Về Củ Chi chui địa đạo, thưởng thức món đặc sản bò tơ
Hoàng Ba Đình
Chủ nhật, ngày 05/09/2021 14:00 PM (GMT+7)
Qua những ngày với đô thị đông đúc, nhịp sống hối hả... chắc chắn cần lắm một nơi để có thể tìm về với thiên nhiên, với cây trái, với thôn quê Nam Bộ, bến nước con đò, thưởng thức những món đặc sản chân chất.
Thật sự, ở Sài Gòn hơi khó tìm, có thì cũng là giả đò thôi, không thật. Bởi đô thị này đã vươn mình thành đô thị tầm thế giới, nếp quê phải nép mình lại nhường chỗ cho bộ mặt hào nhoáng, nét Nam Bộ vốn có phải thay đổi với nét hội nhập quốc tế. Và với Củ Chi, nét quê ngự trị vẫn còn đủ để cho người yêu thích thiên nhiên có những trải nghiệm cần thiết.
Đi từ trung tâm Sài Gòn, hành trình về Củ Chi, nếu chú ý ngắm cảnh ven đường, sẽ như một đoạn phim với những chuyển cảnh đột ngột. Từ đô thành đông đúc, chuyển dần đến khu vực không gian thoáng đãng sát sân bay (khu vực quận Tân Bình), qua cầu Tham Lương là đầu mối giao thông quan trọng ngã tư An Sương – xa lộ Đại Hàn với xe khách, xe tải, xe buýt nhiều như mắc cửi. Hết vùng Hóc Môn xưa (quận 12 và huyện Hóc Môn) là vào đến Củ Chi.
Đến đây, thì nét quê rõ rồi. Nhưng nét ở đây có vẻ khác với Cần Giờ hay Bình Chánh. Cần Giờ rõ ràng là nét quê vùng biển. Bình Chánh là quê không quê hẳn, chợ không chợ hẳn, đặc thù cho giai đoạn đô thị hóa chuyển mình cao độ.
Có ai từng xuôi về các tỉnh bờ xôi ruộng mật như Tiền Giang, Vĩnh Long, cũng thấy rõ Củ Chi không trù phú, không cây trái sum xuê bằng. Bởi địa hình huyện Củ Chi nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Tây Nam Bộ và miền sụt Đông Nam Bộ, với độ cao giảm dần theo 2 hướng Tây Bắc - Đông Nam và Đông Bắc - Tây Nam. Tức là không thể màu mỡ như Tây Nam Bộ, nhưng cũng không khắc nghiệt như những vùng khác ở Đông Nam Bộ như một số vùng ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.
Cũng nên giải thích sơ về tên gọi Củ Chi. Củ Chi cũng như Nam Bộ nói chung, là vùng đất mới với những lưu dân khắp nơi. Cho nên, tên gọi cũng hết sức "tự nhiên chủ nghĩa" là thấy mặt, đặt tên. Bởi Củ Chi có một số loại củ quả khá lạ với lưu dân người Việt như củ mì hay quả sa la... Thành thử, người dân đến đây, thấy gì hỏi đấy, hỏi rằng là "củ chi?", lâu dần thành quen, từ câu hỏi thành tên địa danh luôn. Qua đó cho ta thấy phần nào gốc gác của người dân xứ này, đó là từ miền ngoài di cư vào nên mới hỏi "củ chi", chứ nếu là người Nam rặt thì sẽ hỏi là "củ gì" rồi.
Đến nơi này, đây là chiến trường xưa, chắc chắn không thể thiếu những trải nghiệm để cùng nhau mường tượng về một thời khói lửa. Tốt hơn hết, hãy thay những bộ quần áo hiện đại hoặc vướng víu ra, mặc cho mình những bộ quần áo giản tiện, mua luôn một cái mũ tai bèo cho đồng bộ với những người dân quân Củ Chi ngày xưa. Nai nịt sẵn sàng, ta cùng nhau về lại nơi xuất phát của những đoàn quân đến từ lòng đất.
Sẽ có những chuyến chui địa đạo, xem bếp Hoàng Cầm, thăm lại nơi sinh hoạt của những chiến sĩ xưa, ăn khoai mì chấm muối vừng. Thỉnh thoảng có những đoàn du khách nước ngoài, nhìn mấy ông Tây bà đầm to tướng, xoay xở mãi mới chui vào những cái hầm bé xíu. Ngày nay họ chui vào là để trải nghiệm, là phải tốn tiền mới được chui; chứ ngày trước đấy là nỗi kinh hoàng của quân thù, bố bảo không dám, chui vào đấy có khi "ngủ" lại luôn cũng không chừng.
Còn những đoàn khách Việt, có khi là cựu chiến binh, ôi thôi, nhiều bác từng chiến đấu nơi đây, mỗi lần về lại là mỗi lần ngập tràn nước mắt nhớ đồng đội xưa. Ngoài ra, còn có trải nghiệm được bắn đạn thật với các loại súng từng sử dụng trong chiến tranh. Dĩ nhiên có thu tiền và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trải một ngày đường, tham quan đâu đó để nhớ người xưa đã đủ. Tiếp theo cũng hấp dẫn không kém, đó là ẩm thực. Sài Gòn đô hội không thiếu món ngon, Củ Chi "tuổi" gì?
Nhưng xin thưa, đồ ăn Sài Gòn phong phú thật, ngon thật, nhưng rất ít món nội sinh. Có nhiều người bảo phở Sài Gòn ngon hơn phở Hà Nội, bún bò Huế ở Sài Gòn ngon hơn ở Huế, bánh mì Sài Gòn ngon hơn bánh mì bên Pháp... Nhưng đấy đều là những món ăn đã du nhập vào Sài Gòn bằng những con đường và vào những thời điểm khác nhau. Còn món ăn nội sinh, chỉ vài ba món.
Và Củ Chi có một món trứ danh, đó là bò tơ. Bò tơ nơi đây khác với các món bò khác, hoặc món bê thui. Bò bán ở chợ là bò trưởng thành, bê là bò còn non – kiểu như bò sơ sinh ấy, còn bò tơ là giai đoạn bò vừa mới "dậy thì", tạm hiểu là vậy. Thành thử ăn bò tơ, vừa có hương vị của bê, vừa có chất của bò. Kèm với nước chấm gia truyền thơm ngất, với những loại rau đặc trưng Củ Chi - Tây Ninh như lá cóc, lá quế vị, lá xoài... sẽ làm hài lòng những người khó tính nhất. Một buổi trưa như thế, nhẩn nha đến tầm 3h chiều, khởi hành về lại trung tâm hẳn vừa vặn.
Còn một điểm nữa, mà nhiều người đến giờ vẫn còn thắc mắc. Đó là sao Củ Chi bị đánh phá liên tục và ác liệt thế, sao dân và quân Củ Chi không dời đi để tránh mũi công kích, tội gì phải ở lại để chịu mưa bom bão đạn?
Xưa nay cha ông ta đều bảo rằng chỗ nào địch đánh quá thì ta cứ né, có sao đâu? Xin thưa, vì Củ Chi có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng: nằm bên bờ sông Sài Gòn với bên kia bờ là vùng sông Bé nối với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ; nằm trên con đường huyết mạch nối 2 đô thị quan trọng của Đông Dương là Sài Gòn và Phnom Penh. Nên giá nào cũng phải giữ để duy trì những con đường chiến lược quan trọng.
Vai trò của vùng đất này thể hiện cao độ nhất khi là nơi tập kết của quân đoàn 3 trước khi tiến vào Sài Gòn trong mùa xuân lịch sử 1975. Đến đây, vai trò quân sự của Củ Chi cũng chấm dứt.
Những người con từ lòng đất ra đi chiến đấu, nay từ lòng đất lại chui lên khiến đất nở hoa với đồng ruộng dạt dào, rừng cây cao su tươi tốt, những đàn bò thịt, bò sữa nhởn nhơ gặm cỏ, và những đoàn du khách vẫn nườm nượp đến Củ Chi để nghe về sự tích anh hùng của dân và quân nơi đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.