Dân Việt

Có một thứ quý như vàng ở Việt Nam đang bị lẫn trong rác thải

Minh Ngọc 14/09/2021 18:21 GMT+7
Mỗi năm, Việt Nam có trên 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Nếu được đầu tư, chế biến số phụ phẩm này sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tăng thêm thu nhập cho nhà nông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phụ phẩm nông nghiệp cũng quý như... vàng

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi của nước ta thải ra trong năm 2020 ở mức khoảng 156,8 triệu tấn. 

Hai lĩnh vực có phụ phẩm lớn là trồng trọt (88,9 triệu tấn) và chăn nuôi (61,4 triệu tấn chất thải). Phụ phẩm trồng trọt thải ra chủ yếu là trong quá trình thu hoạch, như rơm, rạ từ sản xuất lúa, vỏ trấu, cám gạo khi chế biến gạo.

Riêng vùng ĐBSCL có 39,4 triệu tấn phụ phẩm (chiếm 26,2% và lớn nhất cả nước), trong đó 33,3 triệu tấn từ trồng trọt và 6,2 triệu tấn từ chăn nuôi. Tỉnh Kiên Giang có tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp lớn nhất với 5,7 triệu tấn, tiếp đến là An Giang (5,2 triệu tấn).

Không để lãng phí phụ phẩm... tỷ đô - Ảnh 1.

Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước (Đồng Nai) sử dụng vỏ của trái cacao để làm phân hữu cơ. Ảnh: Minh Ngọc.

Thị trường rơm ngày càng sôi động

Thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng ĐBSCL ngày càng phát triển. Vụ Đông Xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng từ 55.000-75.000 đồng trên 1.000 m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg, giá rơm cạnh đường giao thông liên xã là 15.000 đồng/bó, tương đương 1.250 đồng/kg.

Nếu vận chuyển xa thì giá bán rơm tại cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn… khoảng 25.000 đồng/bó, tương đương 2.083 đồng/kg. Như vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm nếu đem bán.

P.V

Lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m3 gỗ tròn, thải ra 3,4 triệu tấn vỏ, cành, lá và quá trình chế biến tạo ra 2,4 triệu tấn mùn cưa. Các phụ phẩm này được dùng ép viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học, phân hữu cơ…

Về thủy sản, năm 2020 Việt Nam có tổng sản lượng 8,4 triệu tấn, trong đó khai thác là 3,85 triệu tấn, nuôi trồng 4,56 triệu tấn và nhập thêm 1 triệu tấn nguyên liệu về chế biến. Riêng phụ phẩm trong chế biến thủy sản mỗi năm khoảng 1 triệu tấn. Hiện 90% được thu gom, đưa vào chế biến, làm ra các sản phẩm hữu ích.

Ông Chinh cho rằng, phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, nhưng việc sử dụng được đánh giá vẫn chưa hiệu quả. Mặt khác, việc sử dụng phụ phẩm vẫn còn khá đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Đơn cử như với rơm, lúa chỉ được sử dụng làm thức ăn thô cho gia súc; làm chất độn chuồng cho vật nuôi; phủ luống/gốc cây trồng.

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ đưa ra dẫn chứng, trong chế biến thủy sản xuất khẩu, con cá tra đang được sử dụng các phụ phẩm rất tốt, để chế biến chuyên sâu. Hầu hết các phụ phẩm từ mỡ, da, nội tạng… đều đã được chế biến thành các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao.

"Phế phụ phẩm nông nghiệp là một nguồn tài nguyên lớn, cũng quý như vàng nhưng còn lãng phí quá nhiều. Nếu đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong chế biến thì sẽ tạo ra giá trị lớn cho ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân" - GS Võ Tòng Xuân cho hay.

Không để doanh nghiệp nước ngoài "thâu tóm"

Không để lãng phí phụ phẩm... tỷ đô - Ảnh 3.

Vỏ trái ca cao có thể thành phân bón. Ảnh: Minh Ngọc.

Không để lãng phí phụ phẩm... tỷ đô - Ảnh 4.

Năm 2020, vùng Đông Nam Bộ ước tính có trên 13,9 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, chiếm 9,3% tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước. 

Trong đó có 7,8 triệu tấn phụ phẩm từ trồng trọt và 6,1 triệu tấn từ phân vật nuôi. Riêng Đồng Nai có chăn nuôi phát triển nên khối lượng phân vật nuôi năm 2020 tương ứng là 2,3 triệu tấn; đứng thứ nhất trong vùng.

Để giải bài toán này, không lãng phí phụ phẩm nông nghiệp, đại diện Sở NNPTNT Đồng Nai kiến nghị đến Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT, nên xem phụ phẩm nông nghiệp là một nguồn tài nguyên có thể cải tạo để nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất: "Phụ phẩm nông nghiệp không phải là vấn đề mới, tuy nhiên để giải quyết vấn đề này là khâu rất là lớn, cần sự tham gia của nhiều ngành kinh tế, từ công nghệ sinh học, vi sinh, tự động hóa, cơ khí để chuyển phụ phẩm nông nghiệp trở thành nguyên liệu cho các ngành y tế, môi trường, thực phẩm, phân bón…".

Đại diện Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, hiện nay để làm phân hữu cơ, các doanh nghiệp trong nước phải nhập nguyên liệu phân gà, phân lợn từ châu Âu, Nhật Bản. 

Thực tế cho thấy, phân gà nhập từ Nhật Bản rất rẻ, về đến cảng Cát Lái, giá thành từ 1.900 - 3.700 đồng/kg (tùy loại, dạng nung, bột, viên). 

Trong khi nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm chăn nuôi ở Bình Phước, Đồng Nai rất lớn. Nhưng việc sử dụng đang hạn chế, trong khi giá thành đầu tư sẽ cao hơn nhập khẩu.

Để chủ động sản xuất, không để doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, đại diện Sở NNPTNT Đồng Nai đề xuất Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời, thực sự hiệu quả trong sản xuất phân hữu cơ.  

Việt Nam có 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi, với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại ĐBSCL.

Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Viện Cây ăn quả miền Nam, trong quá trình sản xuất, thu hái và chế biến trái cây ở ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng… rất nhiều, nhưng nhiều nơi đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường, trong khi có thể tái sử dụng để làm "phân bón hữu cơ" cho cây trồng.

GS. TS. Võ Tòng Xuân ("cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của ĐBSCL) cho rằng, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp) không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu. GS. Võ Tòng Xuân cho hay: "Hạt nhãn, hạt vải thiều… có rất nhiều công dụng mà chúng ta chưa khai thác hết, không chỉ làm phân bón mà có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng nhưng hiện nay chúng ta đang để lãng phí".

P.V