Gia Cát Lượng nổi tiếng là một quân sư kiệt xuất có khả năng "liệu việc như thần", một nhà ngoại giao cự phách và cũng là một nhà phát minh tài năng thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Còn Lưu Bị là một nhà chính trị-quân sự, thủ lĩnh quân phiệt, người sáng lập nên Thục Hán. Trong mắt hậu thế, sau khi Gia Cát Lượng đồng ý về bên Lưu Bị làm quân sư, hai người thân thiết và gắn bó như cá với nước. Lưu Bị và Gia Cát Lượng trở thành hình mẫu chuẩn trong quan hệ quân – thần.
Vậy điều gì đã khiến Gia Cát Lượng trung thành, tận hiến cho Lưu Bị suốt đời như thế? Theo 163 News, đó là vì Lưu Bị là một cao thủ đánh đòn tâm lý, không chỉ thu phục được Gia Cát Lượng mà còn khiến cho Ngọa Long không thể nào có "tâm tư" khác.
Đầu tiên, Lưu Bị dùng chân tình cảm hóa, khiến Gia Cát Lượng đồng ý "xuất núi" phò tá cho ông. Có lẽ người Trung Quốc nào cũng biết đến câu chuyện "3 lần hạ cố đến lều tranh" của Lưu Bị để mời cho bằng được Gia Cát Lượng về làm quân sư cho mình.
Sau khi nhận được sự đồng ý của Gia Cát Lượng, Lưu Bị thậm chí ví mình với Khổng Minh “như cá gặp nước”. Từ cổ chí kim, các bậc quân vương khi chiêu mộ được nhân tài chỉ thường ví mình như “hổ thêm cánh”, “rồng gặp mây” chứ chưa thấy ai so sánh mình "lụy" thần tử như Lưu Bị vậy. "Cá gặp nước" là gì? Là Lưu Bị nhất định phải có được Gia Cát Lượng thì mới làm nên đại nghiệp. Chiêu bài tâm lý của Lưu Bị chính là nâng tầm quan trọng của Gia Cát Lượng lên hết mức. Được bậc quân vương coi trọng đến như vậy, ai mà không cảm động mà nguyện trung thành, tận tụy đến chết?
Chưa hết, Lưu Bị cuối đời lại tiếp tục "xuất chiêu" thêm 1 lần nữa nhằm bóp nghẹt "dã tâm" (nếu có) của Gia Cát Lượng, khiến Ngọa Long phải tận trung với con trai ông là Lưu Thiện.
Theo đó, sau khi Lưu Bị phát binh đánh Đông Ngô trả thù cho Quan Vũ và đại bại trong trận Di Lăng, ông phải chạy về thành Bạch Đế. Tại đây, Lưu Bị nghĩ về thất bại của mình, lại thêm chưa rửa được hận nên đau buồn, uất ức dẫn đến ốm nặng.
Biết mình khó qua khỏi, Lưu Bị đã vội vã triệu Gia Cát Lượng đến thành Bạch Đế để dặn dò chuyện hậu sự. Sau khi vua tôi hàn huyên hồi lâu, Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng: “Nếu có thể phò tá được con trẫm thì hãy phò tá, nhược bằng nó bất tài, thừa tướng hãy thay nó”.
Khi Gia Cát Lượng còn chưa kịp định thần, Lưu Bị đã kéo tay con trai nói tiếp: "Sau khi ta chết, con phải chăm sóc phụng dưỡng thừa tướng như ta".
Nhiều người cho rằng, toàn bộ cuộc đối thoại trước khi Lưu Bị lúc lâm chung giống như một ván bài chính trị mà người chơi chính là Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Còn tiền cược là toàn bộ cơ đồ nhà Thục Hán. Tuy nhiên, Lưu Bị lại là người thất thế trong ván bài này. Nếu đánh cược, nhiều người có lẽ sẽ tin rằng sau khi Lưu Bị chết, thiên hạ của họ Lưu sẽ biến thành giang sơn nhà Gia Cát.
Nhưng thực ra, điều quan trọng là Lưu Bị hiểu rằng, một người trọng danh dự hơn cả tính mạng như Gia Cát Lượng sẽ ít dám làm ra chuyện "thay vua đổi chủ"
Vậy vì sao Lưu Bị phải nói vậy? Bởi ông biết rằng, người có đủ tài năng nhất để "thay thế" con trai mình trong triều đình Thục Hán là Gia Cát Lượng. Câu nói của Lưu Bị vừa là để thăm dò thái độ của Gia Cát Lượng, vừa là để thông báo rằng, ông thừa hiểu dã tâm của Gia Cát Lượng. Có thể nói rằng, Lưu Bị nói về việc Gia Cát Lượng có thể thay thế con trai mình thực tế là đòn tâm lý cuối cùng của Lưu Bị để dập tắt mọi dã tâm nếu có của Gia Cát Lượng, để đảm bảo giang sơn nhà Thục Hán sẽ chắc chắn không rơi vào tay nhà Gia Cát. Điều đó đủ thấy Lưu Bị là cao thủ dùng đòn tâm lý. Và thực tế chứng minh Lưu Bị đã thành công.
Gia Cát Lượng cuối cùng không chỉ một lòng trung thànhvới Lưu Thiện mà còn cúc cung tận tụy, cho tới chết vẫn làm một vị thừa tướng mẫn cán, để lại tiếng thơm cho muôn đời sau.