Một bộ phận khi đến đây, đã bị lưu manh hóa, trở thành những đối tượng phạm pháp, mưu sinh bằng những công việc vong mạng, đối xử với nhau bằng "nghĩa khí", giải quyết tranh chấp bằng "luật giang hồ".
Xét về mức độ, dạng tầm thường – xoàng xĩnh nhất là hạng "đá cá lăn dưa". Thường đi 2-3 tên, len lỏi trong chợ, bắt nẹt mấy tiểu thương chết nhát. Thường canh me những hàng bán cá, con cá nào quẫy đuôi phóng ra khỏi chỗ đựng là một tên đá bay đi, để tên khác lượm mất rồi cả bọn bỏ chạy. Đấy gọi là "đá cá". Hoặc vào mấy hàng rau dưa củ quả, vờ vịt chọn hàng rồi "lăn mấy quả dưa" qua háng cho đồng bọn ngoài sau gom lấy. Đây gọi là "lăn dưa".
Bọn này thường bị xếp vào hàng tiểu nhân, giỏi ăn hiếp kẻ yếu, sợ kẻ mạnh. Chỉ cần một bà chủ sạp nào điêu ngoa một chút, chửi lên đầu lên cổ là co vòi ngay. Gặp đại ca thứ thiệt là chạy mất dép như chó gặp cọp.
Dạng tiếp theo, gọi là "dân chơi". Chữ "dân chơi" ngày xưa có khác với ngày nay. "Dân chơi" theo nghĩa hiện tại, đa phần chỉ những thành phần ăn không ngồi rồi, ăn chơi đàn đúm, phá làng phá xóm. Còn "dân chơi" ngày xưa, đã là thành phần anh chị rồi đấy.
Và muốn là "dân chơi" thì phải "điệu nghệ", tức là có năng lực hành xử phải dễ coi, biết đối nhân xử thế, biết thị phi phải trái, không làm những chuyện hèn mạt như đá cá lăn dưa. Tất nhiên những chuyện như "đối nhân xử thế", "thị phi phải trái" đều theo tiêu chuẩn của giới lưu manh, không được pháp luật chấp nhận.
Một trong những hỗn danh nổi tiếng nhất Sài Gòn đó là "dân chơi cầu Ba Cẳng". Theo các tư liệu kể lại, "ở vùng quận 6 Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt hình dạng rất lạ với ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Chà Và, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mà đặt tên, tức cầu Ba Cẳng".
Cây cầu này chẳng có mấy quan trọng, nhưng nó đã trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn xưa, với cái hỗn danh được đặt cho là "Dân chơi cầu Ba Cẳng".
Vậy "dân chơi cầu Ba Cẳng" là sao? Thực ra, cái tên này, xuất hiện là nhờ vào những truyện sáng tác theo kiểu tiểu thuyết ba xu ngày xưa, có tên là "dân chơi cầu Ba Cẳng". Giống như trước đây làm gì có chuyện tướng cướp Bạch Hải Đường, chuyện do mấy ông văn nghệ chế ra cả. Bà con Sài Gòn nghe cái tên "dân chơi cầu Ba Cẳng" thấy tếu tếu, ngộ nghĩnh, bèn nói riết. Nói riết thành thành ngữ luôn.
Người Sài Gòn khi dùng cụm từ này là để ám chỉ một phần những kẻ có kiểu chơi hợm hĩnh, không đàng hoàng, không điệu nghệ, không đủ đẳng cấp. Có một cái từ khá đặc trưng để chỉ loại này đó là "láo cá chó".
Đại khái là "dân chơi cầu Ba Cẳng" không phong độ và oai hùng như dân chơi Sài Gòn thứ thiệt. Giống như bảo rằng tụi bây là dân chơi trong cầu Ba Cẳng, trong hóc bà tó, không ai biết, không dám ra Sài Gòn xưng hung, xưng bá.
Vậy dân chơi Sài Gòn là gì? Đã ra Sài Gòn rồi, phải bỏ cái mác dân chơi đi, gọi là giang hồ hoặc du côn mới oách. Giang hồ ai cũng rõ nghĩa. Du côn nghĩa là "du đãng cầm côn", bởi bọn này ngày xưa khoái cầm côn nhị khúc do nhiễm phim Hồng Kông Lý Tiểu Long. Giờ ai cũng hiểu du đãng hay du côn là một.
Hầu như ở Sài Gòn ai cũng từng nghe qua câu nói "Ăn quận năm, nằm quận ba, la cà quận nhứt, cướp giựt quận tư". Dù có nhiều dị bản khác nhau, nhưng cái vế "cướp giựt quận tư" là không bao giờ thay đổi. Vậy tại sao quận tư ngầu vậy? Bởi quận tư là vùng đất cảng, vùng cảng luôn luôn phức tạp, đầy sóng gió.
Nơi đây đón tiếp đủ loại người từ mọi nơi đến. Những công ăn chuyện làm rất cần được "đảm bảo an ninh" từ giới anh chị như khuân vác, thồ hàng, ăn nhậu, bán xì ke, hoặc mấy em mắt xanh, mỏ đỏ... Thành thử đây là môi trường thích hợp để giang hồ ngổ ngáo tìm đất sống: bảo kê trấn lột, sòng bạc thu xâu, tranh giành lãnh địa...
Một vùng đất cảng khác, cũng nổi tiếng là miền đất dữ đó là Hải Phòng. Nên quận tư có trở thành "đất dụng võ" cho giới anh chị cũng không có gì lạ. Một trong những bí quyết dành cho khách vãng lai mỗi khi đi ngang quận tư đó là "đi nhẹ - nói khẽ và cười duyên". Bởi đi ngang mà nhằm một vụ tranh giành lãnh địa hoặc thanh toán ẩu đả đang diễn ra thì họng nào cãi cho lại họng súng, lưỡi nào cãi cho bằng lưỡi dao?
Thôi thì đâu cũng có mặt trái, Sài Gòn cũng thế. Không ai muốn bản thân phải trở thành vậy cả, xét cho cùng họ cũng bị cuộc đời xô đẩy nên phải sống bằng cách bươn chải trên đường dao mũi kiếm. Sài Gòn vốn bao dung, chắc chắn những mảng tối sẽ dần mờ đi, nhường chỗ cho ánh sáng văn minh, tiến bộ soi sáng những góc khuất trong cái đô thị hào sảng này.