Trung Quốc thay đổi quy trình giao nhận nông sản Việt Nam, doanh nghiệp được khuyên làm ngay việc này
Trung Quốc thay đổi quy trình giao nhận nông sản Việt Nam, doanh nghiệp được khuyên làm ngay việc này
P.V
Thứ bảy, ngày 21/08/2021 18:06 PM (GMT+7)
7 tháng năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 19,2% thị phần. Dù có đến 12/13 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu tăng, Bộ Công Thương vẫn lưu ý các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 7 tháng năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 19,2% thị phần.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của 12/13 nhóm mặt hàng nông sản đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,21 tỷ USD tăng 16,1%; gạo đạt 308,7 triệu USD, tăng 12,5%; hạt điều đạt 292,1 triệu USD tăng 85,3%; cà phê đạt 64,2 triệu USD tăng 58,1%; chè đạt 8,4 triệu USD tăng 59,0%; cao su đạt 793,7 triệu USD tăng 82,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 814,0 triệu USD tăng 27,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 566,1 triệu USD tăng 32,6%; thức ăn gia súc đạt 188,3 triệu USD tăng 124,3%; sản phẩm mây tre, cói, thảm đạt 4,8 triệu USD tăng 7,8%...
Đối với riêng mặt hàng rau quả, hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới, với trị giá nhập khẩu trong quý I/2021 đạt 5,27 tỷ USD, tăng 32,3% so với quý I/2020, chiếm 7,5% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả thế giới.
Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam chiếm 6,8% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc trong quý I/2021, giảm 2,4 điểm phần trăm so với quý I/2020.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bao gồm: Thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, thị trường Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng.
"Để xuất khẩu bền vững sang thị trường lớn này, cần đẩy mạnh xây dựng các mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn đối với hàng rau quả của Việt Nam" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Thời gian gần đây, để đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, phía Hải quan Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp thông quan hàng nông sản tại cửa khẩu.
Cụ thể, từ ngày 18/8/2021 phía Trung Quốc yêu cầu thay đổi quy trình giao nhận hàng qua Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) với lý do để nâng cấp công tác phòng chống dịch.
Những thay đổi cụ thể là tuyệt đối không cho lái và chủ hàng đưa xe hàng sang bên phía nước bạn và phải giao xe hàng để lái xe của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe họ đánh xe không (không còn hàng hóa) ra bãi trao trả.
Điều này sẽ phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như sẽ phát sinh một số rủi ro.
Trước những thay đổi này từ phía Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vừa ký Văn bản số 5067/BCT-XNK gửi các Hiệp hội sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam thông tin về tình hình xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Công văn nêu rõ, để tạo thuận lợi cho công tác thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch.
Thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch (mua bán theo hợp đồng; với người nhận và các điều kiện giao hàng rõ ràng; giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; quy cách hàng hóa và bao bì đáp ứng quy định của nước nhập khẩu) có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên.
Trường hợp vì lý do khách quan nên chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, đề nghị chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng (địa chỉ tiêu thụ rõ ràng).
Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.