"Người lính bất tử" trong 2 cuộc Thế chiến: 60 năm tham chiến, 11 vết thương chí mạng

Duy Sơn (Theo War History) Thứ ba, ngày 07/09/2021 20:30 PM (GMT+7)
Binh sĩ Anh Adrian Carton de Wiart tham gia cả hai Thế chiến, mình chằng chịt vết thương chí mạng và được mệnh danh người bất tử.
Bình luận 0

Mù mắt và cụt tay là những thương tích khiến binh sĩ mất hoàn toàn khả năng chiến đấu. Tuy nhiên, điều đó không thể dập tắt ý chí của Adrian Carton de Wiart, sĩ quan quân đội Anh. Ông chịu tổng cộng 11 vết thương nghiêm trọng từ đầu đến chân trong gần 60 năm tham chiến, đồng thời sống sót qua hàng loạt vụ tai nạn máy bay và được coi là "người lính bất tử" của Anh.

Adrian Paul Ghislain Carton de Wiart sinh ngày 5/5/1880 ở Brussels, là con trong một gia đình quý tộc Bỉ. Mẹ ông mất khi Wiart mới 6 tuổi. Người cha cưới vợ mới và gửi ông vào một trường nội trú ở Anh.

Ngày 11/10/1899, căng thẳng giữa Hà Lan và Anh ở Nam Phi bùng phát thành Chiến tranh Boer lần thứ hai. Wiart phải dùng tên giả, khai man cho đủ tuổi và bỏ học để gia nhập quân đội Anh. Sau khi bị thương ở bụng và háng, ông bị gửi về Anh.

"Khi xung đột nổ ra, tôi nhận ra chiến đấu đã ăn vào máu mình. Nếu Anh không cho tôi ra trận, tôi sẽ gia nhập phía bên kia", Wiart hồi tưởng. Ông sau đó gia nhập đơn vị Kỵ binh nhẹ số 2, được điều trở lại Nam Phi và chiến đấu đến khi chiến tranh kết thúc năm 1902. Ông trở thành công dân Anh và lập gia đình vào năm 1907.

"Người lính bất tử" trong 2 cuộc Thế chiến: 60 năm tham chiến, 11 vết thương chí mạng - Ảnh 1.

Wiart trong quân phục Anh vào năm 1901. Ảnh: Wikimedia Commons.

Wiart tái nhập ngũ khi Thế chiến I nổ ra năm 1914. Chiến dịch đầu tiên của ông là dập tắt nổi loạn ở vùng Somaliland do Anh bảo hộ, nay là Somalia. Wiart bị trúng hai phát đạn vào mặt, khiến ông mù mắt trái và mất một phần tai trái. Thành công của chiến dịch và sự dũng cảm trong chiến đấu khiến Wiart được trao huân chương chiến công.

Đầu năm 1915, Wiart tham chiến ở Mặt trận phía Tây. Bàn tay trái của ông bị dập nát do trúng mảnh đạn pháo trong một trận đánh. Các bác sĩ cho rằng bàn tay còn cứu chữa được nhưng Wiart không thể chờ đợi. Ông cắn đứt hai ngón tay vì quá đau đớn, trước khi các bác sĩ cắt bỏ toàn bộ bàn tay.

Những vết thương này không thể ngăn Wiart góp mặt trong trận Somme năm 1916. Khi ba chỉ huy thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn Gloucestershinre thiệt mạng trong cuộc tấn công vào làng La Boisselle ở Pháp, ông chỉ huy cả ba đơn vị đẩy lùi cuộc tấn công của đối phương.

Nhờ thành tích này, Wiart được tặng thưởng huân chương Victoria, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Anh. Tuy nhiên, ông luôn khiêm tốn và không đề cập đến điều này trong hồi ký, chỉ nói rằng đó là chiến công của cả Tiểu đoàn 8.

Trong trận đánh tại làng La Boisselle, Wiart bị một loạt vết thương nghiêm trọng như trúng đạn vào gáy và mắt cá chân. Ông tiếp tục bị bắn vào hông và chân trong những chiến dịch năm 1917-1918 nhưng vẫn sống sót. "Nói thật, tôi thích chiến tranh", ông nói.

Adrian Carton de Wiart muốn tìm tới bất kỳ nơi nào có xung đột. Ông là phó tư lệnh lực lượng Anh hỗ trợ Ba Lan, Ukraine, Litva, Czech trong giai đoạn 1919-1921 và sống sót qua hai vụ tai nạn máy bay. Wiart về hưu với quân hàm thiếu tướng vào năm 1923 và chuyển đến sống tại Ba Lan.

"Người lính bất tử" trong 2 cuộc Thế chiến: 60 năm tham chiến, 11 vết thương chí mạng - Ảnh 2.

Wiart tại sở chỉ huy Đồng minh trong Thế chiến II. Ảnh: Wikimedia Commons.

Trong những tháng đầu Thế chiến II, Ba Lan bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc tấn công của Đức Quốc xã. Wiart phải trở về Anh và tái nhập ngũ, được phong hàm trung tướng năm 1939.

Wiart được điều đến Na Uy để chỉ huy liên quân Anh - Pháp vào năm 1940. Tuy nhiên, thủy phi cơ của ông phải hạ cánh khẩn cấp xuống một vịnh nhỏ do bị tiêm kích Đức tấn công. Wiart từ chối sơ tán bằng xuồng cao su vì cho rằng nó dễ trở thành mục tiêu bị không kích. Ông chờ đợi trong đống đổ nát đến khi chiến đấu cơ đối phương rút lui vì hết đạn. Một tàu hải quân Đồng minh sau đó giải cứu và đưa ông vào bờ.

Lực lượng của Wiart tại Na Uy bị đối phương áp đảo về hỏa lực và không được tiếp tế đầy đủ. Tuy nhiên, sự lãnh đạo tài tình của ông giúp đội quân này vượt qua nhiều ngọn núi và di chuyển đến nơi an toàn, bất chấp quân Đức liên tục tập kích. Hải quân Na Uy hỗ trợ họ rời đi an toàn và Wiart trở về Anh vào ngày sinh nhật thứ 60.

Tháng 4/1941, ông được điều đến thực hiện nhiệm vụ ở Nam Tư. Oanh tạc cơ Wellington của ông bỗng nhiên bị trục trặc trên hành trình và đâm xuống Địa Trung Hải. Wiart và tổ lái ngồi trên cánh máy bay đến khi nó chìm hẳn. Họ phải bơi gần hai km để vào bờ, Wiart còn giúp một đồng đội bị thương trong quá trình này.

Tổ lái Anh bị quân Italy phát hiện và bắt ngay khi lên bờ. Wiart được đưa đến lâu đài Vincigliata, nơi giam giữ ông cùng 12 sĩ quan cấp cao khác. Wiart liên tục tìm cách trốn khỏi nhà tù và một lần thành công, nhưng nhanh chóng bị bắt lại. Ông được phóng thích tháng 8/1943 khi Italy trao đổi tù binh với quân Đồng minh.

Wiart nghỉ hưu năm 1947, xuất bản hồi ký và có một cuộc sống yên bình trước khi qua đời năm 1963 ở tuổi 83.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem