Dân Việt

Đẩy nhanh tiêm vaccine cho lao động ngành hàng "tỷ đô", khẩn trương đưa sản xuất trở lại bình thường

Minh Ngọc 04/09/2021 14:14 GMT+7
Năm 2021, ngành thủy sản phấn đấu đạt 8,6 triệu tấn, xuất khẩu 8,8 tỷ USD. Để đạt được được mục tiêu này trong 7 tháng đầu năm đã có đà tăng trưởng tương đối tốt. Tuy nhiên, sang đến tháng 8 và những ngày đầu tháng 9 ngành thủy sản đang phải đối đầu với những thách thức rất lớn.

Sáng 4/9, Bộ NNPTNT tổ chức họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cạnh dịch bệnh Covid-19. Tại các điểm cầu, có 17 doanh nghiệp; 8 Hội, Hiệp hội và 17 Sở NNPTNT các tỉnh tham dự. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đã có nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, Sở NNPTNT các địa phương nêu lên những khó khăn, thách thức đang gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với ngành thủy sản.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 70% các nhà máy phải ngừng sản xuất, 30% sản xuất theo 3 tại chỗ. Nhưng các nhà máy đang sản xuất thì công suất cũng chỉ được khoảng 20 - 40%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến:  - Ảnh 1.

Hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 70% các nhà máy phải ngừng sản xuất, 30% sản xuất theo 3 tại chỗ. Ảnh: TTXVN

Về hoạt động khai thác thủy sản, theo Tổng cục Thủy sản, 25 cảng cá dừng hoạt động trong tháng 8 (giảm 59.670 lượt tàu tương đương 334.000 tấn). Đến 1/9, 8 cảng được hoạt động trở lại. Hiện còn 17 cảng đang tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gãy. 

Giá sản phẩm thủy sản giảm 15 - 20% so cùng kỳ. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến:  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết tại cuộc họp 4/9, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương để khẩn trương có giải pháp thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản. Ảnh: Minh Ngọc

Trực tiếp lắng nghe những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, vấn đề đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động làm trong ngành thủy sản được Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Y tế rất quan tâm. Tuy nhiên, cần phải đẩy nhanh hơn nữa vấn đề này.

Về khâu vận chuyển đã được "khơi thông", tuy nhiên, theo ông Tiến đối với các tỉnh có sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn nhưng không có nhà máy chế biến hoặc nhà máy chế biến công suất thấp thì khi lưu thông, vận chuyển đi còn nhiều vướng mắc.

"Nếu giải quyết được khâu tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong ngành thủy sản thì chúng ta mới có thể đưa các nhà máy chế biến trở lại hoạt động để thu hoạch được sản lượng, từ đó đảm bảo cho xuất khẩu, cũng như chuẩn bị tốt cho vụ sau", Thứ trưởng Tiến khẳng định.

Ông Tiến cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp kiến nghị được giảm tiền tiêu thụ điện, đóng BHXH cho người lao động, tiền lương, lãi suất và tăng dư nợ để đảm bảo đủ điều kiện để thu mua, cũng như hoạt động chế biến cũng cần được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm, hỗ trợ.

Mặt khác, theo ông Tiến, để giải quyết số tồn đọng thủy sản dưới ao nuôi thì việc trước mắt phải làm, đó là, sớm giải quyết khâu tiêu thụ, xuất khẩu, tránh tình trạng tồn đọng ở kho.

Theo Thứ trưởng, trước đó, Bộ NNPTNT đã làm việc với Bộ Công thương, GTVT và các địa phương để trình Chính phủ tháo gỡ khó khăn nhưng tiến độ vẫn chưa đạt được như kỳ vọng và kịch bản đề ra.

Ông Tiến cũng cho biết, sau cuộc họp này, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương để khẩn trương có giải pháp thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản.

"Nuôi tôm phải mất 3 tháng. Nếu chúng ta không khẩn trương thì sẽ đánh mất cơ hội cho vụ tôm thu hoạch vào cuối năm. Và tổng sản lượng không đạt 4,75 triệu tấn thủy sản nuôi thì sẽ không đạt được mục tiêu 8,6 triệu tấn năm 2021 như Chính phủ đề ra mục tiêu kép", ông Tiến cho hay.

Tại cuộc họp, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp kiến nghị, cần tăng cường tổ chức thu mua, tích trữ các sản phẩm thủy sản để tránh giảm giá sâu ảnh hưởng đến tâm lý tái sản xuất của người dân.

Tiếp tục đồng hành cùng với các cơ quan chuyên môn và người dân tổ chức sản xuất theo chuỗi để ổn định sản xuất, cân đối cung-cầu sản phẩm và tăng cường chia sẻ thông tin thị trường, khó khăn vướng mắc với các cơ quan chuyên môn để cùng nhau tháo gỡ, giúp cho sản xuất ổn định và phát triển