Sài Gòn thật nhiều chợ. Đa số là chợ bán đủ loại cần dùng theo nhu cầu của người dân. Cũng có những chợ chuyên một mặt hàng nào đó, ví dụ như chợ Tân Thành chuyên phụ tùng xe "hông - đa", chợ hoa Đầm Sen - chắc chắn bán hoa rồi, chợ Kim Biên chuyên hóa chất…
Có những chợ dành cho nhà giàu như chợ Cũ (quận 1), hoặc chợ Tân Mỹ (quận 7). Có chợ mở ngày, có chợ mở đêm, có chợ mở nửa đêm về sáng.
Có những bà nội trợ kỹ tính, để nấu một bữa cơm, phải đi 4-5 cái chợ, rau chợ này mới ngon, thịt chợ này mới chuẩn, mắm chợ kia mới đảm bảo. Chợ Sài Gòn rất thú vị, chợ nào cũng nên đi, chỉ trừ hai "chợ" sau: Chợ Rẫy và Chợ Quán.
Ấy vậy mà, có một ngôi chợ, vừa kiểu chợ truyền thống, lại vừa là chợ chuyên biệt, lại kiêm luôn chợ đêm. Đã thế còn là thiên đường ẩm thực. Đó là chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10).
Về tổng thể, đây là chợ truyền thống. Nhưng có thêm chức năng chuyên biệt chợ hoa. Nguyên con đường chính, đường Hồ Thị Kỷ đầy những tiệm hoa với hoa. Sở dĩ ở đây phát triển thành chợ nhộn nhịp vậy, là nhờ có được hệ thống mối mang khổng lồ. Từ chỗ đám cưới cho đến đám ma, đâu đâu cũng chọn đây là địa chỉ đặt hàng tin cậy.
Có lúc nhiều chuyện oái oăm, ông tổ chức đám cưới cười toe toét bên cạnh ông nhà có tang mặt méo xệch ở ngay một cửa hàng; một bên "trăm năm hạnh phúc", bên kia lại "thành kính phân ưu". Sau đó, đến những sự kiện như ngày rằm, 8/3, 20/10, 20/11... đều là những dịp tiêu thụ hoa rất lớn. Nói thật, nhiều ông ở Việt Nam cả đời không tặng được vợ một cành hoa, trông mong vào đối tượng khách hàng này có mà chết đói.
Bởi vì ngôi chợ này do những Việt Kiều tại Campuchia hồi hương lập nên vào những năm 70 của thế kỷ trước, nên chợ còn biệt danh là chợ Campuchia. Một số người dân ở đây vẫn trao đổi với nhau bằng tiếng Khmer thường xuyên. Đại để, mua bán với khách đương nhiên sẽ nói tiếng Việt, nhưng những trao đổi gì cần bí mật họ sẽ dùng tiếng Khmer để tránh bị khách hàng "bắt thóp".
Ngoài những mặt hàng phổ biến, ở đây lại chuyên thực phẩm từ Campuchia như các loại khô cá từ Biển Hồ hoặc các món ăn đặc sản của người Khmer. Có dịp vào đây, sáng phải ăn món "num bò chóc" – một món bún cá đặc trưng; trưa ăn bún kèn hoặc cơm trắng với miếng khô cá tra chiên giòn từ "bên Miên" gửi về; chiều là các loại chè đặc trưng như chè hột me, chè thốt nốt, bánh lọt...
Nhưng buổi chiều, ở đây đâu chỉ có những món Khmer như vừa kể, đầy đủ món, từ bánh flan, cho đến bò nướng lụi, bánh khọt, phá lấu, bánh xèo, bánh canh, bún riêu... Hay ở chỗ, không hàng nào bán khiến thực khách quá no, kiểu cứ ăn lửng bụng để phải lê la sang hàng khác ăn tiếp. Liệu có thỏa thuận ngầm nào giữa các hàng quán hay chăng?
Chợ nào ở Sài Gòn cũng bán đồ ăn làm sẵn, nhưng không phải chợ nào cũng được công nhận "Phố ẩm thực" như chợ Hồ Thị Kỷ...
Bước vào con phố, mùi hương đồ ăn bốc lên ngào ngạt, người ăn ngồi chen chúc, đứng xếp hàng dày đặc. Người mồ hôi nhễ nhại, kẻ quát thét "đến lượt tôi chưa". Xong lại ăn xuýt xoa, hết hàng này đến món khác.
Ăn chán, lại qua vài ba con hẻm dạo phố ngắm hoa, hoặc sâu hơn nữa là những tụ điểm đá gà. Được ăn cả món mặn lẫn chè ngọt, được ngắm hoa lẫn xem đá gà. Những thú vui từ thanh cao đến xô bồ đều gói trong đây.
Trở lại lịch sử của khu chợ này, hồi thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Việt kiều Campuchia gặp 2 thảm họa lớn. Đầu tiên là Lol Non nắm quyền, sau đến Pol Pot lật Lol Non. Cả 2 đều xem chuyện trừ khử người Việt như yêu cầu bức thiết. Lý do, người Việt ở Campuchia rất giỏi, thường nắm những vị trí trọng yếu trong nền kinh tế. Nên vu tội cho người Việt, thực ra để hợp thức hóa chuyện ăn cướp, phục vụ nền chính trị quân phiệt của họ.
Thành thử, mới có làn sóng Việt kiều hồi hương. Khi hồi hương, tay trắng về quê, họ ở cùng với nhau lại một chỗ trong chợ Hồ Thị Kỷ này. Ở đây, họ đùm bọc, che chở cho nhau trong những ngày gian khó khi mới về nước.
Sau khi ổn định rồi, họ bắt đầu bung ra làm ăn buôn bán. Mối lái có sẵn bên Campuchia, mà dân Sài Gòn vốn giàu có, lại chuộng của ngon vật lạ, nên làm ăn càng lúc càng lên.
Nhưng đã xong đâu. Đến hồi mấy năm 2000, ở đây gặp thêm một vấn nạn nữa. Do nơi đây nhiều hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, tăm tối, nên từng trở thành điểm đen về bán lẻ ma túy. Một khi đã bán ma túy, thì sẽ hết thích bán mấy thứ khác vì món lợi kếch xù từ mặt hàng này.
Nhưng sau bao thử thách, ngôi chợ và những người dân lương thiện ở đây vẫn đứng vững, vượt qua được bóng đen ma túy, trở thành một vựa hoa tươi thắm tỏa ngát hương ngay giữa lòng thành phố.
Một cái chợ không lớn, ngày là chợ, tối là phố ẩm thực, vừa có thể đi dạo, đi chơi, chụp hình, đi ăn, đi nhậu, lại mang trong nó những chuyển mình lớn lao của lịch sử, chứa đựng mối giao tình ruột thịt giữa người Việt - Khmer. Ngôi chợ này xứng đáng như một địa chỉ xanh để đến bất cứ lúc nào.