7h10 ngày 5/6/1967, giữa lúc căng thẳng Israel với các nước thuộc khối Arab tăng cao, 16 máy bay huấn luyện Fouga Magister của không quân Israel cất cánh. Họ bay theo lộ trình quen thuộc và liên lạc bình thường, khiến lực lượng radar cảnh giới của liên quân Arab cho rằng đây là đợt tuần tra chiến đấu thông thường của Israel vào buổi sáng.
5 phút sau, gần như toàn bộ lực lượng máy bay chiến đấu với 183 phi cơ các loại của không quân Israel đồng loạt xuất kích. Họ bay theo hướng tây về Địa Trung Hải, sau đó hạ độ cao để thoát khỏi sự theo dõi của đối phương. Đây cũng là hoạt động không bất ngờ.
Hệ thống radar cảnh giới của Ai Cập, Syria và Jordan đã theo dõi máy bay Israel trong suốt hai năm, chứng kiến phi cơ đối phương cất cánh mỗi buổi sáng và bay theo cùng lộ trình, trước khi biến mất khỏi tầm quan sát của radar và trở về căn cứ không lâu sau đó.
Tuy nhiên, các tiêm kích Mirage và Super Mystere của Israel không trở về căn cứ vào sáng 5/6/1967, mà bay hướng về phía Ai Cập. Họ tắt hoàn toàn liên lạc vô tuyến và chỉ bay cách mặt biển gần 20 m. Đây là khởi đầu của một trong những cuộc không kích thành công nhất lịch sử quân sự thế giới, giúp Israel chiếm lợi thế trong Chiến tranh 6 ngày với liên quân Arab.
Tháng 5/1967, Ai Cập trục xuất lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở bán đảo Sinai và triển khai quân dọc biên giới với Israel. Các động thái tương tự cũng diễn ra ở Jordan và Syria. Đến tháng 6, Israel nhận thấy cộng đồng quốc tế sẽ không có hành động can thiệp để giải quyết tình hình căng thẳng.
Bị áp đảo về quân số và bao vây ba phía khiến Israel quyết tâm tung đòn phủ đầu nhằm vào đối phương.
Một trong những yếu tố bảo đảm chiến thắng là khả năng làm chủ bầu trời. Tuy nhiên, không quân Israel khi đó chỉ có 200 máy bay, đa phần là chiến đấu cơ mua từ Pháp. Đối thủ của họ là 600 phi cơ của ba nước liên quân, trong đó có nhiều tiêm kích MiG-21 hiện đại do Liên Xô chế tạo. Israel cũng lo ngại 30 oanh tạc cơ Tu-16 của Ai Cập, khi mỗi chiếc có thể dội hàng chục tấn bom xuống lãnh thổ của họ.
Tel Aviv quyết định phát động Chiến dịch Tiêu điểm (Mivtza Moked) nhằm tiêu diệt lực lượng không quân Arab ngay trên mặt đất. Israel đã lên kế hoạch và diễn tập trong nhiều năm. Các phi công liên tục thực hành tấn công mục tiêu mô phỏng sân bay Ai Cập ở sa mạc Negev, trong khi tình báo thu thập thông tin về bố trí lực lượng và hệ thống phòng không đối phương.
Sáng 5/6/1967, chỉ vài phút sau khi lực lượng không quân Israel vượt Địa Trung Hải và tiếp cận không phận Ai Cập, kíp radar tại Jordan đã phát hiện số lượng phi cơ nhiều bất thường và cảnh báo qua kênh mã hóa cho quân đội Ai Cập. Tuy nhiên, phía Ai Cập đã thay đổi bộ mã trước đó một ngày mà không báo cho đồng minh.
Ngay cả khi Ai Cập nhận được cảnh báo, kết quả trận đánh cũng khó thay đổi.
"Thay vì tấn công lúc bình minh, không quân Israel đợi đến 7h45-8h45 giờ Ai Cập. Khi đó, sương mù buổi sáng ở đồng bằng sông Nile đã tan. Những phi đội tuần tra buổi sớm của Ai Cập đã trở về căn cứ để phi công nghỉ ngơi, trong khi nhiều phi công và kỹ thuật viên vẫn đang trên đường tới nơi làm việc", Simon Dunstan, tác giả cuốn "Cuộc chiến 6 ngày: Chiến dịch Sinai", viết.
Các phi đội Israel cũng xuất hiện đúng lúc tư lệnh lực lượng vũ trang và không quân Ai Cập đang rời sở chỉ huy để thị sát bằng máy bay vận tải. Họ cấm lực lượng phòng không khai hỏa để tránh bị bắn nhầm vào máy bay chở tư lệnh.
Phi cơ Israel leo lên độ cao 2,7 km trước khi tiếp cận mục tiêu là những máy bay đậu ngay ngắn ở 10 căn cứ không quân Ai Cập. Máy bay Israel gần như không vấp phải hỏa lực phòng không và tiêm kích đánh chặn Ai Cập, họ ném bom và bắn pháo phá hủy đường băng để ngăn máy bay đối phương cất cánh, sau đó thoải mái công kích oanh tạc cơ và tiêm kích trên mặt đất.
Trong cuộc tập kích này, Israel đã sử dụng vũ khí bí mật là bom xuyên phá bê tông chuyên phá hủy đường băng. Chúng được chế tạo dựa trên thiết kế của Pháp, sử dụng dù hãm để ổn định hướng, sau đó kích hoạt động cơ đẩy để lao thẳng xuống đường băng, tạo thành những hố sâu khó lòng khắc phục trong thời gian ngắn.
Đợt tấn công đầu tiên chỉ kéo dài 8 phút. Khoảng 10 phút sau, không quân Israel phát động đợt tập kích thứ hai nhằm vào thêm 14 căn cứ khác. Lực lượng hậu cần mặt đất của Israel đã nhanh chóng tiếp liệu cho các phi cơ trở về sau đợt tấn công thứ nhất, giúp chúng tham gia vào lượt đánh thứ hai.
Sau 170 phút, Ai Cập mất 293 máy bay, gồm toàn bộ lực lượng oanh tạc cơ Tu-16 và Il-28, cùng 185 tiêm kích các loại. Israel chỉ mất 19 máy bay, chủ yếu do trúng đạn phòng không.
12h45 cùng ngày, Israel tiếp tục tấn công các căn cứ không quân Syria, Jordan và Iraq. Hai phần ba phi cơ không quân Syria bị loại khỏi vòng chiến, trong đó 17 chiếc bị phá hủy ngay trên mặt đất. Jordan mất toàn bộ 28 máy bay trong biên chế.
6 giờ sau chuyến xuất kích đầu tiên, Israel đã xóa sổ phần lớn không quân của liên quân Arab. Khả năng làm chủ bầu trời giúp bộ binh Israel không vấp phải kháng cự quyết liệt ở bán đảo Sinai, cao nguyên Golan và Jerusalem. Khi cuộc chiến kết thúc vào ngày 10/6, liên quân Arab mất tổng cộng 450 máy bay, trong khi Israel chỉ tổn thất 46 chiếc.
"Đây là một trong những chiến dịch đường không thông minh nhất lịch sử. Nó được chuẩn bị tỉ mỉ và thực hiện chính xác đến từng giây. Cuộc tập kích đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho các đòn không kích phủ đầu nhằm tiêu diệt lực lượng không quân đối phương", chuyên gia quân sự Michel Peck nhấn mạnh.