Dân Việt

Ba vị "bạch y chiến tướng" nổi danh nhất lịch sử Trung Quốc

Lê Phương 08/09/2021 06:37 GMT+7
Trang phục trắng là một đặc điểm rất nổi bật trên chiến trường, chính vì vậy dễ trở thành mục tiêu của quân thù. Tuy nhiên trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, có ba vị tướng quân thường xuyên xuất hiện gắn liền với bộ quân phục “bạch y”, được người đời sau ca tụng.

Tiết Nhân Quý

Ba vị "bạch y chiến tướng" nổi danh nhất lịch sử Trung Quốc - Ảnh 1.

Tiết Nhân Quý cũng là chủ nhân của Phương Thiên họa kích. Ảnh: Sohu

Tiết Lễ (613-683), tự Nhân Quý, là một danh tướng thời nhà Đường, phục vụ qua 2 triều vua Đường Thái Tông và Đường Cao Tông.

Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã lập nhiều chiến công như viễn chinh Cao Câu Ly (645), đánh bại quân Khiết Đan (658), Tây chinh Hồi Hột (662),… cùng nhiều công trạng hiển hách khác.

Tiết Nhân Quý được lưu truyền trong nhiều giai thoại dân gian, được nhắc tới nhiều qua tạp kịch "Tiết Nhân Quý áo gấm về quê", hay tiểu thuyết Tiết Nhân Quý chinh Đông, Đường Tiết gia phủ truyện. Hình tượng thân mặc bạch giáp tay cầm Phương Thiên họa kích và cưỡi ngựa trắng gắn liền với Tiết Nhân Quý trong suốt cuộc đời viễn chinh giúp triều Đường đi đến thái bình qua nhiều thập kỉ.

Trần Khánh Chi

Ba vị "bạch y chiến tướng" nổi danh nhất lịch sử Trung Quốc - Ảnh 2.

Trần Khánh Chi tuy không tinh thông võ nghệ nhưng lại rất giỏi dụng binh và thu phục nhân tâm. Ảnh: Sohu

Trần Khánh Chi (484 – 539) là tướng lĩnh nhà Lương thời Nam Bắc triều.

Năm 529, ông đem theo chưa đến 1 vạn binh, nhận mệnh hộ tống Bắc Hải vương Nguyên Hạo của nhà Bắc Ngụy quay về Ngụy đô Lạc Dương, trong khoảng 140 ngày, đánh hạ 32 tòa thành, chiến thắng 47 trận, là kỳ công hiếm có trong lịch sử Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông còn lập được nhiều công trạng khác nhau, đến khi mất được phong tặng Tán kỵ thường thị, Tả vệ tướng quân, đặt thụy là Vũ.

Khánh Chi tính cẩn thận, mỗi khi đón chiếu, sắc, phải tắm gội rồi mới vái nhận. Ông sinh hoạt tiết kiệm, trong sạch, không mặc áo lụa, không ưa âm nhạc, khi ra trận thường mặc áo trắng nên được gọi là "bạch bào tướng quân". Tuy Khánh Chi bắn tên không thủng áo giáp, cưỡi ngựa cũng chẳng quen, nhưng ông khéo vỗ về tướng sĩ, khiến họ dốc sức chiến đấu đến chết, lại có năng lực trong việc bày binh bố trận, nhờ vậy mà dễ dàng giành được thắng lợi.

Trong tờ sắc khen ngợi Khánh Chi ở trận Qua Dương, thậm chí Vũ đế còn viết rằng: "Vốn chẳng nòi nhà tướng, lại chẳng con nhà quan, trông ngóng công danh, đạt được thế này. Khá nghĩ mưu kế hay, khéo giành kết quả tốt. Mở cửa son để đợi khách, viết tiếng tốt trên tre lụa. Há chẳng phải đại trượng phu ư!"

Triệu Tử Long

Ba vị "bạch y chiến tướng" nổi danh nhất lịch sử Trung Quốc - Ảnh 3.

Triệu Vân nổi tiếng với hình ảnh đột phát vòng vây quân Tào, cứu ấu chúa Lưu Thiện. Ảnh: Sohu

Triệu Vân (?- 229), tự Tử Long, là danh tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là công thần khai quốc nhà Thục Hán, là một vị tướng uy dũng, có mưu lược và tận trung vì nước, được binh sĩ Thục Hán ca ngợi là "Hổ uy tướng quân".

Triệu Vân thường xuất hiện với hình ảnh cưỡi ngựa trắng, mặc chiến bào trắng, bảo vệ Lưu Bị, khi ra trận ít khi thất bại, nên còn được gọi là "Thường thắng tướng quân". Chiến tích nổi bật nhất của Triệu Vân là từng 2 lần xông pha cứu được ấu chúa Lưu Thiện, vì tấm lòng tận trung nên ông luôn được triều đình Thục Hán tin tưởng. Chức vụ của ông tuy không cao bằng 4 tướng còn lại trong "Ngũ hổ tướng", nhưng ông lại có được vinh dự mà nhiều tướng lĩnh khác không có được, đó là được phong làm "Trung hộ quân". Đây là chức vụ thống lĩnh cấm quân bảo vệ nơi ở của nhà vua, chỉ có những tướng lĩnh vô cùng được tin tưởng mới được giao cho trọng trách này.

Người đời sau đánh giá rất cao tài năng và tấm lòng trung nghĩa của Triệu Tử Long. Thậm chí, Triệu Vân và Quan Vũ là 2 vị võ tướng duy nhất trong thời Tam quốc được vinh dự thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ những vị quan văn, võ được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại).