Nơi nào là biên giới duy nhất của Liên Xô khiến phát xít Đức không thể xuyên thủng?
Nơi nào là biên giới duy nhất của Liên Xô khiến phát xít Đức không thể xuyên thủng?
Thứ ba, ngày 07/09/2021 08:31 AM (GMT+7)
Năm 1941, quân Đức dễ dàng vượt qua biên giới Liên Xô chỉ trong vài tuần và tiến sâu vào lãnh thổ nước này. Những có một đoạn biên giới ở cực Bắc, quân Đức không thể tiến một bước nào trong suốt cuộc chiến tranh.
Thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh chống phát xít Đức đã trở thành một cơn ác mộng thực sự đối với Liên Xô. Wehrmacht (quân Đức) dễ dàng vượt qua các vị trí của Hồng quân và trong vài tuần đã chiếm toàn bộ lãnh thổ của các nước Baltic và Byelorussia (Belarus), cũng như một phần đáng kể của Ukraine. Nhiều sư đoàn Liên Xô đã bị đánh bại trong các trận chiến ác liệt. Hàng trăm nghìn binh lính bị bao vây đã tìm mọi cách để tái hợp với đồng đội của mình nhưng thất bại.
Tuy nhiên, quân Đức không thành công tuyệt đối trên tất cả các chiến tuyến Xô-Đức. Ở phía Bắc Liên Xô, khu vực sườn núi Musta-Tunturi gần biên giới quốc gia, cho đến tận cuối cuộc chiến, quân Đức vẫn không thể xuyên thủng hàng phòng ngự của Hồng quân.
Cuộc tấn công của quân Đức
Ở vùng cực Bắc của Liên Xô, cuộc chiến bắt đầu muộn hơn một tuần so với phần còn lại của đất nước. Phải đến ngày 29/6/1941, quân Đức và Phần Lan mới vượt qua biên giới, tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Murmansk và Kandalaksha.
Các đơn vị thuộc Trung đoàn súng trường miền núi của Đức do Tướng Eduard Dietl chỉ huy tiến dọc theo bờ biển Bắc Băng Dương. Nhiệm vụ của đơn vị này là đánh chiếm bán đảo Sredny và đặc biệt là bán đảo Rybachy có vị trí chiến lược quan trọng và còn được gọi là “Chiến hạm không thể chìm của Bắc Cực”.
“Bất cứ ai nắm được Rybachy và Sredniy, sẽ nắm được Vịnh Kola. Nếu không có Vịnh Kola, Hạm đội Phương Bắc không thể tồn tại”, Đô đốc Arseny Golovko của Hải quân Liên Xô nhấn mạnh.
Sau khi đánh một số tiền đồn biên giới và đẩy lùi các đơn vị của Trung đoàn bộ binh 95 của Liên Xô, quân Đức tiến đến sườn núi Musta-Tunturi nằm cách biên giới Liên Xô 6 km, phía sau đó có một eo đất và một con đường dẫn thẳng tới bán đảo Rybachy và Sredniy. Người Đức hy vọng sẽ chiếm được sườn núi này, nhưng cuối cùng đã không thể làm được điều đó.
Ban đầu, Bộ chỉ huy Liên Xô tin rằng kẻ thù sẽ tấn công bán đảo từ biển chứ không phải từ đất liền, do đó, các lực lượng chính đã được tập trung tại Rybachy để đề phòng quân Đức đổ bộ. Do đó, khi quân Đức tấn công sườn núi, quân đội Liên Xô bảo vệ khu vực này với lực lượng yếu thế hơn hẳn.
Trước khi quân tiếp viện đến Musta-Tunturi, các binh sĩ Liên Xô đã kháng cự rất quyết liệt trước những kẻ tấn công. Hồng quân Liên Xô đã lập các điểm bắn ngay trên địa hình gồ ghề, giăng dây thép gai, gài mìn… và chiến đấu vì từng mét đất, từng viên đá.
Sau khi lên được đỉnh núi và bắt đầu đi xuống dọc theo các con dốc đến eo đất, quân Đức trúng đạn pháo của Liên Xô. Lúc này các tàu khu trục Uritsky và Kuibyshev cũng đã cập bờ.
“Chúng tôi đã phải hứng chịu hỏa lực lớn từ hạm pháo của Liên Xô. Đã có thiệt hại đáng kể về nhân mạng trong các tiểu đoàn vì không kịp sơ tán. Chúng tôi tới gần Kutovaya và đang đi xuống từ sườn dốc phía Đông của cao điểm 122. Sau đó, một trận mưa đạn trút xuống. Tôi không có gì để đáp trả. Nếu họ không ngừng bắn, tôi sẽ phải rút cả trung đoàn trở lại”, chỉ huy Trung đoàn súng trường miền núi 136 của Đức báo cáo khi đó.
Các trận chiến ác liệt ở Musta-Tunturi còn kéo dài đến giữa tháng 9/1941. Thất bại hết trận này đến trận khác, quân Đức thôi tìm cách chiếm giữ ngọn núi và bắt đầu phòng thủ ở các điểm đã chiếm đóng.
Pháo đài bất khả xâm phạm
“Các tiền đồn của chúng tôi nằm ở 7 vị trí tại sườn núi khá dốc ở phía Bắc và đỡ dốc hơn ở phía Tây và phía Đông. Địch ở sườn phía Nam, ít dốc hơn và có vị trí thuận lợi hơn. Giữa các vị trí của địch và của ta là một dải đất trống chỉ rộng 50-60 mét, có nơi chỉ 25-30 mét - chưa bằng khoảnh cách 1 lần ném lựu đạn. Những trận chiến bằng lựu đạn diễn ra hàng ngày. Bên này có thể nghe thấy tất cả những gì đang diễn ra ở phía bên kia”, Trung tướng Liên Xô Sergei Kabanov nhớ lại.
Do chiếm được đồi chỉ huy, quân Đức có tầm nhìn tốt về hậu phương của quân đội Liên Xô. Việc vận chuyển lương thực, đạn dược và vật liệu xây dựng đến các vị trí xây công sự của lính Liên Xô đều phải tiến hành dưới hỏa lực dày đặc của địch.
Lính công binh Nikolai Abramov chia sẻ: “Mỗi khúc gỗ chuyển tới Musta-Tunturi, cái giá phải trả có thể là tính mạng hoặc thương tật của ai đó”.
Quân Đức đã tìm cách chiếm cột mốc A-36 của Liên Xô nằm trên sườn núi. Trước chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (Chiến tranh Mùa đông), đó là vị trí cột mốc biên giới quốc gia, nhưng theo các điều khoản của Hiệp ước Hòa bình Moscow 1940 đã được di chuyển xa hơn một chút về phía Tây.
“Thật tự hào khi nhớ lại chúng tôi đã kiên trì bảo vệ cột mốc biên giới Liên Xô còn lại trên Musta-Tunturi như thế nào. Đó có lẽ là cột mốc biên giới duy nhất không bị Đức Quốc xã chiếm được. Quân Đức đã nhiều lần tìm cách đánh chiếm, nhưng lần nào cũng thất bại”, Đại úy Thủy quân lục chiến Vasily Kislyakov viết trong hồi ký “Beyond the Arctic Circle” (tạm dịch là Xa hơn Vòng Bắc Cực).
Cho đến thời điểm Hồng quân Liên Xô đánh bật quân Đức ra khỏi vòng Bắc Cực vào cuối năm 1944, sườn núi Musta-Tunturi vẫn như một khúc xương mắc trong cổ họng Đức quốc xã. Ở đây, tất cả những nỗ lực của quân Đức nhằm xuyên thủng hàng phòng thủ của Liên Xô đều không thành công.
Trong khi ở các khu vực khác của mặt trận Xô-Đức, quân Đức đã được tiến hàng nghìn km đến sông Volga và Caucasus; thì ở nơi này, quân Đức bị kẹt lại ngay tại biên giới của Liên Xô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.