Dự kiến, dự án cầu Trần Hưng Đạo sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Về tổng quan dự án có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km, mặt cắt cầu 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư. Đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe.
Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội đang hoàn thiện phương án kiến trúc trình Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo xem xét quyết định theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội có chủ trương giao Công ty CP Him Lam nghiên cứu, đề xuất dự án Trần Hưng Đạo theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan thống nhất đề xuất phương án quy hoạch cầu hoặc hầm qua sông Hồng nối từ đường Trần Hưng Đạo sang quận Long Biên làm cơ sở triển khai phương án đầu tư.
Tuy nhiên, việc đầu tư dự án này theo hình thức hợp đồng BT gặp nhiều vướng mắc và nhận được nhiều ý kiên trái chiều về loại hình đầu tư BT này. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chưa có kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với dự án này.
Vào tháng 6/2021, Công ty CP Him Lam đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức BOT sau khi phương án kiến trúc được lựa chọn.