Tranh thủ những ngày giãn cách rảnh rỗi, ngoài việc trồng rau ăn thông thường để cung cấp thực phẩm cho gia đình, chị em có thể tham khảo trồng thêm loại cây này để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà trong mùa dịch.
Dưới đây là một số loại cây thuốc dễ trồng và có thể dùng làm thực phẩm cho chị em tham khảo:
Không chỉ là một loại rau gia vị quen thuộc trên mâm cơm Việt, cây tía tô còn là thảo dược giúp trị nôn mửa, đầy bụng hoặc cảm lạnh. Giống cây này chứa nhiều vitamin A, vitamin C, giàu hàm lượng Fe, Ca và P… rất tốt cho phổi và phế quản. Ngoài ra, cành tía tô còn có công dụng chữa hen suyễn, chống nôn mửa, giảm đau.
Hẳn nhiều chị em đều biết, cây húng quế thường được dùng để trị các chứng như cảm sốt, nghẹt mũi, đầy bụng hoặc giảm đau. Chúng có tính nóng, vị cay nên còn có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu. Cây húng quế thường cho thu hoạch sau khi trồng khoảng 2 tháng, chị em tậu về là "lợi cả đôi đường" - vừa có rau gia vị, vừa có cây thuốc phòng bệnh trong nhà.
Đừng chỉ để lá lốt "quanh quẩn" trong nhà bếp, chị em có thể đưa loại rau gia vị này vào "tủ thuốc" nhà mình nữa đó.
Lá lốt có vị cay thơm, tính ấm, có thể điều trị các chứng nôn vì lạnh bụng, tiêu chảy, ngoài ra còn dùng được cho các trường hợp bị đau đầu, đau răng, đầy bụng. Đây cũng là loại cây dễ chăm, sau khi trồng khoảng 1 tháng là có thể thu hoạch.
Có lẽ ít ai biết rằng, loại rau gia vị quen mặt này còn là thảo dược cực kỳ hữu ích trong phòng và trị nhiều bệnh. Trong khi lá hẹ có thể chữa đau tức ngực, giải độc thì rễ hẹ có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng, ngứa rát trên người. Ngoài ra, hạt hẹ còn có tác dụng bổ thận.
Để trồng cây hẹ, chị em nên thường xuyên xới đất, vun gốc nhỏ bớt cỏ. Sau khoảng 2 tháng trồng, chị em có thể thu hoạch được lá hẹ.
Nhắc đến loại rau vừa để ăn vừa làm thuốc thì chắc chắn phải kể đến thì là. Chúng rất dễ trồng và mọc nhanh, chỉ sau khoảng 1 tháng là có thể thu hoạch. Ngoài ra, cây có thể cho thu hái quanh năm.
Cây thì là có nhiều công dụng hữu ích như tăng cường tiêu hóa, cải thiện hệ miễn dịch, lợi sữa và giảm hôi miệng. Tất cả các bộ phận của cây thì là như lá, thân, rễ củ và hạt đều có thể dùng làm thuốc, trong đó hạt là bộ phận được dùng làm thuốc phổ biến nhất. Chị em có thể dùng tươi hoặc phơi khô thì là để dùng dần.