Biến phế, phụ phẩm trồng nấm làm giá thể hữu cơ trồng rau sạch

Thứ ba, ngày 25/04/2017 07:30 AM (GMT+7)
Mục đích nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Minh, Học viện nông nghiệp Việt Nam là ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý phế phụ phẩm trồng nấm sau thu hoạch tạo thành giá thể hữu cơ trồng rau an toàn.
Bình luận 0

imgPh

Phụ phẩm nông nghiệp có thể được tận dụng để trồng rau an toàn 

Nghề trồng nấm ở nước ta ngày càng phát triển mạnh dẫn tới phế phụ phẩm sau trồng nấm cũng ngày càng nhiều, trong khi chỉ một phần được xử lý thành phân hữu cơ hay làm thức ăn nuôi giun quế,...phần còn lại chủ yếu bị thải bỏ và trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đây là một sự lãng phí nguồn nguyên liệu hữu cơ do bã nấm vẫn còn dinh dưỡng tồn dư khá cao mà không được tái sử dụng hợp lý.

Rau xanh là thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người nhưng hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong rau xanh đang trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội.

Sản xuất rau xanh sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nên tình trạng đất đai bị thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái và gây ô nhiễm môi trường mà chất lượng rau vẫn không đảm bảo. Vì vậy, giải pháp trồng rau sạch trên giá thể hữu cơ vừa đảm bảo cung cấp rau an toàn, vừa thích hợp cho các hộ gia đình, đặc biệt là cư dân đô thị vốn không có đất canh tác, vừa có thời gian eo hẹp.

Trong xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, việc sử dụng giá thể hữu cơ để trồng cây như rau, hoa cây cảnh,... đã được thực hiện phổ biến từ lâu trên thế giới như tại Nhật Bản, Mỹ,... nhưng chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam. Một số loại giá thể đã được nghiên cứu và sử dụng chủ yếu là phối trộn các loại nguyên liệu theo các tỉ lệ khác nhau. Tuy nhiên, các loại giá thể này đều có bổ sung phân khoáng hóa học trong quy trình sản xuất nên ít nhiều vẫn có ảnh hưởng đến môi trường. Thêm vào đó, chưa có loại giá thể hữu cơ chuyên dụng nào được sản xuất từ phế phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ trồng rau an toàn, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân.

Vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý triệt để được phế phụ phẩm trồng nấm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng nguồn phế thải hữu cơ để sản xuất giá thể hữu cơ có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác không đất của cư dân thành phố là việc làm có ý nghĩa.

Trong nghiên cứu này, các loại bã thải sau thu hoạch được sử dụng để xử lý làm giá thể hữu cơ gồm bã thải trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi (xưởng trồng nấm của Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cơ sở trồng nấm trên địa bàn Hà Nội). Đất dùng trong thí nghiệm đánh giá hiệu quả của giá thể là đất phù sa sông Hồng không được bồi, trung tính ít chua với hàm lượng dinh dưỡng ở mức trung bình. Hạt giống rau mồng tơi sử dụng cho thí nghiệm do công ty cổ phần Tre Việt cung cấp.

Kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn được tổ hợp 5 chủng giống vi sinh vật để xử lý phế phụ phẩm trồng nấm sau thu hoạch làm giá thể hữu cơ gồm: Azotobacter, Bacillus subtilis, Saccharomyces, Streptomyces và Trichoderma, có hoạt tính sinh học cao và có khả năng phân hủy chuyển hóa tốt chất hữu cơ trong bã nấm; xác định được các điều kiện thích hợp cho nhân giống vi sinh vật.  Giá thể hữu cơ sau xử lý từ bã nấm có hàm lượng các chất dinh dưỡng và vi sinh vật hữu ích khá cao, đặc biệt là lượng dinh dưỡng dễ tiêu (lân dễ tiêu đạt 14,7 mg/100 g, kali dễ tiêu đạt 12,48 mg/100 g), đảm bảo cho sự sinh trưởng phát triển của cây rau.

Rau trồng trên giá thể hữu cơ sau xử lý bã nấm có các chỉ tiêu sinh trưởng (tỉ lệ nảy mầm, chiều cao cây, diện tích lá và năng suất) đều cao hơn so với đối chứng (trồng trên đất canh tác) ở mức sai số có ý nghĩa, trong khi tỉ lệ sâu bệnh giảm hơn 15%. Hơn thế nữa, rau mồng tơi trồng trên giá thể hữu cơ từ xử lý bã nấm hoàn toàn đạt tiêu chuẩn rau an toàn, không chứa vi sinh vật  gây bệnh và kim loại nặng.

Như Hoa (KHPT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem