Ngày đầu học online: Ghi nhận nhiều sự cố, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học

Tào Nga Thứ hai, ngày 06/09/2021 19:31 PM (GMT+7)
Trong ngày đầu tiên triển khai học online năm học mới 2021-2022, nhiều sự cố xảy ra khiến cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh dở khóc, dở cười,...
Bình luận 0

Phụ huynh và học sinh nháo nhác

Hôm nay (6/9), học sinh Hà Nội chính thức bước vào năm học mới 2021-2022 bằng hình thức học trực tuyến. Do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Hà Nội đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên đây là phương án tối ưu đối với nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, trong ngày đầu học online cũng ghi nhận nhiều sự cố xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. 

Chị Nguyễn Phương Hoa, quận Đống Đa, Hà Nội, có con năm nay vào lớp 3 chia sẻ: "Do mình đi làm nên để con ở nhà tự học online. Thế nhưng một buổi học của con tôi phải nhận hơn chục cuộc gọi vì cô giáo phản ánh con không đăng nhập được".

Ngày đầu học online náo động: Cô giáo bất lực, học sinh đi vệ sinh 3 lần/giờ, phụ huynh quát ầm ĩ - Ảnh 1.

Một học sinh lớp 1 ở Hà Nội học online. Ảnh: NVCC

 Rơi vào tình huống "vừa khóc vừa cười", chị Lương Thanh Nga, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: "Con tôi mới vào lớp 1 và nhà trường xếp lịch học rất phù hợp vào buổi tối. Nhưng câu chuyện không nằm ở trường mà ở con. Trong vòng 1 giờ học bài mà con xin phép đi vệ sinh đến 3 lần. Hỏi ra mới biết lớp đông nên cô không gọi con, con ngồi buồn lại muốn đi... vệ sinh".

Giáo viên cũng bất lực

Cô Vũ Hồng, giáo viên lớp 4, Trường Tiểu học Thanh Liệt chia sẻ: "Hôm nay tôi bước vào buổi dạy học online với tâm trạng vô cùng tâm huyết và hứng khởi. Vì là môn mới nên tôi đã dành bao nhiêu công sức chuẩn bị bài giảng để dạy cho học sinh. Thế nhưng buổi học từ 8-10h30 bị thoát ra liên tục do đường truyền không ổn định khiến cô thực sự bất lực không biết phải làm gì hơn. Học sinh thì rất thương, không vào được lớp học nên nháo nhác hết cả. Có em vừa đăng nhập được thì tôi đã nghe thấy bố đứng quát "Mày học hay làm gì đấy?". 

Cô Hồng chia sẻ, do học sinh của cô đã có 2 năm học online nên về cơ bản đã quen cách học. Bản thân cô cũng áp dụng các phần mềm khác hỗ trợ cho việc nộp bài của học sinh và cô giáo không còn phải "căng mắt" chấm điểm qua zalo. Việc kiểm soát bài cũng tốt hơn thay vì mỗi ngày cô nhận đồng loại tin nhắn cho đến đơ luôn của điện thoại. Bản thân cô Hồng cũng phải nâng cấp máy tính và kết nối tivi để xem học sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, cô Hồng cũng thừa nhận: "Học sinh vào lớp 4 sẽ có khối lượng bài nhiều hơn hẳn và mỗi bài yêu cầu cao nên tôi không có thời gian để đảo camera xem từng em thế nào". 

Theo phản ánh của cô Nguyễn Thúy Thanh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội thì tình trạng mạng kém xảy ra từ khi các trường tổ chức khai giảng và hoạt động riêng theo hình thức trực tuyến. Nhà trường tải, phát video thì rất khó; khi chiếu lên thì hình đi trước, tiếng đi sau, cả hình lẫn tiếng đều bị méo, không nét. Sáng 6/9 việc này vẫn tiếp diễn khiến các học sinh out ra khỏi phòng mà việc tương tác, giao lưu, trao đổi giữa cô và trò cũng hạn chế, vì thế chất lượng tiết học không được như mong muốn.

Ngày đầu học online náo động: Cô giáo bất lực, học sinh đi vệ sinh 3 lần/giờ, phụ huynh quát ầm ĩ - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Ngọc Thúy trong buổi dạy online tối 6/9. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học Thủ Lệ, Hà Nội cũng cho biết, vì gặp nhiều sự cố trong quá trình dạy học online nên cô đã tìm hiểu nhiều về phần mềm Zoom. "Hiện tại tôi đã kiểm soát được nhiều sự cố xảy ra với lớp học như có thể chủ động tắt tiếng học sinh, không cho học sinh vẽ lên màn hình. Khi học sinh vào lớp thì phải bật hết camera và đặt tên. Các con muốn di chuyển thì phải xin phép cô". Tuy nhiên, cô Thúy cũng từng gặp phải cảnh học sinh vừa học vừa ăn cơm. 

Trước những vấn đề trên ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: "Ngay ở giai đoạn đầu triển khai học trực tuyến, Sở GD-ĐT đã trao đổi với các đơn vị viễn thông giữ ổn định đường truyền, tạo điều kiện để học sinh học tập cũng như hướng dẫn các trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy - học online.

Để chủ động khắc phục tình trạng nghẽn mạng, các trường nên bố trí khung thời gian hợp lý; sắp xếp thời khóa biểu từng khối lớp theo lịch học sáng - chiều khác nhau để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm. Qua nắm tình hình, được biết tình trạng nghẽn mạng đôi khi xảy ra ở ngay đường truyền, tín hiệu của nhà trường và các thầy cô giáo. Vì vậy việc bố trí khung giờ khác nhau sẽ góp phần giảm tình trạng nhiều tài khoản truy cập vào cùng lúc và giữ ổn định truy cập…

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, với lớp 1, từ ngày 1 đến ngày 12/9, giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho học sinh làm quen với việc học trực tuyến, từ ngày 13/9 bắt đầu dạy học trực tuyến theo chương trình, thời lượng tối đa 3 tiết/ngày.

Cũng trong thời gian này, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 thống nhất với phụ huynh học sinh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần) để phụ huynh đồng hành cùng học sinh trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến; hướng dẫn theo dõi chương trình "Dạy học tiếng Việt" được phát sóng trên kênh VTV7 (từ ngày 6/9).

Từ ngày 13/9 đến ngày 30/9, nếu học sinh chưa được trở lại trường, các nhà trường tiến hành giảng dạy chương trình năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, thời lượng tối đa 3 tiết/ngày trong phòng trực tuyến với giáo viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem