Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích cây trồng vụ đông 2020 đạt 375.000ha, giảm trên 13.000ha so với vụ đông 2019 do ảnh hưởng bão số 7.
Năng suất của nhóm cây ưa ấm tăng, như: Ngô đạt 46,4 tạ/ha (tăng 5,2 tạ/ha), lạc đạt 24 tạ/ha (tăng 0,6 tạ/ha)... Tổng sản lượng vụ đông 2020 đạt trên 4.565.000 tấn, tăng 110.000 tấn so với vụ đông 2019. Tổng giá trị (tính theo giá hiện thời) đạt khoảng 32.628 tỷ đồng.
Trong đó có nhiều tỉnh làm vụ đông hiệu quả như Hải Dương đã thực hiện 51 mô hình liên kết sản xuất chuỗi có sự tham gia của HTX trong vụ đông 2020 với quy mô trên 481ha ở 8 huyện, thành phố với tổng số 3.562 hộ tham gia.
Hay Ninh Bình vận động được 35 doanh nghiệp, cửa hàng nông sản (trong tỉnh 20 và ngoài tỉnh 15) tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với 65 HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích sản xuất vụ đông 2020 của tỉnh này đạt trên 4.500ha, sản lượng đạt gần 95.000 tấn với trên 20 loại nông sản, thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị, cùng với việc lên kế hoạch và tiến hành sản xuất vụ đông sớm, bài bản, các tỉnh, thành cần phải chủ động xây dựng phương án chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm từ sớm qua các kênh chợ, siêu thị, sàn thương mại điện tử... đảm bảo không dư thừa, ứ đọng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Về kế hoạch vụ đông 2021, bà Trần Thị Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Các địa phương sẽ giữ ổn định diện tích khoảng 400.000ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34.000 - 35.000 tỷ đồng. Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 85 triệu đồng/ha.
Theo bà Hòa, với tình hình thời tiết mùa đông 2021 đến sớm và nhiệt độ lạnh hơn trung bình các năm trước, cộng với những yếu tố thuận lợi, trong vụ đông tới định hướng của Bộ NNPTNT là nhóm cây ưa ấm nên bố trí với tỷ lệ khoảng 55%; nhóm cây ưa lạnh khoảng 45%.
Nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông này là ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây và rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô, ngoài mục tiêu lấy hạt, ưu tiên phát triển nhóm ngô thực phẩm, thời gian sinh trưởng ngắn, thu bắp tươi phục vụ thị trường ăn tươi, chế biến và ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu tại các tỉnh, thành đánh giá vụ đông năm 2020 đạt nhiều thành công, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho người dân.
Ông Hoàng Viến Chọn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa khẳng định: Riêng trong vụ đông 2020, tỉnh Thanh Hóa đạt giá trị trên 3.600 tỷ đồng, trung bình đạt trên 73 triệu đồng/ha. Trong đó có nhiều mô hình liên kết hiệu quả như mô hình liên kết sản xuất khoai tây giữa doanh nghiệp và các HTX của các huyện Nga Sơn, Thiệu Hóa... với diện tích 450ha, đạt giá trị 100 - 120 triệu đồng/ha, lợi nhuận 50 - 70 triệu đồng/ha…
Vụ đông 2021 Thanh Hóa gieo trồng khoảng 45.000ha (giảm 5.000ha so với năm 2020). Trong đó tập trung vào cây ngô 15.000ha; cây xuất khẩu 5.000ha... Phấn đấu thu nhập đạt 77 triệu đồng/ha.
Ông Chọn kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh xây dựng, cấp mã số vùng trồng. Phấn đấu trong trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ có 40 mã số vùng trồng giúp tỉnh có thêm nhiều vùng sản xuất nông sản chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị Bộ NNPTNT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ nhiều khó khăn trong khâu chế biến, bảo quản và lưu thông nông sản giữa các vùng trong đại dịch; điều chỉnh lại phương pháp thống kê số liệu mùa vụ; giảm giá vật tư đầu vào...
"Trong vụ đông 2020, Hải Dương đạt được kết quả rất cao. Các sản phẩm làm ra vừa được mùa, được giá, thu nhập của bà con tăng gấp 3 lần trồng lúa và cao hơn 2,5 lần so với các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, dự báo vụ đông 2021 dự báo còn nhiều khó khăn, nhất là việc lưu thông tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm đại dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều khó khăn, rủi ro. Đề nghị Bộ NNPTNT sớm hỗ trợ tỉnh thông tin dự báo thị trường và phương án kết nối giúp Hải Dương xuất khẩu nhiều cà rốt, bắp cải... sang Nhật Bản, Hàn Quốc, EU..." - ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19, các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất để giữ vững an ninh lương thực, nhất là đáp ứng tốt nhu cầu lương thực thời điểm cuối năm; đồng thời, tạo việc làm cho lao động nông nhàn do dịch và thu nhập cho nông dân.
"Sản xuất vụ Đông không chỉ đảm bảo thực phẩm trong nước mà còn xuất khẩu. Do đó, các địa phương cần chủ động liên kết để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm" - ông Doanh nhấn mạnh.