Dân Việt

Bán nông sản sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt phải bỏ thói quen "thời vụ"

Khánh Nguyên 13/09/2021 09:54 GMT+7
Trước việc Trung Quốc sẽ nâng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Bộ NNPTNT khuyến cáo các doanh nghiệp phải thay đổi thói quen buôn bán thời vụ, manh mún thông qua hình thức "trao đổi cư dân biên giới", về lâu dài chưa phù hợp trước sự thay đổi quyết liệt của bạn.

9/11 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng

Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 07/2021. 

Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%. 

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu số 1 của nông sản Việt Nam, năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Mỹ đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 26,2%. 

Trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 9,3 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ 2020.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nông sản Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc ước đạt trên 6 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc thay đổi  - Ảnh 1.

Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc trong 8 tháng năm 2021 đạt 636 triệu USD, tăng 28,3%. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Đáng chú ý, có đến 9/11 nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc 07 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020 bao gồm: rau quả đạt 1,3 tỷ USD tăng 15,6%; gạo đạt 338 triệu USD tăng 15,3%; hạt điều đạt 336 triệu USD tăng 80,2%; cao su đạt xấp xỉ 1 tỷ USD tăng 62,8%; sắn và sản phẩm sắn đạt 636 triệu USD tăng 28,3%.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hiện, tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động đến tiến độ xuất khẩu sang Mỹ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu (thủy sản, điều, gỗ) để phục vụ chế biến xuất khẩu.

"Các khó khăn kéo dài của doanh nghiệp phải đối mặt từ khi dịch Covid-19 bùng phát vẫn chưa được xử lý triệt để như việc tiếp cận các gói tín dụng hỗ trợ còn hạn chế; việc vận chuyển nông sản và vật tư đầu vào vẫn còn gặp khó khăn, bất cập làm tăng chi phí; nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đã bắt đầu diễn ra, các nhà máy chế biến thiếu lao động, chi phí phát sinh cao khi thực hiện "3 tại chỗ", công suất chế biến chỉ đạt trung bình 30 – 40%" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu một thực tế.

Trung Quốc nâng hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp phải bỏ thói quen buôn bán thời vụ

Đáng chú ý, tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, tuy nhiên nhiều loại nông sản chủ lực, có lợi thế vẫn chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch, mở cửa thị trường về kỹ thuật (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, sứa ướp muối, tôm sú, tôm thẻ ướp đá) để tận dụng các ưu đãi này.

Trung Quốc cũng đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch Covid-19 tác động đến tiến độ thông quan hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

Trung Quốc thay đổi  - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) kiểm soát xe chở hàng hóa qua cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Báo Lạng Sơn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn duy trì thói quen buôn bán thời vụ, manh mún thông qua hình thức "trao đổi cư dân biên giới", về lâu dài chưa phù hợp trước sự thay đổi quyết liệt của bạn.

"Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng ngày càng cao, để phát triển xuất khẩu bền vững, các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo.

Bộ NNPTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường, bổ sung các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến) vào nội dung các cuộc đàm phán lãnh đạo cấp cao giữa hai nước để đẩy nhanh tiến độ.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 01/01/2022; hướng dẫn đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc theo quy định mới về đảm bảo về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản.

Đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc duy trì công nhận các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở bao gói, chế biến nông sản, thủy sản đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu sau thời điểm Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực.

Để tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, Bộ NNPTNT kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. 

Chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine Covid-19 ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. 

Các lái xe và người trên xe sau khi đã được tiêm phòng 2 mũi vaccine thì có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm 1 tháng/lần, để giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện cho lưu thông.