14 tuổi, nhà bể nợ, đi làm thuê, mua 1 con dê, giờ có tiền tỷ

Thứ tư, ngày 30/08/2017 19:30 PM (GMT+7)
14 tuổi, gia đình bể nợ, anh Dương Hoàng Sơn, sinh năm 1986, ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) phải bỏ học đi chăn dê. Năm 2000, một lần, ông chủ bán cho anh con dê bách thảo cái đang mang bầu với giá 700 ngàn đồng. Và đàn dê Boer Úc, Boer Mỹ hơn 400 con hiện nay anh đang nuôi được gây dựng dần dần từ tiền lời ở 1 con dê mẹ ngày ấy. Nhiều người nói anh Dương Hoàng Sơn khởi nghiệp từ tuổi 14
Bình luận 0

Đó là nỗ lực của anh Dương Hoàng Sơn, sinh năm 1986, ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Mới đây, anh đoạt giải Ba cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre năm 2017” với dự án “Nuôi dê Boer lai hình thức trang trại”.

Sau 18 năm khởi nghiệp với bao ước mơ ấp ủ, anh Sơn đang từng bước hoàn thiện, phát triển dự án ở quy mô trang trại, góp phần tạo bước chuyển mới cho nghề chăn nuôi dê ở địa phương.

img

Anh Dương Hoàng Sơn bên đàn dê mẹ Boer lai. Ảnh: Cẩm Trúc.

“Con dê là đầu cơ nghiệp”

Hoàn cảnh thôi thúc anh Sơn tự sinh kế khi còn là cậu bé mới 14 tuổi. “Gia đình bể nợ, mẹ bán hết đất để trả nợ vẫn chưa đủ. Tôi phải nghỉ học sớm, làm mướn phụ mẹ trang trải nợ nần. Được một năm, năm 2000, tôi được ông chủ kêu bán một con dê nái (dê bách thảo) đang mang thai với giá 700 ngàn đồng, tương đương với mức tiền công tôi làm mướn gần 2 tháng. Không chần chừ, tôi gật đầu bắt dê về nuôi và làm công trả dần. Tôi gắn với nghề nuôi dê từ đó”, anh Sơn kể lại.

Năm 2005 - 2007, dê thịt giảm giá liên tục, thấp nhất là dưới 10 ngàn đồng/kg. Không nản chí, anh duy trì đàn dê bằng cách hạn chế mua thức ăn công nghiệp và thay thế bằng các loại cỏ, lá, lúa, trái cây trong vườn… Nghe ở đâu có giống mới hiệu quả kinh tế cao, anh cũng đến tận nơi để tìm hiểu kỹ. Vượt qua giai đoạn khó khăn, năm 2011, anh mạnh dạn trở lại Đồng Nai để bắt dê giống Boer lai (nguồn gốc ở Nam Phi) với giá từ 350 - 400 ngàn đồng/kg.

Ưu điểm của dê Boer lai là lớn nhanh và cho trọng lượng thịt nhiều hơn các loại dê thông thường. Đến nay, trại dê có trên 400 con của anh Sơn (trong đó có trên 200 dê nái) đã có các giống mới Boer Úc, Boer Mỹ đang được thị trường ưa chuộng, với trọng lượng dê thịt đạt trên 100kg/con.

Khi đề cập đến rủi ro trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay, với kinh nghiệm từng trải của mình, anh Sơn khẳng định: “Giá dê thịt có giảm xuống 50%, người chăn nuôi vẫn còn lời nếu biết kết hợp với phương pháp thay đổi tỷ lệ thức ăn (thức ăn thiên nhiên và công nghiệp) cho dê sẽ giúp có lợi nhuận ổn định.

Ưu điểm của các giống dê mới là ăn tạp nên thức ăn dễ tìm trong thiên nhiên. Dê con mau lớn, dễ nuôi hơn giống dê thông thường”. So với một số mô hình chăn nuôi dê tại các địa phương trong tỉnh, đàn dê của anh Sơn có quy mô lớn, đặc biệt các giống dê nhập lai có nhiều ưu điểm.

Triển khai dự án khởi nghiệp

Anh Sơn cho biết đang tập trung sản xuất dê giống Boer lai để nhân rộng tại các huyện. Giá bán dê giống từ 130 - 180 ngàn đồng/kg. Đồng thời, anh cam kết thu mua lại dê thịt của bà con với giá thị trường để tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh phát triển đàn dê giống có giá trị kinh tế cao, anh liên kết với các hộ nuôi, các lò giết mổ và các đầu mối thu mua thịt để bán lẻ hoặc các nhà hàng trong và ngoài tỉnh để thu mua và tiêu thụ dê thịt cho người dân trong tỉnh. 

“Nếu trước đây, tôi khởi nghiệp với 1 con dê nái bách thảo thì dự án khởi nghiệp năm 2017 của tôi sẽ bắt đầu từ 120 dê nái Boer lai. Dự kiến, 3 năm sau, kết quả dự án có 972 dê thịt, với giá khoảng 95 ngàn đồng/kg, lợi nhuận thu được từ trang trại gần 1 tỷ đồng. Tôi sẽ áp dụng quy trình chăn nuôi nhốt chuồng đối với dê thịt và chăn thả đối với dê nái”, anh Sơn dự tính.

Theo đánh giá của các chuyên gia khởi nghiệp, đây là một dự án có tính khả thi cao. Bởi, anh Sơn có ý tưởng được nuôi dưỡng và đeo bám qua suốt nhiều năm, có đúc kết kinh nghiệm, trải qua được các rủi ro. Dự án có kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh, có lộ trình từng năm và hạch toán cụ thể.

Ông Lê Phong Vinh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, trang trại nuôi dê Boer lai của anh Sơn được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đầu năm 2017. Đây cũng là trang trại chăn nuôi dê đầu tiên và duy nhất của huyện. Về quy mô, đây là hộ có quy mô chăn nuôi đàn dê cao nhất huyện.

Theo định hướng phát triển kinh tế của xã Thanh Tân đến năm 2020, xã phát triển đàn dê từ 2.700 con lên 5.000 con và tập trung vào các giống mới có hiệu quả kinh tế cao. Dự án của anh Sơn sẽ thuận lợi cho địa phương trong thực hiện mục tiêu nói riêng và đàn dê của tỉnh nói chung.

Cẩm Trúc (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem