Dân Việt

Sản phẩm bị thu hồi vì dư lượng Etylen oxit, Việt Nam có phải nước duy nhất?

Thanh Phong 03/09/2021 16:15 GMT+7
Theo thông tin từ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), đến hiện tại, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến việc sản phẩm nhập khẩu có dư lượng Etylen oxit (EO)

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc ở các quốc gia, kể cả sản xuất tại liên minh châu Âu (EU) đã bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất EO vượt giới hạn dư lượng cho phép theo quy định của EU.

Điển hình, cuối năm 2020, Vương quốc Bỉ đã thông báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) về việc dư lượng EO trong nhiều lô hạt vừng từ Ấn Độ vượt rất nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép của khu vực này là 0,05 mg/kg. Xuất phát từ vụ việc trên, nhiều quốc gia EU đã tăng cường kiểm tra dư lượng EO trong các sản phẩm thực phẩm.

"Tới thời điểm này, theo dữ liệu của RASFF, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28). Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao, v.v. Trong đó đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan", Vụ Khoa học và Công nghệ nêu thông tin.

Sản phẩm bị thu hồi vì dư lượng Etylen oxit, Việt Nam có phải nước duy nhất? - Ảnh 1.

Không chỉ Việt Nam, sản phẩm nhiều nước thậm chí nằm trong khối EU cũng có dư lượng EO. (Ảnh: Acecook)

Được biết, Etylen oxit (EO) hay còn gọi là oxiran là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô. Đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế v.v… nhằm diệt khuẩn Salmonella.

Theo hướng dẫn của FAO, khí EO có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm như hạt có vỏ, chà là và nho khô, sữa bột, ngũ cốc,… với liều lượng được cho phép.

Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU.

Hiện nay, các chức trách của EU đang tiếp tục thảo luận để tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư hợp chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng EO trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với cơ sở và ngưỡng giới hạn có sự chênh lệch lớn.