Dân Việt

Ở nơi này, nông dân rủ nhau nuôi con tai dài, chỉ tốn cỏ, tốn lá mà nhà nào nuôi nhà đó khá giả

Mỹ Hạnh 29/09/2021 13:01 GMT+7
Nhiều năm nay, nông dân trên địa bàn xã Phú Long (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chọn mô hình chăn nuôi dê thịt để phát triển sinh kế. Cũng như các loại vật nuôi khác, giá bán dê thịt chịu ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ.

Do đó, để đảm bảo đầu ra ổn định cho người nuôi, các hộ dân được xã Phú Long, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) tập hợp thành lập tổ hợp tác (THT), có định hướng và hỗ trợ thiết thực hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Trần Văn Tươi cho biết, khởi đầu, các hộ nuôi dê phát triển số lượng nhỏ lẻ, một số hộ nuôi khá thành công, đạt hiệu quả kinh tế và nhân đàn nhanh chóng.

Ở nơi này, nông dân rủ nhau nuôi con tai dài, chỉ tốn cỏ, tốn lá mà nhà nào nuôi nhà đó khá giả - Ảnh 1.

Ở nơi này, nông dân rủ nhau nuôi con tai dài, chỉ tốn cỏ, tốn lá mà nhà nào nuôi nhà đó khá giả - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi dê thịt ở xã Phú Long, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã giúp nhiều người dân cải thiện thu nhập.

Trong khi đó, vẫn có một số hộ bán dê thịt với giá không cao, nguồn con giống chưa chất lượng và chưa liên kết đầu ra ổn định.

Nhận thấy điều đó, Hội Nông dân xã đã bàn bạc với các hộ chăn nuôi dê nhằm định hướng những quyền lợi khi tham gia vào THT, như: bà con được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi để đạt chất lượng, có nguồn cung con giống và thu mua đảm bảo hơn.

Được sự đồng thuận của nông dân, THT chăn nuôi dê thịt thành lập với 9 thành viên tham gia, sinh hoạt định kỳ hàng tháng.

Ông Lê Văn Phùng (thành viên THT) cho biết, ông đã được giải quyết cơ bản những mong muốn khi tham gia vào THT, chuẩn bị điều kiện từ 40 con dê thịt nhân rộng lên số lượng 100 con.

Anh Trần Văn Giang (thành viên THT) hiện có 3 chuồng nuôi theo hình thức xoay vòng với số lượng 130 con dê thịt và dê sinh sản; bình quân mỗi tháng cho xuất chuồng 10 con dê thịt.

Anh Giang cho biết, nuôi dê không khó, nhưng phải nắm rõ đặc tính sinh trưởng loại vật nuôi này. Chuồng nuôi phải xây dựng cao thoáng sạch sẽ, sử dụng thức ăn chính là cỏ, phụ phẩm nông nghiệp.

Mô hình này được anh thử nghiệm từ năm 2004, thay cho mô hình nuôi bò và nuôi thỏ. Thông thường trong 1 năm, dê cái sẽ đẻ 1 lứa được 4 con. Dê con nuôi trong 4 tháng có thể xuất bán.

Thay vì nuôi thả lang như các hộ dân khác, anh Giang thực hiện nuôi nhốt chuồng, giúp quản lý được dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Trước khi về nhập chuồng, dê con được tiêm vaccine, chuồng trại đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, mắc mùng để ngăn muỗi khi dê ngủ.

Ngoài tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, anh Giang còn trồng thêm 5 công cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho đàn dê. Cách làm của anh Giang được các hộ dân nhanh chóng học hỏi để áp dụng…

Ở nơi này, nông dân rủ nhau nuôi con tai dài, chỉ tốn cỏ, tốn lá mà nhà nào nuôi nhà đó khá giả - Ảnh 4. 
Ở nơi này, nông dân rủ nhau nuôi con tai dài, chỉ tốn cỏ, tốn lá mà nhà nào nuôi nhà đó khá giả - Ảnh 5.

Chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, thu hồi vốn nhanh, nếu giá bán ở mức 100.000 đồng/kg là người nuôi thu được lợi nhuận.

Anh Giang vừa là một trong những hộ nuôi quy mô, vừa là người thu mua dê thịt của các hộ trong THT. Anh Giang cho biết, đầu ra hiện nay khá ổn định, 1 con dê vỗ béo mang lại lợi nhuận từ 1-1,2 triệu đồng.

Anh Giang đồng thời là đầu mối cung cấp dê giống cho bà con ở địa phương, giúp THT phát triển số lượng dê lên khoảng 400 con.

Theo chia sẻ của các hộ nuôi, khi bắt con giống về khoảng 10-18kg, nuôi đúng kỹ thuật và cho ăn đầy đủ, trung bình 1 tháng sẽ tăng trọng 5kg/con. Để có đàn dê khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển đàn nhanh thì việc lựa chọn dê giống khá quan trọng.

Hầu hết các đàn dê hiện nay được các hộ đồng loạt thực hiện nuôi khép kín, thành viên trong THT thường xuyên trao đổi học tập kinh nghiệm. Mô hình này đã giúp nhiều nông dân có được nguồn thu nhập ổn định, nhân giống nhanh và thu lợi nhuận cao.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Trần Văn Tươi thông tin, từ khi THT thành lập cuối năm 2020 đến nay, ngoài kiến thức tích lũy của các cá nhân chăn nuôi trao đổi với nhau, Hội Nông dân xã và hộ nuôi tiêu biểu còn thường xuyên cập nhật kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh trong các buổi sinh hoạt thường lệ.

Nhiều hộ nông dân còn được tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ ủy thác qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư sản xuất nhân rộng đàn nuôi.

Hoạt động của THT dần ổn định, hình thành chuỗi liên kết, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nhờ nhu cầu thị trường cao và đầu ra ổn định, nhiều hộ đã có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô, địa phương cũng khuyến khích những hộ chưa thực hiện có thể tham khảo học hỏi và lựa chọn mô hình hợp tác nuôi dê thịt để khởi nghiệp ở nông thôn.