Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM - cho biết hết sức khó khăn trong việc triển khai năm học mới. Cụ thể, TP.HCM đã không có tựu trường, khai giảng, khởi đầu năm học đều trên môi trường internet. Trước những thực tế này, Sở GDĐT TP.HCM đã tham mưu UBND ban hành kế hoạch năm học 2021-2022, trong đó, xác định học trên internet hết học kỳ I. Riêng bậc mầm non, do đặc thù, khi nào kiểm soát được dịch mới có thể đưa học sinh quay trở lại trường.
Ở bậc phổ thông chia làm 2 chặng: Cấp THCS-THPT sẽ bắt đầu năm học ngày 6/9 thực hiện theo khung thời gian của Bộ GDĐT, ngoài ra còn học thêm qua truyền hình, học trên internet.
"Còn ở bậc tiểu học, do lớp 1 chọn sách mới, lớp 2 chọn lại nên dạy hai lớp này khó khăn. Chính vì khó khăn nên hiện nay Sở GDĐT TP.HCM phối hợp ghi hình các tiết dạy với Đài truyền hình, thầy cô được hướng dẫn sinh hoạt với phụ huynh vì ở bậc tiểu học vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Đối với các em không có điều kiện học tập thì Sở rà soát, hỗ trợ kịp thời, có các giải pháp như vận động thiết bị điện tử, làm việc với các đơn vị cung ứng… Nếu với những học sinh khó khăn hơn nữa thì chúng tôi xây dựng mạng lưới giáo viên tình nguyện để tổ chức các lớp học từ xa, cứ định kỳ thì 1 tuần, 2 tuần sẽ có trao đổi với phụ huynh để việc học hiệu quả.
Đối với lớp 1 học trực tuyến thế nào là một câu hỏi khó, nên ngay từ đầu, chúng tôi cho rằng, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, giáo viên rất quan trọng như tạo một không gian học tập và đồng hành cùng con. Trong 2 tuần đầu tiên, giáo viên sẽ chiếu các clip để hướng dẫn phụ huynh, chẳng hạn như cách đọc, cách viết trên giấy ô ly. Chúng tôi cũng chủ trương tập trung, tinh gọn kiến thức, tập trung 2 môn Toán, tiếng Việt.
Mục tiêu đánh giá ở lớp 1 theo từng chặng, chẳng hạn học viết thì biết viết, học đọc biết đọc… đặt ra mục tiêu cơ bản nhất để học sinh không áp lực. Thực tế, lâu nay chúng ta cứ nghĩ học sinh học lớp 1 thì giáo viên phải cầm tay nhưng hiện nay các hướng dẫn trên clip rất cụ thể, như cách cầm bút thế nào, đường nét ra sao… rất dễ hiểu, phụ huynh cũng có thể giúp con được", ông Hiếu cho biết.
Về việc nhiều gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, điều kiện sống vô cùng khó khăn, không thể sắm thiết bị máy móc, đường truyền cho con học trực tuyến, ông Hiếu cho biết: "Theo số liệu, TP.HCM hiện nay có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học tập trên internet. Tuy nhiên, đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp… Thực tế, còn khoảng 51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến, trong đó có khó khăn về đường truyền khi học trên internet.
Hiện nay, ngoài chỉ đạo của Sở, các trường cũng thực hiện các giải pháp như vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp… Sắp tới, Sở sẽ xin UBND TP chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp chẳng hạn như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và các em học sinh. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là dù phụ huynh có tiền cũng không mua được bởi việc đi lại khó khăn nên dù máy hư, máy cũ, ngay cả giáo viên không thể đi sửa được. Đối với trường hợp những học sinh vẫn không thể học trên internet, chúng tôi xây dựng phiếu học tập, ban đầu thầy cô sẽ giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại giáo viên để thầy cô biết được các em đang học ở mức độ nào.
Sở cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cho những đối tượng học sinh này làm sao để các em vẫn có thể tiếp cận được việc học một cách thuận lợi nhất. Đối với những học sinh đang kẹt ở các tỉnh thì trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT TP.HCM đều đã làm việc với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các em.