19 khiến xuất khẩu nông sản, nhất là một số loại trái cây đang vào vụ của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng dẫn đến tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp các tỉnh phía Bắc còn chậm so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá một số mặt hàng giảm.

Giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng (mức tăng từ 10-40% so với đầu năm 2021 tuỳ địa phương và đang có xu hướng tiếp tục tăng). Cụ thể, tại Lào Cai, giá bán rau xanh giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/kg và tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm.

Đáng chú ý, mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm tỉnh Lào Cai thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào tháng 9-11 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên khó khăn trong tiêu thụ. 

Dự kiến trong tháng 9/2021 thu hoạch 2.000 tấn cần tìm thị trường trong nước để tiêu thụ.

Đàm phán với Trung Quốc để lưu thông nông sản - Ảnh 1.

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu chuối tại cửa khẩu của Lào Cai khiến sản lượng chuối tồn đọng lớn. TRong ảnh: Nông dân huyện Mường Khương, Lào Cai chăm sóc chuối. Ảnh: Báo Lào Cai

Tại Lào Cai, mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm cần thu hoạch khoảng 17.500 tấn. Tại Lai Châu, sản lượng chuối tồn đọng hiện nay khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn.

Tương tự tại Lai Châu, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu dẫn đến sản lượng chuối tồn đọng hiện nay khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn.

Mặt hàng chè khô tồn kho khoảng 2.400 tấn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sơ chế chè. Việc tiêu thụ các mặt hàng thuỷ sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng còn hạn chế…

Đàm phán với Trung Quốc để tháo gỡ lưu thông nông sản

Trong báo cáo về một số vấn đề trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản, vật tự nông nghiệp các tỉnh phía Bắc và các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp gửi tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan ngày 30/8, Tổ công tác 3430 kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các cơ quan hữu quan Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất.

Đồng thời, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hoá; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp. 

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các đơn vị của Bộ NNPTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán với các bên Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản, tranh thủ tối đa nội dung hợp tác nông nghiệp trong cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp Ủy ban hợp tác liên Chính phủ tới đây.

Kiến nghị các chính sách mạnh mẽ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản để chế biến sâu; phối hợp với doanh nghiệp, HTX tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô. 

Thường xuyên cập nhật và thông báo tới các thương nhân quy định của phía Trung Quốc; hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng để có sự thích ứng kịp thời. 

Phối hợp với các địa phương có vùng trồng trọng điểm cũng như các địa phương biên giới để điều tiết hợp lý khi vào mùa vụ thu hoạch đưa lên các cửa khẩu. 

Đồng thời, thông báo tới các thương nhân chủ động phân loại, đóng gói, bao bì; phân định rõ chất lượng, chủng loại nông sản phù hợp với các điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian giao hàng hóa tại cửa khẩu.