Dân Việt

“Soi” báo cáo tài chính đại gia phố núi tới “di sản” Trịnh Xuân Thanh

N.Minh 06/09/2021 12:26 GMT+7
Doanh nghiệp của đại gia phố núi như Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức hay Quốc Cường Gia Lai của mẹ Cường “đô la” hay "di sản" Trịnh Xuân Thanh - PVX bị kiểm toán "điểm tên" một số vấn đề, thậm chí là có nguy cơ đe dọa tới khả năng hoạt động liên tục trong mùa soát xét Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021.

Quan sát báo cáo bán niên sau soát xét cho thấy, kiểm toán viên của các công ty kiểm toán đưa thêm hàng loạt vấn đề ngoại trừ, nhấn mạnh trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp của các đại gia phố núi lộ diện nhiều vấn đề trong báo cáo tài chính bán niên

Đơn cử như doanh nghiệp của đại gia phố núi bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức), bị kiểm toán nhấn mạnh về vi phạm cam kết vay vốn và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Cụ thể, vào ngày 30/6/2021 và vào ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất bán niên (ngày 27/8), diện tích trồng cây cao su và cọ dừa thực tế đang thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Đây là khoản vay tại BIDV (hình thức trái phiếu) dư nợ 5.876 tỷ đồng, với mục đích bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của HAGL. Ngày đáo hạn là 30/12/2026.

“Soi” BCTC đại gia phố núi tới “di sản” Trịnh Xuân Thanh: Loạt vấn đề lộ diện, kiểm toán "bó tay"  - Ảnh 1.

Hoàng Anh Gia Lai của đại gia phố núi bầu Đức vi phạm cam kết trong hợp đồng vay với BIDV. (Nguồn: BCTC)

Cũng tại ngày này, HAGL của bầu Đức chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đến hạn tại ngày 30/6/2021 với tổng giá trị là 1.483 tỷ đồng.

Ngoài ra, tập đoàn cũng vi phạm trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng Eximbank gần 678 tỷ khi tại ngày 30/6, HAGL đã thanh lý toàn bộ số bò theo đó không đảm bảo số bò theo quy định hợp đồng.

Kiểm toán viên tại Công Ty Ernst & Young cho rằng, những nhấn mạnh này cùng với khoản lỗ lũy kế 7.371 tỷ đồng cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai.

“Soi” BCTC đại gia phố núi tới “di sản” Trịnh Xuân Thanh: Loạt vấn đề lộ diện, kiểm toán "bó tay"  - Ảnh 2.

Các đại gia phố núi bầu Đức và mẹ doanh nhân Cường "đô la". (Ảnh: QD)

Dù không bị kiểm toán viên đưa vào diện nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục song, Quốc Cường Gia Lai – doanh nghiệp do mẹ doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) làm Chủ tịch HĐQT cũng bị kiểm toán nhấn mạnh về khoản nợ 2.900 tỷ đồng với Sunny Island liên quan dự án Phước Kiển của Quốc Cường Gia Lai.

Được biết, trong giai đoạn 2017-2018, QCG đã được đối tác muốn mua dự án Phước Kiển là Sunny Island ứng khoản tiền 50 triệu USD. Đến đầu năm 2021, QCG quyết định khởi kiện đối tác đến từ Hồng Kông liên quan đến tranh chấp hợp đồng tại dự án này ra VIAC và đã được thụ lý.

QCG cho biết đây là khoản tiền công ty nhận từ đối tác từ nhiều năm trước nhưng chưa thể triển khai dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, Tp.HCM) do các thủ tục pháp lý thay đổi.

Hiện, QCG đang yêu cầu Sunny Island hoàn trả toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ đền bù nhận tại BIDV, toàn bộ hồ sơ đền bù đang nắm giữ.

Ngoài các đại gia phố núi, ITA của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến, Thép Pomina của Chủ tịch Đỗ Xuân Chiểu, CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC),… cũng được kiểm toán "điểm tên" hàng loạt vấn đề ngoại trừ, khiến kiểm toán "bối rối".

Kiểm toán "bó tay" từ chối đưa ra kết luận với "di sản" Trịnh Xuân Thanh

Thậm chí, trường hợp của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã: PVX), kiểm toán còn "bó tay" từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính soát xét hợp nhất giữa niên độ của PVX do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp cho loạt vấn đề.

Thứ nhất, PVX có lỗ lũy kế đến 30/6 lên đến gần 3.985 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 865 tỷ đồng. PVX đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán của PVX chủ yếu bao gồm số dư gốc vay khoảng 642 tỷ đồng. Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của PVX.

Khả năng hoạt động liên tục của PVX phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cơ cấu các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và chủ nợ.

Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu báo cáo tài chính hợp nhất này được lập với giả định PVX sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không.

“Soi” BCTC đại gia phố núi tới “di sản” Trịnh Xuân Thanh: Loạt vấn đề lộ diện, kiểm toán "bó tay"  - Ảnh 4.

Vũng lầy thua lỗ tại PVX được cho là "di sản" mà Trịnh Xuân Thanh để lại .(Ảnh: Dantri)

Thứ hai, trong tháng 5, PVX không còn nắm giữ quyền kiểm soát tại công ty con là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) thông qua quyền chi phối các chính sách và hoạt động của Petroland, và khoản đầu tư vào đơn vị này được phân loại thành khoản đầu tư vào công ty liên kết. Trong khi đó, báo cáo tài chính của Petroland chưa được kiểm toán và công ty cũng chưa xử lý các vấn đề kiểm toán viên ngoại trừ tại báo cáo tài chính năm 2019 và 2020.

Thứ ba, các công ty con của PVX gồm CTCP Phát triển Đô thị Dầu khí, CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình, CTCP Xây dựng Dầu khí Bình Sơn được hợp nhất với tổng tài sản khoảng 876 tỷ đồng, nợ phải trả 551 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các số liệu báo cáo tài chính của các công ty này.

Tương tự, PVX có số dư khoản cho CTCP Khách sạn Lam Kinh vay để hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 200 tỷ đồng và số dư dự phòng trích lập cho khoản phải thu này là 124 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng thích hợp liên quan đến giá trị có thể thu hồi của khoản phải thu về cho vay này.

Năm là, PVX có số dư hàng hóa bất động sản của CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình gồm công trình chung cư dự án Khách sạn Dầu khí Thái Bình với giá trị ghi sổ hơn 36 tỷ đồng. PVX chưa đánh giá được sự suy giảm giá trị cũng như chưa ước tính giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho này.

Bên cạnh đó, số dư hàng tồn kho của công ty con là CTCP Dầu khí Đông Đô bao gồm công trình Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Chung cư Trần Anh - Long An và thi công nhà đa năng quận 1 với tổng giá trị thi công dở dang là 64 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến giá trị thuần có thể thực hiện được của các công trình thi công dở dang này.

Số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang bao gồm các dự án đã tạm ngưng thi công từ các năm trước là dự án Khu đô thị Đại học Dầu khí và dự án Khu công nghiệp Dầu khí Tiền Giang với số tiền gần 6 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng thích hợp liên quan đến khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai của các dự án này.

Ngoài ra, PVX có một số khoản góp vốn vào đơn vị khác với tổng giá trị ghi sổ và tổng giá trị dự phòng cho các khoản đầu tư này lần lượt là 50 tỷ đồng và 18 tỷ đồng. PVX chưa đánh giá được hết sự suy giảm giá trị của các khoản đầu tư này.

Cuối cùng là số dư khoản đầu tư góp vốn của CTCP Dầu khí Đông Đô vào dự án Tổ hợp nhà ở kết hợp dịch vụ siêu thị và văn phòng làm việc tại số 28 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội (dự án Dolphin Plaza) là khoảng 37 tỷ đồng.

Kiểm toán cũng không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng thích hợp để đánh giá liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này hay không do dự án Dolphin Plaza chưa bán được hết các căn hộ và chưa được quyết toán để phân chia kết quả đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký kết...